Với nhiều người dân Anh, gia đình Hoàng gia chính là khuôn thước hoàn hảo cho một gia đình chuẩn mực. Cũng vì lẽ đó, các thiên thần nhỏ từ gia tộc danh giá này luôn được công chúng dõi theo và sở hữu cho mình một lượng “fan” hùng hậu. Tuy nhiên, thế sự vô thường, nếu có một ngày vợ chồng Hoàng tử Harry - Công nương Meghan hay Hoàng tử William - Công nương Kate chẳng may gặp nạn, bé cưng nhà họ sẽ ra sao?
Lỡ như có một ngày thảm kịch ập đến, các con của Hoàng tử Harry - Công nương Meghan, Hoàng tử William - Công nương Kate hay các cặp đôi còn lại trong hoàng thất sẽ được Nữ hoàng che chở. Theo điều luật được Hoàng gia tuân thủ suốt 300 năm qua, bé Archie, Hoàng tử George, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis sẽ nhận Nữ hoàng làm người giám hộ hợp pháp trong trường hợp cha mẹ qua đời. Song, nhiều người vẫn còn thắc mắc về điều luật này.
Mỗi khi xuất hiện trước công chúng hay đứng trước ống kính, những thiên thần nhỏ của gia đình Hoàng gia Anh luôn nở nụ cười tươi tắn đủ sức làm “tan chảy” trái tim của bất kỳ ai. Các fan của gia tộc hoàng thất liên tục chia sẻ khoảnh khắc các hoàng tử bé và tiểu công chúa tươi cười khi tham dự lễ diễu hành Trooping the Colour, cũng như bức ảnh ghi dấu lần đầu bé Archie Harrison ra mắt người dân khi làm lễ rửa tội. Vẻ đáng yêu của các thành viên nhí trong gia đình Hoàng gia khiến công chúng không ngớt lời xuýt xoa khen ngợi.
Song, trong trường hợp Hoàng tử và Công nương đều qua đời, quyền nuôi dưỡng tiểu hoàng tử và công chúa được trao cho ai?
Theo luật Hoàng gia năm 1717, khi cha mẹ qua đời, hoàng tử bé và tiểu công chúa sẽ được người đứng đầu hoàng thất, tức Nữ hoàng, nuôi nấng. Điều luật này còn được Quốc vương George I gọi là “Đặc quyền Hoàng gia”.
George I quyết định ban hành điều luật trên vì mâu thuẫn với con trai trong việc nuôi dạy con cái. Ông quyết tâm loại bỏ ý kiến đối lập của con mình bằng cách giành lấy quyền giám hộ cháu. Trước sức ép đến từ địa vị của nhà vua, hội đồng lập pháp thừa nhận: “Quốc vương có quyền giám hộ các cháu của mình. Đây là quyền lợi thuộc về Hoàng đế, tức người đứng đầu quốc gia, và duy trì hiệu lực ngay cả khi cha của các hoàng tử, công chúa còn tại thế”.
Về cơ bản, đạo luật này cho phép Nữ hoàng thừa hưởng quyền nuôi nấng các cháu chắt của mình nếu cha mẹ của chúng bất hạnh lìa đời.
Rachel Carrington-Matthews, một luật sư chuyên về quyền thừa kế tại Hedges Law, đã tiết lộ vài điểm khác biệt trong quy trình nhận người giám hộ của Hoàng gia so với gia đình bình dân. Thông thường, cha mẹ sẽ tạo một văn bản pháp lý nêu đích danh người được họ chọn để hưởng quyền giám hộ con của mình nếu có chuyện bất trắc. Ngoài ra, họ còn phải đính kèm một lá thư nói rõ cách nuôi dạy con cái và giải thích lý do mình chọn người giám hộ này.
Khi điều kiện trên được bảo đảm, quy trình nhận quyền giám hộ sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn vì tòa án chỉ cần xác nhận người được chọn sẽ cho đứa trẻ một môi trường phát triển lành mạnh, sau đó ký giấy xác nhận quyền giám hộ và đưa bé đến nhà người đó.
Ngược lại, nếu cha mẹ qua đời mà chưa chỉ định người giám hộ, tòa án sẽ phải chọn lựa người phù hợp để đảm nhận trọng trách này. Trong trường hợp đó, bất kỳ ai cũng có thể tự ứng cử làm người giám hộ cho trẻ, tòa sẽ chọn lọc và đưa ra quyết định sau. Quá trình này có thể kéo dài rất lâu, cũng có nghĩa là trẻ sẽ phải thay đổi chỗ ở liên tục - gần như 6 tháng một lần - để sống với từng người họ hàng một trước khi có phán quyết chính thức từ tòa.
Song, với điều luật 1717, bà Carrington-Matthews cho biết: “Tôi không dám nói chắc 100%, thế nhưng luật pháp năm 1717 cho phép Nữ hoàng nuôi dưỡng tất cả các thành viên nhí trong Hoàng gia. Rất khó để xác định liệu thông tin này có đúng sự thật không, bởi điều luật này đã quá cổ xưa nên không thể tìm được cơ sở chứng thực nữa. Tuy nhiên, mọi người đều tin rằng điều luật này thật sự tồn tại, hơn nữa còn mở rộng quyền giám hộ của Nữ hoàng sang cháu chắt và các hậu duệ khác trong hoàng thất”.
Bà bổ sung: “Vì vậy, trên lý thuyết, Nữ hoàng được quyền nuôi nấng trẻ em thuộc gia đình Hoàng gia. Thái tử Charles cũng sẽ kế thừa quyền lợi này khi lên ngôi. Nhưng hiện tại điều luật này có được các thành viên hoàng thất tuân thủ hay không còn chưa sáng tỏ. Biết đâu họ lại có định hướng khác trong tương lai”.
Carrington-Matthews tiết lộ gia đình Hoàng gia cũng lập di chúc như bao người, nhưng thông tin trong các văn bản đó thường được giữ bí mật: “Đa số chúng ta đều có di chúc bản chính và bản sao có chứng thực khi qua đời. Đến lúc được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền chứng thực, bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn xin bản sao di chúc của bạn. Đó là thủ tục thông thường”.
Bà nói thêm: “Quy tắc chứng thực di chúc năm 2987 quy định rằng nội dung di chúc có thể được giữ kín nếu điều đó đảm bảo lợi ích tối đa cho người để lại di chúc. Đối với tầng lớp bình dân, đây có thể là một điều luật gây đau đầu, nhưng gia đình Hoàng gia đã áp dụng quy định này từ rất lâu trước đó”.
Quy tắc bảo mật này khiến cơ quan pháp lý gặp khó khăn trong việc xác minh di nguyện của các thành viên hoàng tộc trong việc nuôi dưỡng và giám hộ con cái. Trong khi đó, một cuộc khảo sát trên 1000 bậc phụ huynh cho thấy có đến 1/3 trong số họ tin rằng người giám hộ của con họ đã được xác định và hợp pháp hóa ngay từ khoảnh khắc chúng nhận cha mẹ đỡ đầu.
Bà nói: “Có nhiều phụ huynh lầm tưởng mình chỉ cần chọn cha mẹ đỡ đầu cho con là đủ, bởi họ sẽ chăm sóc đứa bé nếu mình gặp chuyện bất trắc. Nhưng đó là quan điểm sai lầm. Trường hợp này khá tương đồng với tình huống trong gia đình Hoàng gia, cha mẹ đỡ đầu nhận trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ mồ côi vì tình thương chứ không phải vì ràng buộc pháp lý”.
Mặc dù theo tiền lệ, Nữ hoàng Elizabeth II không thực sự có quyền giám hộ cháu chắt của mình, song khi nói đến vấn đề nuôi dạy các em bé Hoàng gia, tiếng nói của bà lại rất có trọng lượng. Trước đó, Nữ hoàng từng cho phép con cháu được di chuyển bằng máy bay dưới bất cứ hình thức nào, song lại ngăn cản hai người thừa kế đi cùng nhau trên một chuyến bay, trừ khi cả hai đều trên 12 tuổi.