Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Đôi bạn thân bám càng máy bay suốt 11 tiếng vượt 9.000 km tới Anh: 'Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!'

“Tôi biết điều đó là nguy hiểm như thế nào nhưng tôi phải chọn lấy cơ hội cho mình. Tôi không quan tâm là mình sống hay chết. Tôi phải rời châu Phi để tồn tại”, Cabeka kể lại.

Hành trình tìm tới miền đất hứa và cái kết một mất một còn

Ước tính có 109 trường hợp bám vào gầm máy bay trên khắp thế giới được ghi nhận từ trước đến nay, với London (nước Anh) là điểm đến phổ biến nhất. Tuy nhiên, chỉ có 24 người may mắn sống sót khi máy bay hạ cánh, trong đó có anh Themba Cabeka (30 tuổi) đến từ Nam Phi.

Vào năm 2015, anh Cabeka cùng người bạn thân là anh Carlito Vale bám vào gầm máy bay của chiếc Boeing 747-400 thuộc hãng hàng không British Airway, khởi hành từ Johannesburg, Nam Phi tới London, Anh. Quãng đường đi của họ dài tới 9.000 km và mất phải mất tới 11 giờ bay. 

Đôi bạn thân bám càng máy bay suốt 11 tiếng vượt 9.000 km tới Anh: 'Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!' Ảnh 1
Cabeka (bên phải) cùng người sản xuất chương trình Rich Bentley (trái). 

Cabeka được tìm thấy nằm trên mặt đất sau khi máy bay hạ cánh ở sân bay Heathrow (Anh). Lúc này, người đàn ông đang bị thiếu oxy, toàn thân lạnh cóng vì phải chịu nhiệt độ -60 độ C khi bám càng máy bay. Anh bị hôn mê suốt 6 tháng. 

Không được may mắn như Cabeka, người bạn đi cùng anh lại rơi từ trên cao xuống tử vong khi máy bay chỉ còn cách sân bay khoảng 10 km. Thi thể của anh được tìm thấy trong đơn vị điều hòa không khí của một khối văn phòng tại Richmond. 

Sau cơn hôn mê dài 6 tháng, cuối cùng Cabeka cũng tỉnh lại. Khi vừa mới mở mắt, một sĩ quan cảnh sát đưa xem hộ chiếu của Vale và hỏi có biết người này không. “Tất nhiên là tôi biết anh ấy. Đó là bạn tôi, Vale”, anh Cabeka nói. “Anh không bao giờ tới được đây. Anh ấy rơi xuống một tòa nhà cao tầng”, sĩ quan nói tiếp.

Xuất phát điểm từ hai đứa trẻ mệnh khổ

Mặc dù là một trong 24 người sống sót khi bám càng may bay trên khắp thế giới nhưng rất ít người biết tới Cabeka, mãi cho tới khi nhà sản xuất Rich Bentley của Kênh 4 đã tìm tới người đàn ông này. Cabeka hiện đã lấy tên tiếng anh là Justin. 

Đôi bạn thân bám càng máy bay suốt 11 tiếng vượt 9.000 km tới Anh: 'Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!' Ảnh 2
Hành trình mà Cabeka đã vượt qua dưới tiết trời -60 độ C. 

Trong bộ phim tài liệu The Man Who Fell From The Sky của Kênh 4, Cabeka đã kể về cuộc hành trình vào năm 2015 với cậu bạn kém may mắn. Câu chuyện của Cabeka bắt đầu khi anh gặp Vale trong một hộp đêm ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) và họ cùng nhau lên kế hoạch cho chuyến đi bất hợp pháp đến Anh. 

Vale từng là một đứa trẻ vô gia cư, lang thang bất định và lớn lên trong trại trẻ mồ côi sau cuộc nội chiến ở Mozambique (một quốc gia ở đông nam Châu Phi). Sau đó anh bị vợ và con gái (hiện 11 tuổi) ghẻ lạnh nên anh luôn mơ về một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài. 

Trong khi đó, Cabeka cũng là một đứa trẻ mệnh khổ. Anh chưa bao giờ được biết mặt cha và bị mẹ bỏ rơi khi chỉ mới 3 tháng tuổi. Từ năm 7 tuổi, anh đã sống tại một khu cắm trại gần sân bay Johannesburg.

Cabeka chia sẻ: “Xuất phát điểm của tôi rất khó khăn. Tôi được anh họ nuôi dưỡng, anh ấy đã nhận nuôi tôi khi còn nhỏ. Mọi thứ vẫn bình thường cho tới khi anh ấy qua đời. Tôi đang đi học cũng phải bỏ học giữa chừng vì không có đủ tiền đóng học phí. Khi anh họ qua đời, mọi thứ bắt đầu đổ vỡ. Vì vậy lúc đó tôi nghĩ đời tôi đến đây là chấm hết rồi. 

Tôi sống ở thành thị nhưng những người xung quanh luôn ghen tị với tôi vì tôi có nhà. Họ muốn giết tôi để chiếm nhà. Cuối cùng tôi phải nằm viện trong 3 ngày và phải rời khỏi thị trấn. Tôi dừng chân gần sân bay Johannesburg và phải đi ăn xin để sống qua ngày. 

Cuộc sống của tôi thật lãng phí. Thật quá khó khi là người vô gia cư. Tôi đã cố gắng xây dựng bản thân để có một cuộc sống tốt hơn nhưng khó quá”.

Đôi bạn thân bám càng máy bay suốt 11 tiếng vượt 9.000 km tới Anh: 'Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!' Ảnh 3
Cả hai cố tình chọn máy bay của hãng British Airways thay vì các máy bay thuộc hãng hàng không Mỹ vì không muốn bay qua đại dương.

Cuộc gặp gỡ định mệnh và ý tưởng vượt biên táo bạo

Vào một hôm khi đang ngồi trong hộp đêm, Vale đã tới bên cạnh Cabeka để một xin thuốc lá và hai người bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình cho nhau nghe. Sau khi biết hoàn cảnh của Vale, Cabeka đã mời anh tới sống cùng trong khu cắm trại và mối quan hệ giữa hai người ngày càng thân thiết.

Cabeka nhớ lại: “Anh ấy đã mở lòng với tôi và tôi cũng mở lòng với anh ấy, vì vậy chúng tôi đã trở thành bạn của nhau. Vale là một chàng trai tốt vì anh ấy ít nói. Anh ta cũng không thích bạo lực. Tôi không có gia đình nên nghĩ: ‘Tốt hơn là tôi nên rời khỏi đất nước và tìm kiếm một nơi nào đó để bắt đầu’ và anh ấy cũng cảm thấy như vậy”.

Kế hoạch vượt biên bất hợp pháp của họ được thực hiện sau khi xem bộ sưu tập sách kỹ thuật của Vale, trong đó có một cuốn nói về máy bay. Và thế là họ đến sân bay vào tối 18/6/2015. 

Sân bay có người canh gác nên chúng tôi nhảy qua hàng rào khi trời tối”, Cabeka nói. "Chúng tôi mặc đồ màu đen để không ai nhận ra chúng tôi, 2 áo phông, 3 áo khoác, 2 quần jeans”.

Sau khi vượt qua hàng rào, cả hai kiên nhẫn chờ đợi khoảng 15 phút cho đến khi phát hiện một chiếc máy bay sắp cất cánh. Cả hai cố tình chọn máy bay của hãng British Airways thay vì các máy bay thuộc hãng hàng không Mỹ vì không muốn bay qua đại dương.

Đôi bạn thân bám càng máy bay suốt 11 tiếng vượt 9.000 km tới Anh: 'Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!' Ảnh 4
Cabeka được phát hiện khi nằm trên đường băng. Ảnh minh họa

Tôi phải rời châu Phi để tồn tại!

Chuyến bay cất cánh vào lúc 10h15 phút tối. Đây là lần đầu tiên hai đi máy bay. “Chúng tôi phải ép mình vào bên trong. Tôi thậm chí còn nghe thấy tiếng động cơ đang chạy”, anh Cabeka nhớ lại. 

Trước khi bám càng máy bay, tôi rất lo lắng nhưng vào ngày hôm đó tôi lại không hề sợ hãi chút nào, vì tôi đã quyết định làm điều này. Tôi biết điều đó là nguy hiểm như thế nào nhưng tôi phải chọn lấy cơ hội cho mình. Tôi không quan tâm là mình sống hay chết. Tôi phải rời châu Phi để tồn tại”, Cabeka kể lại. 

Cabeka buộc mình vào máy bay bằng một sợi dây cáp điện quấn quanh cánh tay. Các chuyên gia hàng không cho biết, rất hiếm có người sống sót được trong một bộ phận của máy bay mà không được sưởi ấm, không có áp suất. Tuy nhiên, vẫn có khoang chứa càng máy bay có đủ chỗ cho người ẩn nấp, miễn là nằm sát vào trong góc.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó Cabeka đã bất tỉnh do thiếu oxy. Đến tận thời điểm hiện tại, người đàn ông này vẫn không thể tin rằng mình có thể sống sót với nhiệt độ ngoài trời giảm xuống tới -60 độ C. Điều đầu tiên anh nhớ lại là nằm trên đường bằng với một cái chân bị gãy và hiện anh vẫn phải dùng nạng để đi lại. 

Tôi đã ở đây. Máy bay ở đó. Tôi đang tự hỏi mình làm sao tôi có thể ra khỏi máy bay thì nhìn thấy lính canh bế tôi lên và tôi lại ngất đi. Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện sau 6 tháng hôn mê”, Cabeka chia sẻ. 

Các bác sĩ tin rằng anh Cabeka sống sót được vì nhiệt độ đóng băng giúp anh ta luôn trong tình trạng giống như ngủ đông. Với nhiệt độ cơ thể hạ thấp, tim, não và các cơ quan nội tạng được đặt ở chế độ “chờ”, hầu như không dùng đến oxy, nên hạn chế tổn thương các tế bào và cơ quan. 

Tôi may mắn không bị thương ở đầu. Tôi có hai vết bỏng trên cánh tay, nhưng giờ không sao nữa vì tôi đã làm phẫu thuật. Nhưng có điều gì đó không ổn với chân của tôi. Tôi hy vọng họ có thể sắp xếp giúp tôi hồi phục”, Cabeka nói. 

Cuộc sống hiện tại của Cabeka

Cabeka đã nộp đơn xin tị nạn để ở lại Anh và anh được phép ở lại. Hiện người đàn ông này đang sống trong một căn hộ nhỏ có một phòng ngủ ở Liverpool nhưng không thể làm việc do chấn thương. 

 "Tôi đang chờ làm hộ chiếu. Phải mất 5 năm để có hộ chiếu Anh và sau đó tôi sẽ được đi máy bay mà không phải bám càng nữa", Cabeka nói.

Điều khiến Cabeka trăn trở suốt những năm tháng qua là anh sống sót trong khi người bạn của anh thì không. Cabeka chia sẻ: "Tôi đã bỏ lỡ đám tang của anh ấy vì tôi bị hôn mê. Tôi rất buồn vì anh ấy đã được chôn cất mà không thể nói lời từ biệt. Vì vậy, tôi đã đến đặt hoa lên mộ anh ấy. 

Tôi rất nhớ anh ấy. Tôi thường gọi anh ấy là ‘anh trai khác mẹ của tôi’. Anh ấy là người duy nhất hiểu tôi, biết tôi đến từ đâu. Tôi cảm thấy cả hai chúng tôi đã cùng nhau trải qua một hành trình dài. Anh ấy vẫn là người bạn tốt của tôi mặc dù anh ấy đã ra đi mãi mãi”.

Nhà sản xuất phim tài liệu Bentley cho biết, cái chết của Vale và nhiều người trốn theo đường khác vẫn không có khả năng ngăn cản những người khác, những người rơi vào cảnh nghèo đói tới mức tuyệt vọng, bám càng trên máy bay để tới miền đất mới. Bentley nói: "Tôi đã nói chuyện với một số người trốn theo tàu và câu chuyện của họ cũng vậy. Những người như Cabeka đang ở trong một tình huống bất khả thi và không có sự lựa chọn. 

Chúng tôi có rất nhiều câu chuyện về những người cố gắng vượt biên đến Anh. Nhưng khi nói chuyện với họ, tôi chợt nhận ra rằng họ đang ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào. Tôi hy vọng bằng cách nêu bật ví dụ này, nó sẽ gây được tiếng vang và nói hộ tiếng lòng của những người đang tuyệt vọng đến cùng đường”.

Mặc dù trong hành trình tìm tới miền đất hứa, Cabeka đã đánh mất người bạn thân nhất và chịu nhiều vết thương trên cơ thể, nhưng với anh quyết định mạo hiểm mạng sống để tới đây bắt đầu một cuộc sống mới là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, người đàn ông cũng gửi lời khuyên tới tất cả mọi người: “Hành trình này không hề an toàn. Nó đặt người ta vào ranh giới giữa sự sống và cái chết", Cabeka nói. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương An

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc