Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cuộc sống của 'Robinson Crusoe nước Ý' trên hòn đảo an toàn nhất thế giới giữa dịch COVID-19

Hòn đảo xinh đẹp trên vùng biển Địa Trung Hải, nơi Mauro Morandi "ẩn cư" một mình, giờ đã trở thành địa điểm an toàn nhất thế giới để tránh dịch COVID-19.

Suốt 30 năm qua, Mauro Morandi không hề rời khỏi đảo Budelli lấy một bước. Chẳng ngờ đến một ngày, túp lều đơn sơ của ông lại trở thành “căn cứ địa” an toàn nhất tránh khỏi sự tấn công của COVID-19. Sau quãng thời gian dài sống yên tĩnh một mình, ông đã có góc nhìn sâu sắc về việc cách ly mà nhiều người đang phải thể nghiệm vì dịch bệnh.

31 năm trước, Morandi vốn muốn đi thuyền từ Ý đến Polynesia. Nào ngờ, con thuyền của cựu giáo viên 81 tuổi lại đưa ông đến Budelli, ngoài khơi đảo Sardinia. Trót phải lòng vùng nước trong vắt, rạn san hô và ánh hoàng hôn lãng mạn nơi này, ông quyết định ở lại. Từ ngày tiếp bước người quản lý đảo tiền nhiệm, Morandi đã định cư tại đây. Ở tuổi 81, ông được biết đến với biệt danh “Robinson Crusoe của Ý”.

Mauro Morandi sống một mình trên đảo suốt 30 năm.

Mỗi đêm, ông ngả lưng trong căn nhà bằng đá nhuốm màu thời gian và thức giấc trong sự bảo bọc dịu dàng của mẹ thiên nhiên. Morandi thích khám phá từng bụi cây, vách đá và trò chuyện với những chú chim nhỏ vào mỗi sáng, khi chúng ríu rít ghé vào bên cửa sổ căn bếp nhà ông.

Dẫu sống cuộc đời ẩn sĩ, nhưng không vì thế mà Morandi mặc kệ sự đời. Ông biết Ý đang phong tỏa gắt gao để tránh lây lan COVID-19, những nước khác cũng lao đao đối phó với đại dịch. Trong thế giới đơn độc trên đảo, ông lão 81 tuổi cảm thấy mình đang ở “nơi an toàn nhất thế giới”.

Chia sẻ về cách thích ứng với cuộc sống cô lập, ông nói qua điện thoại: “Tôi ổn, tôi không hề sợ hãi”. Điện thoại là phương tiện duy nhất kết nối Morandi với mọi người bên ngoài. “Ở đây, tôi cảm thấy an toàn. Hòn đảo này cho tôi sự bảo vệ kín kẽ. Không hề có rủi ro nào xuất hiện trong tầm mắt tôi, dù là một mảnh đất hay một chiếc thuyền khác”.

Cảnh sắc say lòng người trên đảo.

Cũng như bao người, trong lòng Morandi luôn canh cánh nỗi lo về người thân, bạn bè ở Modena, khu vực miền Bắc nước Ý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. “Họ đang phải trải qua thời gian khó khăn”, ông nói. Từ khi Ý bùng phát đại dịch, nhịp sống của Morandi cũng thay đổi đôi chút vì thời gian người dân mang thức ăn từ đất liền ra đảo lâu hơn trước.

Điều này cũng có nghĩa là hòn đảo sẽ vắng bóng khách du lịch vào mùa đông. Trong lòng Morandi có hơi trống trải, bao nhiêu năm qua, ông đã quen với việc kết bạn và chia sẻ đồ ăn của mình với họ. Còn lại một mình, cụ ông dành cả ngày để ngắm biển, hít thở không khí trong lành, nhặt củi, nấu ăn và không quên đăng ảnh lên Instagram.

“Tôi thấy buồn chán nên đã giết thời gian bằng cách chụp ảnh bãi biển, động vật hoang dã và phong cảnh, chỉnh sửa rồi đăng lên mạng xã hội, nhất là Instagram”, Morandi nói. “Tôi có nhiều người theo dõi lắm đấy”. Nếu lệnh phong tỏa vẫn tiếp tục có hiệu lực, ông e là du khách sẽ không đặt chân lên đảo trong thời gian tới, ít nhất là cho đến tháng 7. Tuy nhiên, viễn cảnh về một mùa hè tịch mịch không khiến ông sợ hãi.

Bãi cát màu hồng tuyệt đẹp trên bờ biển Budelli.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người đang phải cách ly chống dịch, Morandi cho rằng giới hạn phạm vi hoạt động trong 4 bức tường ở nhà chẳng có gì xấu. Trái lại, điều đó giúp chúng ta có cơ hội thấu hiểu chính mình hơn. Dù đã sinh sống trên đảo hơn 30 năm, nhưng Morandi vẫn không thể chịu nổi mùa đông khắc nghiệt nơi này. Vì thế, đến mùa đông là ông ở yên trong nhà, duy trì tình trạng đó suốt mấy tháng ròng.

“Cả mùa đông tôi đều đóng chặt cửa và ở trong nhà, hầu như không hề lang thang khắp nơi mà chỉ ngồi nghỉ dưới tán cây bên mái hiên nhà. Vì sao mọi người không thể ở nhà chỉ trong 2 tuần? Thật vô lý”, ông chia sẻ. Với việc thắt chặt quy định cách ly và hạn chế di chuyển, chính phủ Ý đã phạt hàng chục người dân trong vài ngày qua vì tự ý rời khỏi nhà chỉ để đi dạo trong công viên hoặc bãi biển.

“Tôi đọc sách và suy ngẫm rất nhiều. Tôi nghĩ những người không thích đọc sách sợ rằng mình sẽ bị những trang giấy cuốn vào dòng suy tư không dứt ra được, không tốt cho tâm trí. Nhưng nếu bạn thực sự học được cách nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác, bạn sẽ nhận ra bản chất của cuộc đời mình đang sống, chiêm nghiệm về tính tình của mình và những hành động mình làm trong quá khứ”, ông nói. Theo Morandi, sự hướng nội này sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Căn chòi xập xệ của Morandi.

Trước khi trở thành cư dân duy nhất trên đảo Budelli, ông từng đặt chân lên khắp mọi miền đất ở châu Âu. “Tôi chợt thấy không muốn xê dịch nữa, không có hứng thú”, Morandi bày tỏ. “Chuyến đi đẹp đẽ nhất, mạo hiểm nhất và khiến ta hài lòng nhất là hành trình khám phá bản thân, dù lúc ấy ta đang ngồi trong phòng khách hay dưới bóng cây ở Budelli. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người bứt rứt khi phải ở nhà và không làm gì cả. Nhưng tôi không hề cảm thấy cô đơn”.

Theo Morandi, đa phần mọi người không muốn ở một mình vì không thể từ bỏ cộng đồng, sợ phải cô đơn. Song, việc cách ly đang ép họ phải đối mặt với điều đó. Dù vững tin rằng khoảng thời gian này là cơ hội tốt để mỗi người tự xem xét lại cuộc sống của mình, nhưng ông không nghĩ ai cũng biết cách tận dụng nó.

“Tôi không tin mọi người sẽ thay đổi quan điểm”, ông nói. “Có thể một vài người sẽ ngộ ra, nhưng số còn lại thì không, bởi họ đã chìm đắm trong tiện nghi và lối sống quay cuồng”. Trong khi đó, thời gian vẫn trôi trên đảo Budelli. Với Morandi, mùa đông năm nay có vẻ dễ chịu hơn, nhiệt độ cứ như mùa xuân và mặt trời chiếu rọi ấm áp. Môi trường sống trên đảo vẫn còn khá hoang sơ, không hề ô nhiễm. Nước biển vẫn trong vắt màu lam ngọc, thảm thực vật hoang dã tốt tươi, những tảng đá như tác phẩm điêu khắc và không khí rất đỗi trong lành. “Mèo nhà tôi sống được đến năm 20 tuổi. Có lẽ khí hậu nơi đây đã giúp nó kéo dài tuổi thọ”, ông chia sẻ.

Hòn đảo sẽ vắng bóng người vì dịch COVID-19.

Budelli là một trong những hòn đảo xinh đẹp nhất trên toàn Địa Trung Hải. Thế nhưng, vẻ đẹp này cũng không thoát khỏi biến đổi khí hậu và bàn tay tàn phá của con người. Cách đây không lâu, hòn đảo vẫn được điểm tô bằng một dải cát màu hồng trải dài theo bờ biển, hình thành từ xác san hô và các sinh vật biển, khiến cả bờ cát lấp lánh sắc màu hoàng hôn. Giờ đây, những cơn gió đã đổi chiều, bờ biển không còn phủ đầy cát màu cổ tích nữa.

Trong những năm qua, đảo Budelli đã nhiều lần đổi chủ sở hữu. Từ năm 2016, hòn đảo này đã trở thành công viên quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ, khiến vai trò trông coi của Morandi hóa thành thừa thãi. Ông không biết mình có nên tiếp tục sống ở đây hay không. Tình trạng khốn đốn vì dịch bệnh lúc này có thể khiến mọi quyết định của Morandi phải trì hoãn, dù ông biết căn chòi nhỏ của mình đang rất cần có nhà vệ sinh. “Hiện tại tôi đã có đủ mọi thứ mình cần. Tôi có điện để dùng, dù hay phải sửa chữa, có nước sinh hoạt và một gian bếp nhỏ ấm cúng”, Morandi nói. Với cụ ông 81 tuổi, cuộc sống thế là đã đủ đầy.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết CNN

Được quan tâm

Tin mới nhất