Lại một lần nữa, Nhật Bản khiến cho cả thế giới phải tròn mắt ngạc nhiên trước nền công nghệ phát triển cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường sống thiên nhiên khi cho ra mắt tờ nhật báo có thể… mọc cây sau khi tái chế. Với phát minh tiến bộ mày, tờ báo Mainichi Shimbunsha được kỳ vọng sẽ trở thành người đi tiên phong cho nền “xuất bản xanh” của đất nước mặt trời mọc.
Việc giấy có thể trồng thành cây không phải là điều quá mới mẻ, cách đây một vài năm, các nhà sáng chế Nhật Bản cũng đã công bố về phát minh này, nhưng việc đưa nó vào cuộc sống hàng ngày là một điều khá khó khăn và tốn kém mà mới chỉ có Mainichi Shimbunsha dám làm. Trong giấy báo đã có sẵn các hạt mầm và có thể tái sử dụng bất cứ lúc nào. Giống như một vòng tuần hoàn, giấy được làm từ gỗ và sau đó lại trồng ra cây, vừa thân thiện với môi trường lại mang ý nghĩa lớn.
Theo đó, bạn chỉ cần lấy xé một mẩu giấy báo Mainichi Shimbunsha nhỏ, vùi trong đất rồi tưới nước, vài ngày sau bạn đã có được một cây hoa nhỏ xinh. Tùy theo mức độ chăm sóc của bạn mà cây sẽ nở hoa trong vài ngày tiếp theo. Từ khi áp dụng công nghệ sinh học này, Mainichi Shimbunsha đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng và đạt được thành công vượt ngoài sức tưởng tượng: phát hành hơn 4 triệu bản trong một ngày trên khắp đất nước, thu về hơn 80 triệu yên (tương đương hơn 700.000 USS). Sáng kiến này cũng được khuyến khích đưa vào trường học, với mong muốn nâng cao nhận thức của trẻ em về các vấn đề môi trường và dạy cho các em tầm quan trọng của việc tái chế. Với người dân Nhật Bản, các bài học về môi trường, tài nguyên quốc gia đã được phổ biến từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, vậy nên không khó hiểu khi đất nước mặt trời mọc luôn dẫn đầu thế giới về các phát minh nhằm đưa ra một môi trường sống xanh - sạch - đẹp hơn.
Cách thức tạo ra một cây xanh từ tờ giấy báo Mainichi Shimbunsha.
Hướng dẫn trồng cây được ghi cẩn thận trên mỗi trang của tờ báo.
Các thao tác đơn giản đến độ trẻ em cũng có thể làm được.
Video giới thiệu về công nghệ đặc biệt của tờ nhật báo Mainichi Shimbunsha.