Tờ Granma dẫn kết quả bỏ phiếu do quốc hội Cuba công bố ngày 19.4 cho thấy ứng viên duy nhất Diaz-Canel, 58 tuổi, nhận được 603 phiếu thuận trên tổng số 604 phiếu và sẽ kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro (87 tuổi). Bên cạnh đó, quốc hội Cuba cũng bầu ông Salvador Valdés Mesa làm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước cùng 5 vị phó chủ tịch khác. Đây là thời khắc lịch sử tại Cuba khi lần đầu tiên trong gần 60 năm, đảo quốc này sẽ có vị chủ tịch không mang họ Castro, không xuất thân từ thế hệ cách mạng 1959 và không đồng thời nắm cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba.
Trước đó, Chủ tịch Raul tuyên bố sẽ rời chức vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, nhưng vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất đến Đại hội Đảng năm 2021. Trong phát biểu chúc mừng người kế nhiệm, ông Raul cho biết ông Diaz-Canel có thể tiếp nhận vai trò này “khi đến thời điểm”. Ông khẳng định thêm chủ tịch mới của Cuba cũng sẽ chỉ có tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm theo đúng quy định của Hiến pháp.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch Diaz-Canel nhấn mạnh lại những thành tựu phát triển của Cuba dưới thời ông Raul và khẳng định sẽ tiếp tục đưa đất nước theo con đường chiến thắng của cách mạng song song với những bước thay đổi cần thiết. Ông sẽ tiếp bước công cuộc cải cách của người tiền nhiệm, bao gồm mở cửa xã hội và nền kinh tế, thúc đẩy phát triển khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Trong đó, một công tác quan trọng là hoàn thành việc hợp nhất hệ thống tiền tệ kép, theo Granma. Hơn 2 thập niên qua, 2 loại tiền tệ được lưu hành ở Cuba với nhiều tỷ giá khác nhau, và bị cho là gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Đồng peso được dùng để trả lương và mua sản phẩm nội địa, trong khi CUC phục vụ ngành du lịch, ngoại thương, nhà hàng và cửa tiệm bán đồ nhập khẩu. Theo giới quan sát, việc ông Raul vẫn giữ vị trí bí thư thứ nhất đến năm 2021 được đánh giá là sẽ giúp ông Diaz-Canel có được sự ủng hộ cần thiết để duy trì đà cải cách.
Về chính sách ngoại giao, Chủ tịch Diaz-Canel cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại cùng các quốc gia đối xử công bằng với Cuba”. Hiện một trong những vấn đề được chú trọng nhất là tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Cuối năm 2014, Cuba và Mỹ cùng tuyên bố tiến tới bình thường hóa. Tuy nhiên, quá trình này có phần chững lại sau khi Mỹ có chính quyền mới. Hồi tháng 3, Washington thông báo sẽ cắt giảm khoảng 2/3 số nhân viên tại đại sứ quán ở Cuba do vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nhiều quan chức ngoại giao Mỹ làm việc ở Havana mắc “bệnh lạ”.