Gần một tháng kể từ khi các hạn chế của Covid-19 bắt đầu được thực thi nghiêm ngặt ở Thượng Hải, các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu nói rằng chưa đến một nửa số nhân viên của họ có thể trở lại làm việc, theo CNBC.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đại lục đã áp đặt các hạn chế đi lại và lệnh lưu trú tại các trung tâm kinh tế từ thành phố Thâm Quyến phía nam đến tỉnh Cát Lâm phía bắc. Mức độ kiểm soát dịch Covid-19 thay đổi theo khu vực.
Lệnh phong tỏa quy mô lớn bắt đầu ở khu vực đông nam Thượng Hải từ cuối tháng 3 là một trong những sự cố gây xáo trộn nhất đối với cuộc sống hàng ngày và cả với các doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi cung ứng của họ. Thành phố này chiếm khoảng 3,8% GDP của Trung Quốc nhưng là nơi có bến cảng bận rộn nhất thế giới.
Hôm 15/4, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo họ đã cử một nhóm đến Thượng Hải. Bộ kêu gọi ưu tiên nối lại công việc tại 666 doanh nghiệp lớn trong các ngành như chip, dược phẩm sinh học và thiết bị sản xuất ô tô.
Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết mặc dù một số công ty đã khởi động lại hoạt động ở Thượng Hải bằng cách cho nhân viên của họ ở lại làm việc tại chỗ, nhưng "nhiều công ty vẫn phải đối mặt với những thách thức về tình trạng thiếu lao động và khó khăn về hậu cần". Ước tính chưa đến 30% lực lượng lao động của họ đủ điều kiện đi làm do tình trạng phong toả vẫn đang diễn ra, vì vậy có một khoảng cách rất lớn giữa chính sách và thực tế triển khai.
Các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ gặp khó khăn trong việc đưa công nhân vào các nhà máy đồng nghĩa với việc các công ty không thể dễ dàng đưa nhân viên mới vào làm việc theo ca khác.
“Cơn ác mộng hậu cần này sẽ tiếp tục cho đến giữa tháng 5”, bà Schoen-Behanzin nói.
Một thách thức khác đối với những người lao động được phép rời khỏi nhà là các hạn chế liên quan đến việc đi lại, tại thời điểm đó, quá trình trở lại làm việc “thường không thành công”, theo ông Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, một công ty tư vấn làm việc chủ yếu với các công ty Bắc Âu hoạt động tại Đông và Đông Nam Á.
Hạn chế vận chuyển cũng có thể ảnh hưởng đến việc phân phối các bộ phận.
“Các tài xế xe tải luôn lo sợ nếu có nguy cơ bị cách ly 14 ngày khi tới nhà máy nên họ sẽ bỏ qua việc giao hàng tới đó và làm việc khác”, ông Annell cho biết.
Ông nói thêm, để một doanh nghiệp có thể hoạt động với 30% công suất trong một tuần là “một kết quả thực sự tốt”.
“Điều tốt duy nhất về tình hình hiện tại là nó rõ ràng không bền vững đối với nền kinh tế và tất cả các công ty nên nó sẽ không tồn tại quá lâu”, ông nói và cũng dự báo tình hình sẽ có thể thay đổi vào nửa cuối tháng 5 hoặc tháng 6.
Tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF cho biết các cơ sở của họ ở Thượng Hải đã hoạt động dưới sự hạn chế của quản lý địa phương kể từ cuối tháng 3, với một số sản xuất ở mức giảm. “Đã có những vấn đề về nguồn cung nguyên liệu thô, gián đoạn hậu cần và tình trạng thiếu lao động, đang ảnh hưởng đến hoạt động và kinh doanh của chúng tôi", công ty cho biết.
Trong khi đó, công ty hóa chất DuPont của Mỹ cho hay, trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc của họ đang hoạt động bình thường hoặc được quản lý theo vòng kín, các cơ sở ở Thượng Hải vẫn đóng cửa.
Theo nhận xét của Giám đốc điều hành Elon Musk trong cuộc họp báo thu nhập hàng quý, nhà máy ở Thượng Hải của hãng sản xuất xe điện Tesla đã “hoạt động trở lại”. “Họ thực sự gặp phải những thách thức đáng kể do Covid-19, tuy nhiên vẫn có thể sản xuất một số lượng lớn các phương tiện chất lượng cao", ông Musk nói.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cho thấy hầu hết các công ty Anh tại Trung Quốc dự kiến lợi nhuận của họ sẽ giảm trong năm nay do các biện pháp chống dịch Covid-19 ở địa phương. Hơn 2/3 trong số hơn 200 công ty được khảo sát nói họ dự kiến sẽ giảm doanh thu trong năm nay. Gần một nửa trong số đó cho biết những hạn chế đã ảnh hưởng đến khả năng thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài của họ.
Số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Thượng Hải vẫn nằm trong khoảng 20.000 ca.