Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Singapore: Đừng bêu riếu người khác trên mạng, hãy giúp họ sửa sai!

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tất cả mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống của con người dường như đều được "trưng" lên mạng, kể cả việc bêu riếu thói hư tật xấu của người khác. Có lẽ nhiều người đã quên rằng trước khi có mạng xã hội, chúng ta đã từng sống bao dung như thế nào với nhau.

Ngày nay, những chiếc điện thoại di động thông minh với camera “thần thánh” có thể giúp bạn nhanh chóng chớp lấy bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống. Nhưng chính sự tiện lợi này lại “châm ngòi” cho những hành vi tiêu cực trên các trang mạng xã hội.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp trên Facebook hàng nghìn lời bình luận chỉ trích, lên án những hành vi không đẹp mắt như chen lấn không xếp hàng, nói chuyện to, lái xe ẩu hay âu yếm quá đà của các cặp đôi tại nơi công cộng… bất chấp động cơ, nguyên nhân là gì. Kéo theo đó là không ít người đã phải sống dở chết dở vì bị hiểu lầm hoặc bị “ném đá” không thương tiếc mà không có cơ hội được sửa sai. 

Người đàn ông ngủ gật trên tàu điện

Trên chuyến tàu điện chật cứng người, một người đàn ông đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế ưu tiên dành cho người già và phụ nữ có thai. Ngay bên cạnh anh ta là một bà bầu đang cố gắng nắm chặt lấy thanh vịn để đứng cho vững. Nếu có mặt lúc đó, bạn sẽ làm gì?

Bạn sẽ tiến đến đánh thức người đàn ông kia và nhắc anh ta nhường ghế cho bà bầu hay lén chụp một bức ảnh và đăng tải lên mạng để phê phán hành động kém ga-lăng của anh ta?

Đây là một câu hỏi được đặt ra trong một chiến dịch của tổ chức phi lợi nhuận Hành động tử tế Singapore, tập trung chủ yếu vào văn hóa phê phán công khai tại đảo quốc sư tử.

kindness_movement

Một người dùng Facebook tên là Lin Tianyun đã đăng tấm poster và phản đối việc bêu riếu người đàn ông bị cho là chiếm chỗ ngồi ưu tiên trên tàu điện.

Lin Tianyun đánh giá những người chọn phương án đăng bức ảnh này lên mạng là “vừa tiêu cực, hèn nhát vừa chẳng mang lại lợi ích gì”. Theo cô, thay vào đó, người chụp ảnh nên đến gần và nhắc người đàn ông kia nhường ghế cho bà bầu. Bài đăng của Lin đã thu hút hơn 7.000 lượt thích và chia sẻ.

Một cư dân mạng bình luận: “Biết đâu người đàn ông ấy không được khỏe. Không ai chắc chắn rằng bà bầu kia có xứng đáng được ưu tiên chỗ ngồi hơn anh ta hay không”. Một người khác bày tỏ quan điểm: “Hồn nhiên chụp ảnh rồi phê phán người khác trên mạng cũng chả mấy tốt đẹp hơn việc không nhường ghế cho người được ưu tiên”.

Tác giả bộ ảnh cưới “không thể xấu hơn”

Một ví dụ điển hình khác chính là bộ ảnh cưới gây xôn xao cộng đồng Facebook tuần qua vì “không xấu vì quá xấu” của cặp đôi cô dâu Jaclyn Ying và chú rể Kelvin Tang.

Dù không tiết lộ danh tính nhiếp ảnh gia của album cưới xấu đau xấu đớn này, nhưng sau khi được cô dâu đăng tải lên mạng và thu hút hơn 20.000 lượt chia sẻ, cộng đồng mạng đã truy tìm được tung tích của tác giả xấu số và thậm chí cả studio mà anh chàng đang làm việc. Cuối cùng, nhiếp ảnh gia này đã buộc lòng phải lộ diện và xin lỗi cặp đôi trên Facebook cá nhân.

kindness_movement 2

Một bức ảnh chụp lại khoảnh khắc “khó đỡ: trong bộ ảnh cưới “độc nhất vô nhị” của cặp đôi người Singapore.

Trước thái độ hối hận chân thành của người chụp ảnh, cư dân mạng bắt đầu cảm thông và tha thứ cho anh này. Thay vào đó, họ chuyển hướng sang lên án hành động nói xấu người khác trên mạng xã hội của cô dâu, chú rể. Dù sao đi nữa thì hành động của họ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc kinh doanh của studio và sự nghiệp của nhiếp ảnh gia kia. 

Câu chuyện đã có thể kết thúc khác đi nếu cặp đôi trực tiếp phản ánh và góp ý cho nhiếp ảnh gia hoặc studio mà anh đang làm việc.

Lời kết

Thay vì thể hiện mình là người tử tế bằng một bức ảnh nhằm bêu riếu và “sửa lưng” người khác trên thế giới ảo, hãy lên tiếng góp ý, sửa sai cho họ ngay trong cuộc sống thực. Vì nếu không làm như vậy, chính bạn mới là người cư xử không tử tế, đáng bị “ném đá” hơn cả đấy.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất