Câu chuyện của bé Hải An, cô bé vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng mắc bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh ung thư hiếm gặp ở trẻ em, đã lấy đi nước mắt của bao nhiêu người. Biết khó qua khỏi nên trước khi trút hơi thở cuối cùng, em và gia đình đã quyết định hiến mô tạng. Tuy nhiên, do còn quá nhỏ nên Hải An chỉ có thể hiến giác mạc và giúp 2 bệnh nhân lấy lại ánh sáng.
Nghĩa cử cao đẹp của Hải An và gia đình em đã khiến cả xã hội phải nghiêng mình thán phục, rơi nước mắt. Ngoài Hải An, thế giới ghi nhận nhiều “anh hùng” khác sẵn sàng hiến nội tạng trước khi qua đời để giúp những người khác tiếp tục sống.
Cô bé 13 tuổi hiến tạng cứu sống 8 người
Bé Jemima Layzell, 13 tuổi, sống tại nước Anh, đột nhiên bị ngất xỉu khi đang chuẩn bị tiệc sinh nhật lần thứ 38 cho mẹ. Mặc dù được đưa tới Bệnh viện nhi Hoàng gia Anh điều trị nhưng 4 ngày sau, Jemima đã qua đời vì bệnh phình mạch não.
Tuy nhiên, trước khi chết, bé Jemima đã quyết định hiến nội tạng của mình cho người khác, để họ thay em sống nốt quãng đời còn lại. Theo đó, bé Jemima đã hiến 6 bộ phận nội tạng gồm tim, tuyến tụy, phổi, thận, gan và ruột non, cứu sống được 8 người, trong đó có 5 trẻ em.
Tim, ruột non và tuyến tụy được ghép cho 3 người khác nhau. Hai quả thận, mỗi quả được ghép cho một người. Gan của Jemima được tách và ghép cho 2 người nữa. Bệnh nhân thứ 8 nhận được 2 lá phổi của em.
Theo bà Sophy Layzell, mẹ của Jemima, em có ý nghĩ hiến nội tạng của mình từ khi nghe tin ai đó vừa chết vì tai nạn giao thông. Em cũng biết rằng nếu được ghép nội tạng thì một vài người có thể tiếp tục sống sót. Vì vậy, Jemima đã quyết định hiến tạng của mình sau khi chết.
Cô gái 21 hiến tạng cứu sống 5 người
Có lẽ rằng, ngay từ khi mới sinh ra, số mệnh đã sắp đặt cho Thái Giai Như, 21 tuổi, sinh viên năm 3 học viện y dược tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, một cuộc sống khắc nghiệt với bao nhiêu sóng gió. Giai Như bị tai nạn giao thông năm lên 6 tuổi. Vụ tai nạn khiến cô gái vĩnh viên mất đi người mẹ thân yêu và suýt cướp luôn mạng sống của cô.
Vài năm sau, bố Giai Như tái hôn. Giai Như cùng bố, mẹ kế và hai người em sống hạnh phúc bên nhau mặc dù cuộc sống khá khó khăn, vất vả. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua nhưng vào năm 2015, tai họa lại ập tới gia đình nhỏ này.
Bố của Giai Như bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Sau nhiều ca phẫu thuật và điều trị hóa trị, ông không thể tiếp tục gắng gượng và qua đời vào cuối năm 2017. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người mẹ kế. Một mình bà chật vật nuôi 3 đứa con khôn lớn. Với sự giúp đỡ của anh em nội ngoại, bà cũng cố gắng xoay sở cho 3 chị em Giai Như được tới trường như bao đứa trẻ khác.
Vào năm 2015, Giai Như theo học tại học viện y dược tỉnh Giang Tây. Trong thời gian rảnh rỗi, cô làm việc bán thời gian tại quán ăn, thỉnh thoảng cô còn nhặt nhạnh những vỏ chai rượu để đem đi bán, kiếm thêm chút tiền giúp mẹ kế trang trải chi phí sinh hoạt.
Dù đầu tắt mặt tối vừa học vừa làm nhưng trong 3 năm ngồi trên ghế nhà trường, Giai Như luôn đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, thậm chí cô còn giành được học bổng của quốc gia. Ai cũng nghĩ rằng sau khi trường, Giai Như sẽ dễ dàng xin được một công việc tốt với thành tích đó.
Nhưng không, khi ước nguyện chưa hoàn thành, tử thần đã đưa cô đi vì căn bệnh xuất huyết não. Trong giây phút cuối đời, thay vì chết một cách vô nghĩa, cô gái 21 tuổi này đã hiến tặng nội tạng gồm giác mạc, gan và 2 quả thận, cứu sống được 5 bệnh nhân khác. Những người đó sẽ thay cô tiếp tục sống tiếp, thay cô nhìn cuộc sống tươi đẹp đang đổi thay từng ngày.
Bác sĩ hiến giác mạc cứu hai người trước khi qua đời
Bác sĩ Chen là phó giám đốc Bệnh viện Liên Hiệp ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Mặc dù là một bác sĩ tài giỏi, từng tiến hành hàng nghìn ca phẫu thuật khớp và được cả đồng nghiệp lẫn bệnh nhân kính trọng, nhưng không may thay, bác sĩ Chen bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư tuyến tụy vào tháng 7/2016.
Một năm trôi qua, bệnh tình của bác sĩ Chen ngày càng nghiêm trọng. Tế bào ung thư lan rộng ra các cơ quan khác khiến ông còn khả năng làm việc. Biết mình không còn nhiều thời gian, ông quyết định hiến giác mạc để giúp đỡ những bệnh nhân cuối cùng.
Khi đang oằn mình chống chọi với bệnh tật trên giường, bác sĩ Chen gọi điện cho mẹ nhắn nhủ: “Mẹ ơi, từ ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, con luôn muốn được đóng góp thật nhiều cho y học. Hiến giác mạc là ước nguyện cuối cùng của con, xin mẹ hãy đồng ý. Đừng để con rời khỏi nơi đây với bất cứ nỗi ân hận nào“.
Theo vợ bác sĩ Chen, ban đầu gia đình kịch liệt phản đối ông Chen hiến tạng, nhưng sau khi nghe được những lời tâm sự từ tận đáy lòng của vị thầy thuốc, họ đã gật đầu đồng ý. Phía bệnh viện cũng cho biết rằng, bác sĩ Chen muốn hiến toàn bộ cơ thể nhưng do tế bào ung thư đã lan rộng, ông chỉ có thể cho đi đôi mắt. Nhờ ông, hai nam bệnh nhân đã được nhìn thấy ánh sáng.
Cả một đời người, ông Chen luôn nỗ lực để cứu giúp bệnh nhân. Ngay cả khi mắc bệnh ung thư, ông vẫn tiếp tục sứ mệnh cao đẹp đó đến khi trút hơi thở cuối cùng.