Theo lời kể, khi đang lấy quần áo từ giá phơi, bà Praphaphan Chanpiboon, 70 tuổi, bỗng phát hiện ánh mắt lạnh lẽo của một con trăn dài 4 mét đang dõi theo từ hàng rào kim loại. Quá hoảng sợ, bà lập tức chạy vào nhà, khóa cửa và gọi cháu gái tới giúp. Cháu của bà sau đó đã nhanh chóng liên hệ với lực lượng bắt rắn địa phương để xử lý tình huống.
Lực lượng chức năng đến nơi vào khoảng 10 giờ đêm. Họ phát hiện con trăn đang cuộn mình trên hàng rào và có dấu hiệu tìm đường lẩn trốn. Các chuyên gia đã nhanh chóng triển khai biện pháp khống chế, chặn mọi hướng thoát của con vật trước khi kéo nó ra khỏi chỗ ẩn nấp. Sau đó, con trăn được cho vào một chiếc bao lớn và mang đi thả tại khu vực cách xa khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn.
(Video: Trong lúc đi lấy quần áo, bà Praphaphan được phen thất kinh khi thấy con trăn khổng lồ trên hàng rào)
Vẫn chưa hết run sợ sau sự việc, bà Praphaphan chia sẻ: “Tầm khoảng 9h30 tối, tôi ra ngoài lấy quần áo vì sợ trời sắp mưa. Tôi vừa với tay lấy tấm bạt che giá phơi thì quay đầu lại, nhìn thấy con trăn nằm im trên hàng rào. Tôi sợ đến mức không thở nổi. Tôi cực kỳ sợ rắn, đến cả con lươn tôi cũng không dám động vào vì nó giống rắn quá. Tôi liền gọi cháu gái tới xem có đúng là rắn không, rồi con bé gọi ngay cho chính quyền.”
Bà cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu không phát hiện kịp thời, con trăn có thể chui vào nhà hoặc trườn sang các khu vực lân cận, gây nguy hiểm cho người dân. “Tôi chưa từng thấy con trăn nào to như vậy. Bình thường tôi chỉ thấy vài con rắn xanh nhỏ, chứ con này thì khổng lồ thật sự,” bà nói.
Hiện con trăn đã được di dời an toàn, nhưng sự việc vẫn khiến cư dân quanh khu vực được phen hú vía và cảnh giác cao độ.
Trăn lưới (Malayopython reticulatus) là loài rắn dài nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 4–7 mét, cá thể lớn có thể vượt 8 mét và nặng tới hơn 100kg. Chúng có lớp vảy óng ánh đặc trưng, hoa văn dạng mắt lưới đan xen vàng – đen – nâu, giúp ngụy trang cực kỳ hiệu quả trong rừng rậm, đầm lầy và khu vực gần sông suối.
Trăn lưới sinh sống chủ yếu ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Là loài không có nọc độc, chúng săn mồi bằng cách siết chặt đến khi con mồi ngạt thở, sau đó nuốt chửng toàn bộ. Con mồi của chúng đa dạng, bao gồm chim, lợn, dê, khỉ, chó và thậm chí cả cá sấu nhỏ.
Mặc dù hiếm gặp, đã từng có ghi nhận trăn lưới tấn công và nuốt người ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, chúng thường không chủ động gây nguy hiểm nếu không bị kích động. Trăn lưới đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quần thể loài gặm nhấm, góp phần giữ cân bằng sinh thái.
Khi môi trường sống bị thu hẹp, chúng có xu hướng tiến gần khu dân cư, gây ra những cuộc chạm trán khiến người dân hoang mang và buộc lực lượng chức năng phải can thiệp.