Ông Liang Er, 77 tuổi và bà Lu Honglan, 47 tuổi, đến từ một ngôi làng nghèo đói ở quận Rongxian, khu tự trị Quảng Tây, có 4 bé trai và 11 bé gái từ năm 1995 đến năm 2016 do kế hoạch hóa gia đình không hiệu quả của chính quyền địa phương, chính quyền Quảng Tây cho biết trong một tuyên bố.
Trong giai đoạn trên, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình chỉ được sinh một con và sau đó đổi thành hai con. Cho đến nay, nước này đã nới lỏng giới hạn nghĩa là cho phép người dân sinh 3 con do tỷ lệ sinh giảm và dân số già.
Thông cáo của chính quyền Quảng Tây cho biết, cặp đôi này không đăng ký kết hôn, nhưng họ đã sống chung và có con theo sự đồng ý của cả hai. Thông tin này được chính quyền đưa ra nhằm xoá tan nghi ngờ của dư luận về việc bà Lu có thể đã bị ép buộc phải làm như vậy. Mới đây vụ việc một phụ nữ mắc bệnh tâm thần được phát hiện đã bị người chồng mua về và ép sinh 8 đứa con làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Kết quả là 17 quan chức ở Giang Tô đã bị sa thải.
Sau vụ việc, Bộ Công an nước này đã khởi động một chiếc dịch toàn quốc hồi đầu tháng 3 để kiểm tra những phụ nữ và trẻ em không có chi tiết danh tính, đặc biệt là những người vô gia cư hoặc bị khuyết tật về tinh thần, thể chất.
Trở lại với gia đình ông Liang, gia đình này đã nổi tiếng trên mạng vào đầu năm 2016 vì số lượng con đông bất thường. “Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy không có nạn buôn người hoặc ép buộc kết hôn”, chính quyền khu vực cho biết trong tuyên bố sau cuộc điều tra kéo dài hai tuần.
Tuy nhiên, trường hợp này cũng phản ánh “chủ nghĩa hình thức và quan liêu” trong các cơ quan Nhà nước trong việc kiểm soát đăng ký kết hôn và quản lý dân cư. 11 quan chức ở Rongxian đã nhận cảnh cáo hoặc bị cách chức.
Gia đình ông Liang sống bằng nghề nông, tiền trợ cấp của chính phủ và tiền quyên góp của công chúng trong những năm qua.
Những đứa trẻ đều lớn lên khỏe mạnh và có giấy tờ tùy thân hợp pháp. 4 trong số chúng hiện đã có việc làm và số còn lại đang đi học.