Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Có một hành tinh khác gần Trái Đất hơn cả sao Kim?

Một nghiên cứu mới đo đạc khoảng cách trung bình giữa các hành tinh phát hiện hành tinh gần Trái Đất nhất không phải là 2 "hàng xóm" sao Kim hay sao Hỏa.

Như chúng ta đã biết, trong Hệ Mặt trời, trái đất là hành tinh thứ 3 tính từ Mặt trời, giữa 2 “hàng xóm” là Sao Kim (hành tinh thứ 2) và Sao Hỏa (hành tinh thứ 4). Từ lâu, các nhà thiên văn tính toán rằng trong 2 hành tinh nói trên thì Sao Kim ở gần trái đất hơn cả, là vì sao sáng nhất trên bầu trời dưới hình dáng Sao Mai khi rạng sáng và Sao Hôm vào buổi tối.

Tuy nhiên, trong bài bình luận vừa đăng tải trên tạp chí Physics Today, một nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng hành tinh gần nhất với trái đất là… Sao Thủy.

Điều này nghe có vẻ kỳ quái, bởi Sao Thủy (Mercury) được biết đến là hành tinh gần Mặt trời nhất và nếu xếp 8 hành tinh Hệ Mặt trời trên 1 đường thẳng, Sao Kim sẽ nằm giữa Sao Thủy và trái đất.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu mới này, gồm các tiến sĩ, kỹ sư đến từ Đại học Alabama, NASA và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Kỹ thuật của Quân đội Mỹ, cách tính truyền thống chỉ thể hiện được khoảng cách giữa 2 hành tinh khi chúng nằm ở điểm gần nhau nhất trên quỹ đạo.

Họ đề xuất một cách tính mới, dựa trên phương pháp gọi là “vòng tròn điểm”, tính khoảng cách hành tinh bằng cách lấy khoảng cách trung bình giữa hàng loạt các điểm trên quỹ đạo của chúng trong thời gian suốt 10.000 năm.

Với chu kỳ quay quanh mặt trời tới 225 ngày, Sao Kim và trái đất thường có một cuộc rượt đuổi rất lâu để có thể tiến đến điểm gần nhau nhất, mất rất nhiều thời gian cho những ngày cách biệt ở bên này và bên kia Mặt trời; trong khi Sao Thủy với chu kỳ 88 ngày lại thường giáp mặt trái đất hơn.

Vì vậy, khoảng cách trung bình giữa trái đất và Sao Thủy gần hơn nhiều so với khoảng cách giữa trái đất và Sao Kim.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách tính toán nói trên. Giáo sư Steven Beckwith, giám đốc của Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, cho rằng đây là cách thú vị để xác định lại thuật ngữ “gần nhất”, nhưng không đủ sâu sắc.

Ông ví dụ rằng mọi người vẫn sẽ cho rằng người hàng xóm ở nhà bên cạnh là người sống gần mình nhất, cho dù họ có trải qua 7 tháng mỗi năm sống ở một nơi khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo NLD

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm