Trong quá trình khám nghiệm tử thi của bệnh nhân qua đời vì COVID-19, các nhà nghiên cứu từ Đại học Umea ở Thụy Điển nhận thấy lá phổi của những người này chứa chất dịch tựa như "một loại thạch lỏng trong suốt", có nhiều điểm tương đồng với phổi của các nạn nhân chết do đuối nước.
Kết quả phân tích cho thấy trong dịch thể này có chứa hyaluronan (hay còn gọi là axit hyaluronic), chất thường xuất hiện trong mô liên kết và được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm để tạo ra các sản phẩm dưỡng ẩm, chống lão hóa.
Các nhà nghiên cứu giải thích: "Hyaluronan có khả năng giữ nước vượt trội, do đó, khi hòa trộn với các chất lỏng, nó sẽ biến thành hỗn hợp sệt như thạch. Và chính thứ này đã chiếm dụng diện tích của không khí trong phế nang, khiến bệnh nhân khó hô hấp và buộc phải dùng máy thở, hoặc thậm chí tử vong vì suy hô hấp".
Đối với một số chứng bệnh như co thắt sỏi mật, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc Hymecromone để làm chậm quá trình sản xuất hyaluronan. Bên cạnh đó, cortisone, một loại steroid, cũng có công dụng tương tự.
"Các chuyên gia đã tìm được biện pháp điều chỉnh quá trình tạo ra dịch nhầy trong phổi, hoặc phá vỡ cấu trúc của nó thông qua một loại enzyme", trích lời Urban Hellman, một thành viên của nhóm nghiên cứu. "Trước đây, mọi người tin rằng đây là kết quả thu được nhờ ứng dụng đặc tính chống viêm của cortisone. Song không chỉ thế, chất này còn có thể ức chế việc sản xuất hyaluronan, nhờ đó giảm bớt lượng dịch nhớt trong phổi bệnh nhân".