Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Dân Venice khóc ròng vì ngập lụt lịch sử, du khách vẫn mê mải selfie

Tuyết Mai (Zing) Theo dõi Saostar trên google news

Sau trận lụt kỷ lục ở Venice ngày 14/11, khách du lịch vẫn thản nhiên chụp ảnh, tham quan trong khi người dân địa phương lo sợ cho tương lai thành phố của các kênh đào ở Italy.

Ngay cả theo tiêu chuẩn của một thành phố được xây dựng trong đầm nước cạn, mực nước vào ngày 14/11 ở Venice cũng quá cao.

Nước ngập gần đến đầu gối, lan rộng khắp quảng trường chính của thành phố, biến nó thành hồ nước rộng lớn cho những con mòng biển.

Tại vương cung thiên niên kỷ gần đó, nước vẫn xâm xấp trong hầm mộ ngay cả sau một ngày bơm nước ra khỏi ngôi mộ của một hồng y Công giáo La Mã.

Một người đàn ông đi bộ trong hầm mộ ngập nước của Thánh đường St. Mark ở Venice hôm 13/11. Ảnh: AFP/Getty.

Xung quanh các khu vực sầm uất nhất của thành phố, nước chảy khắp các tầng của các quán cà phê và cửa hàng kính Murano, thấm vào các hành lang của khách sạn, để lại mùi nước thải nồng nặc.

Venice có thể phục hồi nhanh chóng từ lũ lụt thảm khốc. Khách du lịch vẫn không rời đi. Có du khách còn chụp ảnh cưới với chiếc váy vấy bùn và bồ hóng.

Nhưng những người sống ở đây nói rằng tình trạng ngập lụt triền miên đang gia tăng, không chỉ gây tổn hại cho các doanh nghiệp, các công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Trên hết, cuộc sống ở một trong những thành phố mong manh và huyền ảo nhất thế giới đang trở nên bất khả thi.

Lo sợ tương lai bị nhấn chìm

Venice đã phát triển mạnh từ thế kỷ thứ 5 bằng cách thuần hóa dòng nước xung quanh nó. Trong những thập kỷ gần đây, ngay cả khi vùng đất chìm xuống khi mực nước biển dâng cao, nhiều người Venice cho rằng thành phố sẽ lại tìm cách phát triển và tiếp tục tồn tại.

Những trận lụt lớn sau đó đã thử thách niềm tin và một dự án kỹ thuật dân dụng lớn để bảo vệ thành phố vẫn còn dang dở, bị chậm lại bởi các vụ bê bối tham nhũng và có thể đã lỗi thời.

Cảnh sát thành phố đứng cạnh thánh đường St. Mark ở Venice hôm 14/11. Ảnh: AFP/Getty.

Thành phố đang bị đe dọa - không chỉ với du lịch, mà còn với 50.000 người tiếp tục sống ở Venice quanh năm.

Tuần này, một đợt thủy triều cao gần 2 m từ biển Adriatic đã nhanh chóng bao phủ 85% thành phố, gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần 50 năm.

Nhưng những trận lụt nghiêm trọng như vậy đang trở nên phổ biến. Một số chuyên gia cảnh báo rằng Venice có thể ở dưới nước trong vòng một thế kỷ.

“Đó là thành phố tràn đầy lịch sử. Một lịch sử mà từng chút một sẽ bị nước nhấn chìm như Atlantis. Con người bị hủy diệt, đau khổ, buồn bã. Họ thấy một thành phố đang biến mất”, Vladimiro Cavagnis, người chèo thuyền gondola đời thứ tư, nói với Washington Post.

Có mặt ở Venice trong tuần này, người ta chứng kiến cuộc sống hàng ngày tiếp diễn khi thiên nhiên làm cho nó trở nên không thực tế, ít nhất là ở các điểm du lịch.

Thương nhân bán những chiếc áo mưa giá rẻ với giá 10 euro, thành phố dựng lên những lối đi trên cao để du khách có thể di chuyển qua các khu vực ngập nước trong những đường hẹp. Cảnh sát quát mắng những người dừng lại trên các tấm ván để chụp ảnh selfie giữa vùng lũ.

Mọi người đi trên cây cầu đi bộ băng qua Quảng trường Thánh Mark ngập lụt ở Venice hôm 14/11. Ảnh: AFP/Getty.

Ở những nơi khác, người Venice đang làm việc để cố gắng đưa thành phố của họ trở lại như những ngày trước đó. Nhân viên quét nước ra khỏi cửa hàng và kiểm kê thiệt hại. Tại Nhà thờ Thánh Mark, các công nhân đang tìm kiếm những mảnh đá cẩm thạch bị sứt mẻ trên sàn khi nước mặn rút.

Mario Piana, người phụ trách việc trùng tu, cho biết vào lúc đỉnh điểm của trận lụt tối 12/11, một phần của nhà thờ bị bao phủ trong nước và những ngày sau đó đã xảy ra “hỗn loạn”.

Ông mô tả nhà thờ là người đẹp mong manh - được bao phủ hầu khắp từ trần đến sàn bởi bức tranh khảm bằng vàng và đá cẩm thạch. Các bộ phận của sàn, không đều như một làn sóng, có từ năm 1094. Ngay cả trước tuần này, công việc đã được tiến hành để loại bỏ muối khỏi các cột đá cẩm thạch.

“Tôi lo lắng cho vương cung thánh đường. Acqua alta (triều cường) không tạo ra thiệt hại rõ ràng, ngay lập tức. Ở bên ngoài, bạn không thấy ngay được điều gì. Nhưng nó có thể so sánh với phơi nhiễm phóng xạ. Trong một tuần, bạn bị rụng tóc. Trong một năm, bạn có thể sẽ chết”, ông nói.

Dự án vây thành chắn biển

Trong nhiều thế kỷ, Venice đã chuyển hướng các dòng sông để bảo vệ đầm phá và mở rộng các đảo chắn. Nhưng hiện tại, mực nước biển đang dâng lên vài mm mỗi năm.

Ngoài khơi, tại các cửa biển giữa những đảo chắn, một dự án lớn có tên MOSE nhằm tăng cường bảo vệ Venice đang bịt kín đầm phá. Ra mắt vào năm 2003, dự án từng được dự báo sẽ hoàn thành vào năm 2011, sau đó lùi sang 2014. Hiện tại, các dự án được kêu gọi hoàn thành vào năm 2022.

Một số chuyên gia nói rằng nếu mực nước biển dâng như dự đoán, các cửa biển sẽ cần phải được nâng lên vĩnh viễn, tạo ra một vấn đề nghiêm trọng không kém: Venice sẽ trở thành một đĩa petri (đĩa cạn có nắp dùng để cấy vi khuẩn) và đối mặt với các vấn đề về nước thải, tăng trưởng tảo và ô nhiễm vi sinh.

Một phần của hàng rào Mose ở đầm phá của Venice. Ảnh: AFP.

Một số người Venice vẫn chống lại thực tế khí hậu và hướng sự tức giận của họ vào các vấn đề với MOSE, dự án có chi phí 6 tỷ euro.

Người dân nói rằng biến đổi khí hậu không phải là mối đe dọa duy nhất và thành phố cũng đang phải vật lộn du lịch quá tải. Theo ước tính, 30 triệu du khách mỗi năm đã tăng chi phí cho người dân địa phương, buộc người Venice biến căn hộ của họ thành phòng trọ và thúc đẩy nền kinh tế với việc làm chủ yếu trong ngành du lịch.

“Có quá nhiều du khách trên mỗi người dân”, Aline Cendon, 52 tuổi, người đã viết nhiều cuốn sách về Venice, cho biết.

Sau trận lụt lịch sử năm 1966, người Venice đã đồng loạt bỏ đi. Bà lo sợ phản ứng tương tự sau trận lụt lần này.

“Một thị trấn, một thành phố, không có cư dân - sẽ còn lại gì? Nó sẽ mất đi những gì tạo nên bản sắc”, bà nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuyết Mai (Zing)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm