Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Chẳng cần nhiều mỹ từ, đây là những bài diễn văn khiến cả thế giới thổn thức và ‘bừng tỉnh’

Điểm chung trong cả 3 bài phát biểu của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton, huyền thoại công nghệ Steve Jobs và ca - nhạc sĩ Pink là sự chân thành, không hoa mỹ và lý lẽ thuyết phục, mang tới sức lan tỏa vô cùng lớn.

Lời nói có thể khiến người ta đau đớn như dao sắc cứa vào thịt, nhưng cũng có những lời nói làm trái tim chúng ta đập hối hả, nước mắt tự nhiên chảy dài, rồi nhận thấy như vừa được tiếp thêm sức mạnh để làm mọi điều mình muốn.

Có những bài diễn văn mang sức mạnh “ghê gớm” tới vậy. Một bài dành cho những người luôn sợ bị đánh giá, một bài dành cho những người phụ nữ vẫn chưa hiểu hết giá trị của bản thân và chấp nhận sống dưới cái bóng của đàn ông, bài còn lại dành cho tất cả những ai luôn luôn trì hoãn và không dám sống hết mình. Điểm chung của cả 3 bài phát biểu ấy là sự chân thành, không hoa mỹ và lý lẽ thuyết phục xuất phát từ con tim người nói.

Pink với bài phát biểu dành tặng con gái nhưng chạm tới trái tim hàng triệu người

Alecia Beth Moore, được biết đến nhiều hơn với cái tên Pink hoặc P!nk, là ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ. Pink nổi tiếng với các ca khúc ủng hộ cộng đồng LGBT và nữ quyền. Năm 2009, tạp chí Billboard xếp Pink vào danh sách các ca sĩ nhạc Pop số 1 của thập kỷ.

Tính cách mạnh mẽ của cô ca sĩ này được thể hiện đồng nhất, xuyên suốt từ các bài hát đến đời thực. Cô nổi tiếng với mái tóc siêu ngắn nhuộm màu hồng và trang phục cũng vậy, luôn phá cách.

Trong chuyện tình cảm, nếu ai đó luôn thuận theo ý đám đông, rằng đàn ông phải là người chủ động, thì Pink không thuộc tuýp người như vậy. Cô đã chủ động cầu hôn chồng. Trong thời gian hai vợ chồng ly hôn, cô cũng là người tìm gặp chồng để làm lành, mặc dù cũng vào thời điểm này, cô sáng tác ca khúc “So What” để… “chửi xéo” anh ta. Cho đến giờ, sau khi hai vợ chồng đã làm lành và về chung một nhà, cô vẫn thường biểu diễn “So What” ở nhiều sân khấu khác nhau.

Pink là nghệ sĩ nổi tiếng với sự khác biệt, phá vỡ những quy chuẩn của xã hội và truyền cảm hứng cho cả thế giới thông qua cá tính âm nhạc mạnh mẽ.

Tối 28/8/2017, trong lễ trao giải Video âm nhạc của MTV (VMAs), Pink vinh dự được nhận giải thưởng danh giá Michael Jackson Video Vanguard. Trong lúc lên nhận giải, Pink “tranh thủ” thời gian phát biểu để gửi đến cô con gái 6 tuổi vài lời khuyên. Nhưng ngay tối hôm đó, bài phát biểu Pink dành cho con gái nhanh chóng lan tỏa bởi những lời Pink nói với con, cũng chính là những lời mà hàng triệu cô gái trẻ, hoặc bất cứ ai hàng ngày vẫn còn sợ hãi những “định kiến”, đều cần được nghe thấy.

Pink mở đầu bài phát biểu ở VMAs bằng một câu chuyện nhỏ. Cô kể rằng, vào một buổi sáng khi đưa con gái đến trường, cô bé đột nhiên nói với mẹ: “Con là đứa con gái xấu xí nhất trên đời. Con trông như một đứa con trai với mái tóc dài ấy”. Mặc dù rất bàng hoàng, nhưng Pink quyết định lặng im.

Tối hôm đó, Pink dành thời gian thiết kế một bài thuyết trình bằng Powerpoint dành tặng con gái, nói về những nghệ sĩ đồng tính hoặc lưỡng tính, cả đời bị cười chê, bị làm nhục vì giới tính của mình, như Michael Jackson, David Bowie, Freddie Mercury, Annie Lennox, Prince, Janis Joplin, George Michael hay Elton John. Nhưng những nghệ sĩ này luôn sống hết mình, sống chân thật với bản ngã và trở thành huyền thoại.

Rồi Pink hỏi con gái: “Con thấy mẹ thế nào?”. “Mẹ đẹp lắm ạ”, cô bé đáp. Cũng lúc ấy, Pink tâm sự với con rằng, cô cũng hay bị thiên hạ xì xào bởi giống đàn ông, quá khỏe mạnh, cơ bắp hay vì có quá nhiều quan điểm.

Pink phát biểu tại lễ trao giải VMAs 2017.

Rồi tôi hỏi con bé: ‘Con thấy mẹ có thèm nuôi tóc dài không?’ Con bé trả lời: ‘Không, thưa mẹ’. ‘Con có thấy mẹ cố thay đổi bản thân để vừa lòng người khác không?’. ‘Không, thưa mẹ’. ‘Con có thấy các show diễn của mẹ lúc nào cũng cháy vé ở tất cả các sân vận động trên thế giới không?’. ‘Có, thưa mẹ’. ‘Đúng. Vì vậy con gái à. Chúng ta không thay đổi. Chúng ta có một hòn sỏi và vỏ sò, chúng ta sẽ tạo ra ngọc trai. Và chúng ta giúp mọi người thay đổi để mọi người có thể nhận ra nhiều loại vẻ đẹp khác nhau”.

“Và một lời gửi tới tất cả những nghệ sĩ đang có mặt ở đây đêm nay, các bạn đều truyền cảm hứng cho tôi. Cám ơn vì đã dám sống thật với bản thân mình và dẫn đường cho chúng tôi… Hãy cứ tiếp tục làm vậy nhé, hãy cứ tiếp tục tỏa sáng cho những người còn lại. Còn con, con gái yêu của mẹ, con thật xinh đẹp, mẹ yêu con”, ca sĩ cá tính nói.

Những lời thủ thỉ với con gái bé bỏng của Pink thực sự khiến nhiều cô gái bật khóc. Có lẽ khi ấy, họ đều nhận ra rằng, bạn cần phải luôn là chính mình.

Hillary Clinton: 'Quyền phụ nữ cũng chính là nhân quyền'

Hillary Clinton là cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ. Với vai trò là một tiến sĩ luật, bà là Đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên có học vị trên đại học. Nhiều người coi bà là phu nhân tổng thống được chính thức dành nhiều quyền hạn nhất.

Bà Clinton giữ chức Thượng nghị sĩ Mỹ trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp và từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ do cựu Tổng thống Barack Obama đề cử. Bà cũng 2 lần tham gia tranh cử tổng thống Mỹ (năm 2008 và 2016) nhưng không thành công.

Bà nổi tiếng với các phát ngôn về nữ quyền. Những thành tựu mà Clinton gây dựng đã tạo nên hình ảnh người đàn bà quyền lực, vừa nữ tính, mềm dẻo, nhưng cũng cứng cỏi và mạnh mẽ chẳng kém gì cánh đàn ông. Bà, cùng với các lãnh đạo nữ khác như Thủ tướng Anh Theresa May hay Thủ tướng Đức Angela Merkel, được coi là những tấm gương rõ ràng nhất về nữ quyền trong thế kỷ 21.

Năm 1995, Clinton đến Bắc Kinh (Trung Quốc) phát biểu trong Hội nghị thế giới của Liên Hợp Quốc về Phụ nữ lần thứ 4, với kỳ vọng cất lên tiếng nói thay mặt phụ nữ và các bé gái. Ngay lập tức, bài phát biểu dài gần 20 phút của bà được ví với “tuyên ngôn cho phụ nữ toàn thế giới”.

Mở đầu bài phát biểu, Clinton nói rằng, nếu người phụ nữ khỏe mạnh và có học thức, được sống trong môi trường an toàn, có cơ hội đi làm và được đối xử công bằng như đồng nghiệp nam giới, thì gia đình cũng sẽ phát triển, kéo theo cả cộng đồng và cả quốc gia cũng phát triển thịnh vượng.

Bà liệt kê những trường hợp tiêu biểu, cho thấy sự đóng góp tích cực và thiết yếu của người phụ nữ đến xã hội, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Bà đồng thời liệt kê những hành vi lạm dụng phụ nữ hoặc những bất công mà phụ nữ phải chịu đựng. Ví dụ như nhiều phụ nữ mắc bệnh mà không được chữa trị, không được đến trường, bị ép làm gái mại dâm hay cấm đi bầu cử. Rồi Clinton kêu gọi những người có mặt trong hội trường và chính bà phải cùng lên tiếng cho phụ nữ trên khắp thế giới.

Nếu có một thông điệp phát ra từ hội nghị này, đó là nhân quyền là quyền của phụ nữ, và quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền, mãi mãi như vậy”, bà dõng dạc nói.

Theo bà Clinton, phụ nữ là “những người không được hưởng đầy đủ quyền con người”. Vì vậy, “đã đến lúc phải đập tan sự im lặng… Không thể chấp nhận việc quyền phụ nữ bị tách ra khỏi nhân quyền”.

Bà cho rằng: “Không có công thức chung cho việc một người phụ nữ nên sống như thế nào. Vì vậy chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đối với bản thân và gia đình của mỗi người phụ nữ. Mọi phụ nữ đều xứng đáng có cơ hội tìm ra tài năng mà Chúa ban cho từng người. Nhưng phụ nữ sẽ không bao giờ nhận được đầy đủ những quyền đó nếu như nhân quyền của họ không được tôn trọng và bảo vệ”.

Hillary Clinton là một biểu tượng nữ quyền của thế kỷ 21

Bài phát biểu kết thúc, cả hội trường đều đứng lên vỗ tay nồng nhiệt, nhiều người còn òa khóc. “Bài phát biểu mang ý nghĩa to lớn - vì đó là lời tuyên bố dứt khoát của Đệ nhất phu nhân Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới diễn ra nạn phân biệt đối xử đối với phụ nữ nhưng lại bao biện đó là truyền thống văn hóa. Ngay cả Liên Hiệp Quốc khi đó cũng chưa thống nhất về vấn đề này. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đấu tranh hàng thế kỷ vì nhân quyền đầy đủ của phụ nữ trên toàn thế giới”, Kathy Spillar, giám đốc điều hành của một tổ chức nữ quyền tại Mỹ, cho hay.

Steve Jobs: 'Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ'

Tượng đài công nghệ của thế giới, Steve Jobs, dù đã qua đời, nhưng những gì ông nói và làm vẫn luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Mặc dù chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, nhưng Steve Jobs từng vinh dự được mời đến Đại học Stanford (Mỹ) để phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các sinh viên năm 2005.

Cho đến giờ, diễn văn của ông được coi là một trong những bài phát biểu truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất.

Xuyên suốt bài phát biểu Steve Jobs đơn giản chỉ kể lại 3 câu chuyện trong đời mình.

Câu chuyện đầu tiên ông kể về “kết nối những dấu mốc”. Ông kể về cơ duyên ông gặp bố mẹ nuôi. Ban đầu mẹ đẻ Steve Jobs muốn đưa con vào một gia đình có cha làm luật sư để đảm bảo con trai được ăn học đầy đủ, nhưng ngay khi ông vừa được sinh ra, gia đình luật sư kia đổi ý và muốn nhận nuôi con gái.

Gia đình bố mẹ nuôi của Steve Jobs chưa từng tốt nghiệp đại học. Ban đầu, mẹ ông không đồng ý, nhưng bố mẹ nuôi hứa rằng sẽ cho ông học lên đại học. 17 năm sau, ông được học đại học thật, nhưng bỏ dở sau 6 tháng nhập học vì thấy không còn hứng thú với các môn học ở trường nữa. Ông không có nhà ở (trước đó ông ở trong ký túc xá của trường), lại không có tiền, nhưng vẫn tin tưởng rằng tương lai sẽ tốt đẹp.

Thời gian đó vô cùng khó khăn, nhưng khi nhìn lại, Jobs nhận ra rằng, đó là một quyết định vô cùng sáng suốt và giúp ông có được những trải nghiệm quý giá. Chẳng hạn như lớp dạy thư pháp ở trường đại học sau này lại là nguồn cảm hứng giúp ông tạo ra những font chữ đẹp cho chiếc máy tính MacKintosh đầu tiên.

Kết thúc câu chuyện đầu tiên, Steve Jobs kết luận: “Bạn không thể kết nối các dấu mốc trong đời nếu nhìn vào tương lai. Bạn chỉ có thể kết nối các dấu mốc khi nhìn lại quá khứ. Nên bạn hãy tin rằng các mốc sự kiện sẽ liên kết nhau trong tương lai. Bạn phải có niềm tin vào những dấu mốc trong đời. Đó có thể là lòng can đảm, định mệnh, cuộc sống hay bất cứ điều gì. Vì nếu tin rằng các dấu mốc sẽ kết nối thành con đường bạn đi, bạn sẽ có đủ tự tin để theo đuổi những gì trái tim mách bảo, kể cả khi nó khiến bạn kiệt sức. Điều đó mới làm nên mọi sự khác biệt”.

Câu chuyện thứ hai mà Steve Jobs kể cho các sinh viên Stanford là về “tình yêu và sự mất mát”. Jobs nhắc lại thời gian bị đuổi việc ở Apple, công ty do chính ông thành lập. Nhưng cũng nhờ vậy, mà ông thành lập lên công ty NeXT. Trong thời gian đó, ông còn gặp được người phụ nữ sau này trở thành vợ ông. Một thời gian sau, Apple mua NeXT và Steve Jobs quay trở về Apple, rồi ông kết hôn và có một gia đình nhỏ xinh đẹp. Những chuyện đó sẽ thể không xảy ra nếu Jobs không bị đuổi việc.

Jobs nói rằng: “Cho dù cuộc sống đánh bạn một cú quá đau, thứ giúp bạn tiếp tục vững bước là những gì mà bạn yêu thương. Nếu vẫn chưa biết mình yêu cái gì, hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng chấp nhận an phận”.

Câu chuyện cuối cùng mà Jobs kể là về cái chết. Tại thời điểm đó, Steve Jobs phát hiện mình bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối và vừa trải qua đợt điều trị thành công. Jobs nói: “Biết rằng mình sắp chết là một trong những điều quan trọng nhất giúp tôi đưa ra những quyết định lớn trong đời. Nỗi sợ thất bại, sự xấu hổ hay niềm tự hào đều tan biến khi phải đối mặt với cái chết, điều còn lại là những thứ quan trọng nhất với tôi”. 

Cái chết là đích đến ai cũng phải tới. Mặc dù không ai muốn chết, nhưng có lẽ cái chết là điều cần thiết nhất với cuộc đời này. Cái chết loại bỏ những gì đã cũ và dọn đường cho cái mới. Thời gian của các bạn có hạn thôi, vì vậy đừng lãng phí thời gian để sống cuộc đời của người khác và cũng đừng mắc vào những chiếc bẫy giáo lý do người khác tạo ra”.

Kết thúc bài phát biểu, Steve Jobs có nói: “Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ”. Câu nói ấy sau này trở nên nổi tiếng, gắn liền với hình ảnh của ông và được rất nhiều người trẻ coi là kim chỉ nam cuộc sống.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết QN

Được quan tâm

Tin mới nhất