Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Dê, cừu, cá chết hoá xác khô và sự thật rùng mình

Sau nạn hạn hán nghiêm trọng nhất suốt hơn một thế kỷ qua, giờ đây mảnh đất phía nam châu Phi này chỉ còn trơ lại xương trắng cùng đất đai nứt nẻ hoang vu.

Khu vực này được cư dân bản địa thuộc bộ lạc Khoisan đặt tên là Karoo, có nghĩa là “vùng đất khô hạn”. Tại Graaff-Reinet, trấn cổ lâu đời nhất trong vùng, người dân gần như kiệt sức khi trận hạn hán kéo dài bất ngờ ập đến không một dấu hiệu báo trước. Đến năm thứ tư diễn ra thiên tai, nước máy chuyển hẳn sang màu nâu và bốc mùi tanh tưởi y như cá bị thối rữa.

Bộ xương khô của một con dê chết trong trận hạn hán ở Graaff-Reinet.

Khi nước ở đập Nqweba khô cạn, khiến hàng chục nghìn con cá phơi thây trên nền đất nứt, cư dân phải xếp hàng rồng rắn trước các trung tâm bơm nước ít ỏi trong thị trấn, cố tìm chút hy vọng sống giữa lúc thú nuôi trong trang trại chết như ngả rạ. Giờ đây, việc lựa chọn xả nước nhà vệ sinh hay giữ lại vật nuôi cũng đủ khiến họ đau đầu.

Con đập trong thị trấn khô cằn nứt toác.

Xác cá chết khô hàng loạt.

“Khu vực này đúng là khô hạn, nhưng trước giờ chúng tôi chưa từng phải chịu cảnh không có nổi một giọt nước sinh hoạt như thế”, Bukelwa Booysen cho biết. Cô đã phải thuê nhân viên khoan giếng để tìm nước phục vụ trong trường học dành cho trẻ khuyết tật của mình. Tuy nhiên, bao nhiêu nỗ lực đều như muối bỏ biển, cô đành phải gửi các bé về với gia đình.

Gia súc như dê và cừu liên tiếp bỏ mạng.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ, năm nay, mùa hè ở đây trở nên nóng bất thường, lượng mưa thấp hơn tận 75% so với mức trung bình. Hậu quả là, Liên Hợp Quốc cho biết có 45 triệu người ở miền nam châu Phi phải đối mặt với nạn đói. Cây cối trong vùng đang chết dần chết mòn, sông ngòi khô cạn.

Gerrie Snyman đứng cạnh xác con cừu trong trang trại.

Gerrie Snyman, chủ một trang trại, phải cho đàn cừu và dê ăn ngũ cốc vì không còn cỏ tươi nữa. Trong số đàn vật nuôi với số lượng lên đến mấy nghìn con của cụ ông 65 tuổi, hơn 1/3 đã chết vì hạn hán hoặc bị bán đi. 80 con bò của ông hiện đã bước qua tuổi 15. Thấy một con bê gần như kiệt sức vì bò mẹ không thể tiếp tục sản xuất sữa, ông đành giết chết nó để tránh con vật tự mình chết đói. Quá tuyệt vọng trước cảnh gia súc trong nhà chết hàng loạt, một người bạn của ông đã nổ súng tự sát.

Cư dân trong vùng xếp hàng chờ nhận nước.

Đâp nước không còn nổi một giọt.

“Chúng tôi rất biết ơn Đấng toàn năng đã ban cho nguồn nước giếng khoan”, ông nói. “Nhỡ mai này nước cạn, chúng tôi không biết phải làm sao”. 18 tháng trước, khi hồ chứa ở Cape Town gần như khô kiệt, truyền thông đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu chính phủ lập tức cung cấp nước cho người dân, song những giọt nước quý giá đó phải mất thời gian dài mới đến được Karoo.

Gideon Groenewald đang dò tìm mạch nước ngầm.

Valentia Esho, một bà mẹ 45 tuổi đã thất nghiệp và có 7 mặt con ở Umazisakhe, không dám xả nước nhà vệ sinh, cũng không giặt quần áo. Chỉ khi nào phục trang bốc mùi quá, cô mới tiếc nuối mang đi giặt, trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo lãng phí nước. “Nhà chúng tôi hôi khủng khiếp”, cô chia sẻ. “Ai cũng bị đau bụng và tiêu chảy cả”. 

Xe tải mang nước đến với người dân.

Ở một thành phố khác, Asherville, Hiệu trưởng Basil Vaaltyn đang giám sát xe tải phân phối nước cho trường. Để không phung phí nguồn nước quý giá, ông chủ động giảm thời gian tắm từ 2 phút xuống còn 1 phút. Vợ ông còn tích trữ nguồn nước đã qua sử dụng vào trong bể chứa, bất chấp nó chẳng sạch sẽ gì. Phát ngôn viên của chính quyền thành phố cho biết họ đang khoan lỗ, lắp đặt đường ống và xây dựng hồ chứa 18 triệu lít, song cũng nhấn mạnh: “Lượng nước tiêu thụ vẫn còn quá nhiều, người dân nên sử dụng nước tiết kiệm hơn”.

Một người đàn ông lắp vòi vào ống khoan để chuẩn bị xả nước chia cho cư dân.

Tổ chức Gift of the Givers đang tích cực hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng bằng cách cung cấp nước và khoan giếng. Gideon Groenewald, một nhà địa chất học thuộc tổ chức từ thiện trên, sử dụng cả phương pháp khoa học và tâm linh để tìm nguồn nước ngầm. “Tôi mở GPS lên và tìm vị trí có cây cối, cầu xin Chúa trời cho mình tìm được nước ở đó và lên đường khoan giếng”, ông nói. “Bạn thấy cây gậy trên tay tôi chứ? Nó chuyển động khi gặp khu vực có từ trường. Đó là nơi tôi đang tìm kiếm”. Thực tế cũng chứng minh phương pháp này mang đến hiệu quả nhất định: trong số 1800 vị trí được đặt máy khoan, chỉ tầm 1/3 trong số đó thực sự không có nước.

Cánh đồng trơ trọi chỉ toàn đất nứt khô cằn.

Dân thị trấn cầu nguyện thần linh giúp họ tìm được nước.

Louise Stafford, giám đốc phụ trách mảng nguồn nước ở Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên Nam Phi, cảnh báo các tổ chức nên thận trọng khi quyết định đào giếng, bởi số lượng mạch nước ngầm có hạn. Mỗi năm, có hơn 1 tỷ lít nước bị tiêu hao nhanh chóng vì phải phục vụ cho các trang trại trồng cây, cũng như rò rỉ từ các đường ống khai thác.

Đây là nan đề mà Bộ trưởng Nước Lindiwe Sisulu cam kết sẽ giải quyết trong bản kế hoạch tổng thể sắp tới. Giờ đây, người dân chỉ còn biết thành tâm cầu nguyện Chúa trời ban phúc giúp họ vượt qua cơn khốn khó này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The Sun

Được quan tâm

Tin mới nhất