Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cho bạn 3 triệu để làm ăn, 32 năm sau người đàn ông nhận lại 35 tỷ và câu chuyện cảm động phía sau

Sau khi trở thành một doanh nhân thành đạt ở nước ngoài, người đàn ông vẫn không quên người đã cho anh 3 triệu để khởi nghiệp cách đây 32 năm về trước và để báo đáp ân tình này, anh đã tặng bạn một nhà máy rượu trị giá gần 35 tỷ đồng.

Trong những ngày gần đây, bài viết với tiêu đề: “Cho mượn 1000 tệ, 32 năm sau nhận lại 10 triệu tệ” đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Mới đọc tiêu đề có lẽ nhiều người cho rằng “làm gì có chuyện đó” nhưng đây là một câu chuyện có thật của một đôi bạn thân người Trung Quốc.

Theo đó, nhân vật chính trong câu chuyện này là anh Tôn Thắng Vinh (47 tuổi), người ở huyện Thanh Điền, Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Anh Vinh là một doanh nhân thành đạt ở Tây Ban Nha và anh hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành dịch vụ thương mại châu Âu. Nhân vật thứ hai là anh Trương Ái Dân (57 tuổi) sống tại Từ Châu, tỉnh Giang Tô.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cách đây 32 năm về trước, duyên cơ đưa đẩy giúp anh Vinh - một cậu bé nghèo gầy gò ốm yếu, không một xu dính túi - gặp được anh Dân tại Từ Châu. Cũng nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, anh Vinh được anh Dân giúp đỡ nên anh mới có cơ ngơi sáng lạn như ngày hôm nay.

Anh Dân nhớ lại: “Đó là mùa hè năm 1986, những người trong tiệm cắt tóc thường gọi cậu ấy là A Vân. Tôi đã cắt tóc trước đó và gội đầu cho tôi là một cậu bé chỉ khoảng 10 tuổi với thân hình gầy gò. Sau một lúc nói chuyện, tôi biết cậu bé là người Chiết Giang. Cậu bé để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc và lúc đó tôi đã hỏi ông chủ rằng: 'Cậu bé nhỏ tuổi như vậy mà phải đi làm rồi sao?'“.

Anh Tôn Thắng Vinh (bên trái) và Trương Ái Dân cách đây 20 năm.

Lúc đấy, ông chủ tiệm cắt tóc nói rằng, gia đình của Vinh có tới 8 anh chị em và anh ta không có cách nào khác đành phải ra ngoài làm kiếm tiền. Vào thời điểm đấy, Vinh vẫn đang học việc, anh không được cắt tóc, chỉ được phép gội đầu cho khách. Tuy nhiên, Vinh đã làm công việc của mình rất nghiêm túc và nhiều lần gội đầu cho anh Dân khi anh ghé qua.

Lâu dần, cả hai coi nhau như người thân và Vinh cũng không ngần ngại chia sẻ với anh Dân về hoàn cảnh của mình. Vinh nói rằng, anh là người con lớn nhất trong nhà. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh phải ra ngoài làm việc kiếm tiền trong kỳ nghỉ hè và có thể không được đến trường nữa. Hiểu được hoàn cảnh của Vinh, anh Dân luôn khuyến khích cậu bé 10 tuổi đấy và sẵn sàng lấy mình ra để làm mẫu cho Vinh học cắt tóc. Sau một vài tháng, tay nghề của Vinh đã tiến bộ rõ rệt nhưng một ngày nọ, Vinh đột nhiên biến mất mà không có một lời từ biệt.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Anh Dân và Vinh gặp lại nhau trên một phố đi bộ ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Vào thời điểm đó đã là mùa đông. Anh Vinh nhớ lại: “Sau khi rời khỏi tiệm cắt tóc, tôi trở về Ôn Châu và được một người bạn giới thiệu làm trong nhà máy kính. Vào thời điểm đó, công việc chính của tôi là đánh bóng ống kính và kiếm được gần 2 USD mỗi ngày. Một ngày nọ, khi đang đi dạo trên phố, đột nhiên tôi nghe có người gọi 'A Vân'. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì ở Ôn Châu không ai biết biệt danh này của tôi cả. Khi quay người lại, tôi thấy anh Dân đang đứng đó và nhìn tôi mỉm cười. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Anh ấy khóc và trong ấn tượng của tôi, anh Dân luôn là một người tốt“.

Anh ấy nói, anh ấy tới Ôn Châu đi công tác. Lúc gặp anh, tôi vừa mới tan ca, đầu tóc rối bù, quần áo dính đầy vết dầu mỡ đen đúa. Thế nhưng anh Dân không hề ghét bỏ tôi, đưa tôi về khách sạn, cho tôi tắm rửa rồi đưa tôi đi ăn“, anh Vinh nói thêm.

Anh Vinh (bên trái) và anh Dân ở thời điểm hiện tại.

Sau đó, Dân đã hỏi thăm tình hình hiện tại của Vinh. Biết công việc hiện tại của Vinh và nhận thấy người anh em có tay nghề, không muốn Vinh đánh mất đam mê, Dân đã khuyên Vinh quay trở lại Từ Châu và hứa sẽ giúp Vinh mở một tiệm cắt tóc cho riêng mình.

Tại Từ Châu, Dân đã thay Vinh tìm cửa hàng và khi mọi việc trong cửa hàng sắp xếp ổn thỏa, Dân còn đưa cho Vinh thêm 1.000 tệ (hơn 3 triệu đồng). “Anh Dân nói với giọng điệu rất nghiêm túc rằng số tiền này là anh tài trợ cho tôi. Vào thời điểm đó, tiền lương mỗi tháng của anh chỉ được 90 tệ (hơn 300 nghìn/tháng). Nhờ anh Dân giúp đỡ, tôi đã có một tiệm làm tóc của riêng mình. Thử hỏi trong những năm 80, có người nào lại chịu cho một người không hề có mối quan hệ gì với mình tới 1.000 tệ cơ chứ? Nhưng đây là sự thật, tôi đã gặp được một người tốt như vậy đấy“, anh Vinh xúc động kể lại.

Do cửa hàng mới mở lại không có tiền thuê nhân viên nên mọi chuyện lớn nhỏ đều đến tay Vinh, nhiều lúc anh bận tới nỗi không nấu được cơm để ăn. Những lúc này, anh Dân lại mang phần cơm của mình từ trong nhà máy ra cho Vinh, hoặc đôi lúc anh đi chợ và vội vàng về cửa hàng để nấu cơm cho người anh em của mình.

Mất liên lạc và đoàn tụ

Năm 1991, Vinh tròn 18 tuổi, phải đi nghĩa vụ quân sự và hai anh em bắt đầu mất liên lạc từ đấy. Năm 1993, Vinh có cơ hội tới Tây Ban Nha lao động. Tại đây, anh gặp được rất nhiều bạn bè và bắt đầu kinh doanh. Vinh cho biết, tại nơi đất khách quê người, anh đã làm rất nhiều công việc khác nhau chẳng hạn như phục vụ, nấu ăn hay làm việc ở quầy hàng. Sau khoảng thời gian khó khăn, cuối cùng anh Vinh đã trở thành một doanh nhân thành đạt và có tiếng ở châu Âu.

Năm 2008, Vinh trở về Trung Quốc và tới Từ Châu tìm anh Dân nhưng không có tin tức gì. Tới tháng 7/2012, anh Vinh phải nhờ tới sự giúp đỡ của cảnh sát và cuối cùng đã tìm thấy anh Dân. Vài ngày sau đó, anh Vinh bay từ Tây Ban Nha để trở về Từ Châu, gặp người anh cả của mình và được chỉ tới một khách sạn.

Gia đình của anh Vinh và anh Dân.

Tôi nhận ra người anh cả của mình cách cổng khách sạn khoảng 10 m. Anh ấy đã già nhưng không hề thay đổi. Tôi ôm anh ấy và khóc như một đứa trẻ: 'Anh ơi, em là A Vân đây'“, anh Vinh chia sẻ lại khoảnh khắc xúc động đó.

Sau khi đoàn tụ, biết anh Dân vẫn ở nhà cũ, Vinh ngỏ ý mua tặng anh Dân một căn nhà nhưng bị anh phản đối mạnh mẽ. Để trả lại ân tình xưa, anh Vinh nói với anh Dân hãy cân nhắc về việc đầu tư cho một nhà máy rượu ở Từ Châu. Sau đó, anh Vinh đã bỏ 10 triệu tệ (khoảng 35 tỷ đồng) để anh Trương trở thành chủ tịch, điều hành toàn bộ nhà máy.

Để báo đáp ân tình của anh Dân năm xưa, anh Vinh đã dốc 10 triệu tệ để giúp anh Dân trở thành chủ tịch một nhà máy rượu ở Từ Châu.

Tuy trở thành chủ tịch nhà máy rượu với sự giúp đỡ của Vinh nhưng anh Dân nói rằng, anh đồng ý điều này vì anh thích ý tưởng sản xuất nhà máy rượu của Vinh còn về phần nhà máy, sớm muộn gì anh cũng sẽ trả lại cho Vinh. “Mặc dù nhà máy rượu là đứng tên tôi, tên nhà đầu tư cũng là tên của tôi, nhưng nhà máy rượu này vĩnh viễn là của Vinh, tôi hiện tại chỉ thay mặt cậu ấy quản lý và sớm muộn tôi cũng sẽ trả lại nó”, anh Dân nói.

Còn về phần anh Vinh, anh nói rằng chỉ cần mọi người bình an, khỏe mạnh là anh vui rồi. Không chỉ vậy, anh Vinh còn đưa hai đứa con của mình về Trung Quốc với ý định để anh Dân nuôi dưỡng. “Tôi hy vọng các con của mình có thể giống như anh Dân và trở thành một người ưu tú như anh ấy“, anh Vinh chia sẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương An

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm