Từ việc điều quân đội cung cấp lương thực, cách ly công nhân ngay tại nhà máy, phong tỏa từng phần đến cho phép người đã tiêm chủng lui tới văn phòng, nhà hàng, những chính sách này đã thể hiện nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vì tỷ lệ tiêm chủng còn thấp nên các nước này rất dễ lao đao vì biến thể Delta, trái ngược với tình hình ở Mỹ và châu Âu – nơi phần lớn dân số đã được tiêm vaccine và bắt đầu mở cửa trở lại.
Trong bối cảnh đó, áp lực kinh tế cũng đang đè nặng lên các nước Đông Nam Á. Để vượt qua giai đoạn ảm đạm, họ buộc phải nghĩ ra đối sách phù hợp.
"Đây là bài toán cân bằng giữa chống dịch và đảm bảo đời sống kinh tế", Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore, nhận định.
Giới chức các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại rằng nếu kéo dài các biện pháp hạn chế quá lâu, nền kinh tế sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.
Do đó, một số nước nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang dần tìm cách “sống chung” với Covid-19 như chiến lược của Singapore. Indonesia đang cố gắng thắt chặt các quy định phòng dịch thay vì hạn chế đi lại. “Bản đồ đi lại” cũng được áp dụng tại văn phòng, trường học nhằm chuẩn bị cho sự thích nghi mới.
Đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Singapore và Malaysia, số ca nhiễm hàng ngày không được chú ý bằng số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19. Hiện Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số, Malaysia là hơn 50%.
Thay vì phong toả từng phần hoặc thậm chí cả nước, Philippines ưu tiên việc áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển theo từng khu vực, dựa trên tình hình dịch bệnh ở nơi đó.
Chỉ những người có giấy chứng nhận tiêm vaccine mới được vào các trung tâm mua sắm và nơi thờ cúng ở Jakarta (Indonesia) hoặc rạp chiếu phim ở Malaysia.
Các nhà hàng ở Singapore phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của thực khách. Tại Manila (Philippines), các quan chức đang xem xét “bong bóng vaccine”, cụ thể là cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ đến nơi làm việc và ngồi phương tiện giao thông công cộng.
Những chiến lược này được kỳ vọng giúp giảm thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.