Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Có gì đặc biệt trong Tết Nguyên đán của người châu Á?

Tết Nguyên đán là dịp lễ đặc biệt ở nhiều quốc gia châu Á với những phong tục thú vị và mang nét riêng, song điểm chung là sự ấm áp bên gia đình.

Việt Nam

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Việt mỗi năm, thường diễn ra trong 3 ngày. “Nguyên đán” nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm mới. Trong những ngày này, mọi người nô nức đi thăm hỏi họ hàng, quây quần bên mâm cơm và kể những chuyện vui trong năm vừa qua.

Các cụ có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cho nên đầu năm mới nhiều nhà luôn cẩn thận trong từng lời ăn, tiếng nói, hành động vì sợ “giông” cả năm. Với nhiều gia đình, mấy ngày đầu năm họ thường kiêng quét nhà vì sợ “mất lộc” vì vậy những ngày cận Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tham gia dọn dẹp nhà. Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ này, ăn kèm hành muối, củ kiệu.

Trung Quốc

Người Trung Quốc gọi ngày lễ này là “lễ hội mùa xuân”, bắt đầu từ ngày đầu tiên theo lịch âm với các hoạt động như múa rồng, múa lân và đốt pháo, trang trí nhà cửa bằng màu đỏ rực rỡ.

Ở quốc gia tỷ dân này, mọi người đón Tết theo truyền thống của từng địa phương. Các gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như “Phúc”, “Lộc” và “Thọ”. Vào đêm Trừ Tịch, bữa tối đoàn viên sẽ có các món truyền thống như gà, cá và sủi cảo. Đặc biệt, họ sẽ tránh ăn thịt con vật đại diện cho năm đó vào đầu năm.

Mông Cổ

Với tên gọi Tsagaan, người Mông Cổ sẽ đón năm mới trong 15 ngày. Họ sẽ quây quần bên gia đình, ăn thịt cừu, bánh kẹo, há cảo và airag (sữa ngựa lên men).

Nghi thức không thể thiếu trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa chén bát bằng sữa ngựa. Người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ pha một ấm trà, rót chén đầu tiên và vẩy tứ phía với tâm lý xua tan mọi điều xấu, mang lại điều tốt đẹp cho năm mới.

Hàn Quốc

Cũng theo âm lịch, Tết Seollal của Hàn Quốc rơi vào ngày đầu tiên của năm mới. Ngày lễ diễn ra trong 3 ngày, là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, cùng nhau đi cung điện hoàng gia và các làng nghề truyền thống.

Ở Hàn, người dân sẽ đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma vào đêm giao thừa. Tất cả các thành viên trong gia đình sẽ thức suốt đêm vì theo truyền thuyết, nếu ngủ thì lông mi, tóc sẽ bạc trắng, thể lực kém, tinh thần kém minh mẫn.

Những ngày Tết, mọi người thường mặc trang phục truyền thống Hanbok. Ngoài lì xì, họ cũng tặng nhau nhân sâm, mật ong, cá hồi hay những vật dụng hàng ngày như dầu gội, kem đánh răng.

Singapore

Với phần lớn dân số là người gốc Hoa nên Tết âm lịch ở Singapore khá giống tại Trung Quốc. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường tưng bừng với các lễ hội mùa xuân. Người dân cũng thường tới chùa lễ thần, lễ Phật.

Mâm cỗ Tết của người Singapore phong phú với những món ăn không thể thiếu như Yusheng (cá sống) - biểu tượng cho sự dư dả, Fatt choy ho see (mọi sự thành đạt, thịnh vượng), Chang shou mian (mì trường thọ), Pencai (gồm thịt heo, gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp), Tang yuan (cách phát âm gần giống với từ đoàn viên).

Tết âm lịch ở Singapore là dịp bạn bè, họ hàng chúc tụng, đãi tiệc nhau.

Malaysia

1/4 dân số Malaysia là người Hoa kiều nên quốc gia này cũng đón Tết Nguyên đán vào ngày 1/1 âm lịch như nhiều quốc gia châu Á khác. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm với các phong tục như tặng lì xì, đoàn tụ gia đình, hay lễ hội múa lân - sư - rồng.

Philippines

Tuy không phải là một kỳ nghỉ lễ chính thức ở Philippines, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức tưng bừng bởi những người Philippines gốc Hoa. Trong dịp này, những thành phố đông người gốc Hoa như Cebu hay Davao ngập tràn không khí Tết với những màn múa sư tử, múa rồng…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà.

Được quan tâm

Tin mới nhất