Nơi đầu tiên sụp đổ chỉ trong vài giây là tòa nhà H2O Holy Faith 19 tầng với quy mô 90 căn hộ ở Kerala. Sức công phá của thuốc nổ khiến căn chung cư bề thế bỗng chốc hóa thành một mảnh bụi mù. Công trình H2O Holy Faith đã bị Tòa án Tối cao phán quyết không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường từ tháng 5/2019, song đến hôm 11/1, lệnh phá hủy mới được thi hành.
Chỉ ít phút sau, tháp đôi Alfa Serene ở quận Maradu, thành phố Kochi cũng nối gót kết cục của H2O Holy Faith. Hai tòa nhà khác bị phát hiện vi phạm đã bị hủy vào ngày 12/1. Quá trình dùng thuốc nổ giật sập tòa nhà được nhà chức trách giám sát chặt chẽ bằng trực thăng, trong khi người dân phía dưới tò mò kéo nhau vây quanh những công trình đồ sộ đó.
Những năm gần đây, Ấn Độ liên tiếp mọc lên nhiều tòa nhà chọc trời, song quy tắc an toàn và các quy định khác dường như đã bị cả nhà đầu tư lẫn nhà thầu “bỏ quên”. Giờ đây, cư dân đã mua 343 căn hộ ở Alfa Serene phải chật vật tìm đường xoay sở để được hoàn tiền, trong số đó, không ít người đã lâm vào cảnh khốn đốn khi dốc túi trút sạch tiền tiết kiệm cả đời vào căn hộ.
Trước khi phá sập tòa nhà, chính phủ đã phát động cảnh báo để giữ người dân trong khoảng cách an toàn, điều động xe cấp cứu và cứu hỏa đề phòng tình huống bất trắc, cũng như sơ tán 2000 người khỏi hiện trường. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại rằng hành động chôn thuốc nổ phá nhà này có thể tác động xấu đến kiến trúc của các tòa nhà lân cận. “Khi họ đang cho nổ tung bể bơi bên kia, trên tường các căn hộ chỗ chúng tôi bắt đầu xuất hiện vết nứt. Chúng tôi rất lo lắng”, Divya, một cư dân sống trong tòa nhà gần đó cho biết.
Năm 2006, chính quyền địa phương đã cấp phép cho nhà thầu tư nhân xây dựng nhà cao tầng. Thế nhưng, theo phán quyết của Tòa án Tối cao vào năm ngoái, việc thi công hàng loạt đã tổn thương đến môi trường và hệ sinh thái vốn rất nhạy cảm ở vùng này. Hôm 10/11, một khu nghỉ dưỡng ở quận Alappuzha cũng bị cưỡng chế phá hủy sau khi chủ đầu tư kháng cáo thất bại, cũng với phán quyết tương tự.
Với đầm phá nước lợ và hồ chạy song song với biển Ả Rập, Kerala là một khu vực dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường. Năm 2018, nơi này từng trải qua nạn lụt khủng khiếp nhất thế kỷ, khiến hơn 400 người thiệt mạng. Các chuyên gia cáo buộc chính quyền địa phương quá tham lam trong việc xây dựng các tòa nhà và khu nghỉ dưỡng mà lơ là quy định xây dựng ở khu vực ven biển.
Quá trình đánh sập tòa chung cư.
Ban đầu, cư dân trong tòa nhà ở Maradu vẫn từ chối rời đi, song đành cam chịu chuyển sang chỗ khác khi chính phủ cắt sạch điện nước. Họ được nhà chức trách đền bù một số tiền trong thời gian chờ đợi công ty xây dựng nghĩ cách hoàn tiền hợp đồng mua nhà. Shamshudeen Karunagapally đã chi 145.000 USD để mua một căn hộ ở đây, chẳng ngờ nó lại bị đánh sập. Vợ con ông không dám chứng kiến cảnh tượng này vì quá đau lòng khi thấy giấc mơ tan vỡ. “Chúng tôi phải nhận lấy đau khổ ngay cả khi chẳng làm gì sai”, ông xót xa nói.