(Video) Đôi nét về phong cảnh ở Thường Châu, Giang Tô.
Vị trí địa lý và lịch sử hình thành
Giang Tô nằm ven biển phía đông, là tỉnh có mật độ dân số cao nhất ở Trung Quốc. Vào đầu thời nhà Thanh, Giang Tô thuộc tỉnh Giang Nam. Đến năm Khang Hi thứ 6 (1667), nhà vua đã tách tỉnh Giang Nam thành Giang Tô và An Huy như hiện tại. Giang Tô có đường bờ biển dài 1.000 km, chạy dọc theo Hoàng Hải và một phần biển Hoa Đông. Giang Tô được phân chia thành nhiều thành phố cấp tỉnh, thủ phủ là thành phố Nam Kinh với bề dày về văn hóa và lịch sử.
Thường Châu, nơi diễn ra trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, là thành phố của tỉnh với lịch sử 2.500 năm. Thường Châu nằm ở bờ Nam sông Dương Tử, giáp Nam Kinh về phía Tây, Vô Tích về phía Đông, tỉnh Chiết Giang về phía Nam.
Dân số
Tính đến cuối năm 2011, tổng số nhân khẩu thường trú tại Giang Tô là 78,9 triệu người, trong đó người Hán chiếm tuyệt đại đa số. Tỉnh Giang Tô là nơi sinh sống của người dân thuộc 55 dân tộc thiểu số Trung Quốc.
Kinh tế và du lịch
GDP bình quân đầu người ở Giang Tô cao nhất trong số các tỉnh tại Trung Quốc. Nổi bật nhất có lẽ là Tô Châu, thành phố hơn 2.500 năm tuổi, phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là thiết bị điện tử và dệt may.
Thường Châu được công nhận trong ngành “bốn trụ cột” cũ, bao gồm sản xuất cơ khí, sản xuất điện, sản xuất ôtô và hàng dệt. Ngoài ra, thành phố đã bổ sung thêm nhiều ngành công nghiệp vào nền kinh tế, bao gồm các sản phẩm công nghệ cao, điện tử, y sinh học và hoá học. 42 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp đặt văn phòng ở Thường Châu.
Giang Tô nói chung là một trong các tỉnh trọng điểm về du lịch tại Trung Quốc, với các danh hồ, danh sơn, danh tuyền, danh viên, danh tự nổi tiếng khắp đất nước. Nơi đây chính là quê hương của Hoa Quả Sơn, “quê hương” của Tôn Ngộ Không. Vùng đất này còn có Minh Hiếu lăng tại Nam Kinh, một phần của quần thể Lăng tẩm hoàng gia Minh-Thanh, di sản thế giới của UNESCO, cùng nhiều danh lam thắng cảnh khác.
Thường Châu là một trong những điểm đến du lịch ở khu vực phía Nam của Giang Tô. Thường Châu nổi tiếng với Công viên Khủng long Trung Quốc, với hơn 50 hóa thạch khủng long được trưng bày trong bảo tàng, bao gồm cả hóa thạch hadrosaur sớm nhất, lớn nhất và hoàn thiện nhất thế giới.
Ẩm thực
Ẩm thực Giang Tô là một trong 8 trường phái lớn của ẩm thực Trung Quốc, được ví như “người đẹp phương Nam”. Ẩm thực Giang tô được chia thành rất nhiều phong cách ẩm thực khác như: Kinh Tô, Hoài Dương, Tô Tích, Vô Tích. Nhìn chung, ẩm thực Giang Tô nổi tiếng về các món hầm, ninh, tần. Sự hình thành của một trường phái có lịch sử lâu dài không tách rời với phong cách đặc sắc và độc đáo, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của địa dư, điều kiện khí hậu, đặc sản tài nguyên, thói quen ăn uống…
Sản phẩm đặc trưng
Nằm ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, tỉnh Giang Tô có rất nhiều hồ, thuận lợi trong việc tiếp cận phương tiện giao thông, cũng như là nguồn cung cấp phong phú cho các sản phẩm đặc biệt của địa phương. Giang Tô nổi tiếng với bạch tuộc từ Thái hồ, cá trích hilsa và cá trích sói từ sông Dương Tử, cua lớn từ hồ Diêm Thành,…
Ngoài nguồn cung về ẩm thực, Giang Tô còn nổi tiếng vì sở hữu một trong bốn phong cách thêu nổi tiếng ở Trung Quốc. Thêu Tô Châu được coi là “viên ngọc nghệ thuật ở phương Đông” nhờ những đường thêu sống động, thiết kế tinh tế và màu sắc thanh lịch.
Đi kèm với nghệ thuật thêu và những mảnh vải thổ cẩm với thiết kế đơn giản, màu sắc phong phú, tươi sáng, hơn hết là chất lượng hoàn hảo. Nó được sử dụng chủ yếu để làm trang phục hoàng tộc ở thời Trung Quốc cổ đại. Chưa hết, đồ gốm sứ Nghi Hưng, nghệ thuật điêu khắc trên đất sét ở Vô Tích và đồ sơn mài từ Dương Châu đều có danh tiếng trong nước và quốc tế.