Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và đang nhanh chóng tăng tốc tiêm liều thứ hai, theo Reuters.
Úc, quốc gia đang nhắm đến tỷ lệ tiêm chủng cao trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng phong tỏa và muốn mở cửa lại biên giới, đã tiêm cho 56% người dân ít nhất một mũi vaccine khi số ca mắc đạt đỉnh.
Paul Griffin, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland, đông bắc Úc, cho biết trong khi chiến lược tiêm chủng của mỗi quốc gia khác nhau, động lực của các nước châu Á phản ánh nhu cầu tiêm vaccine để giảm bớt tình trạng phong tỏa.
Úc đang ưu tiên cung cấp nguồn vaccine cho các thành phố lớn nhất đang bị đóng cửa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta thúc đẩy. Nước này dự kiến sẽ có đủ vaccine để hoàn thành việc tiêm chủng cho những người trên 12 tuổi vào giữa tháng 10.
Nhật Bản đã vượt qua các rào cản ban đầu để cung cấp khoảng một triệu mũi tiêm mỗi ngày kể từ giữa tháng 6. Tính cấp bách của việc tiêm chủng gia tăng sau khi biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm cao chưa từng có vào tháng 8.
Ở Singapore, quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất ở châu Á với hơn 80% người dân số đã tiêm đầy đủ, đang chuyển trọng tâm sang liều tăng cường khi số ca lây nhiễm tăng đột biến.
Singapore đã gắn việc mở cửa trở lại với các mốc tỷ lệ tiêm chủng và đặt ra quy định giới hạn đối với những người chưa tiêm vaccine khi đi ăn uống tại các nhà hàng.
Dù gặp khó ban đầu, Hàn Quốc đã tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine nhờ nguồn cung vaccine tăng lên.
Còn Ấn Độ, với số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, tới nay khoảng 63% dân số trên 18 tuổi ở nước này đã được tiêm một liều vaccine Covid-19, sau nhiều tháng sản xuất thiếu hụt. Số lượng mũi tiêm trung bình hàng ngày ở Ấn Độ cũng tăng trong tháng 9, lên hơn 8 triệu liều/ngày. Con số này chỉ vào khoảng 6 triệu liều trung bình mỗi ngày vào tháng 8.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng tiêm chủng sẽ giúp tình hình ổn định hơn.