Người mẹ tên Nannalin Chainphonsaen đến từ Bangkok, Thái Lan cho biết, vào tối 8/8, con trai bà đang la hét và khóc thì đột nhiên im lặng khiến cả gia đình nháo nhào.
Lúc này, người mẹ nhận ra con trai đã tắt thở liền bế con lên và gọi người tới giúp.
Theo hình ảnh do camera ghi lại, người thân đang thay nhau tìm cách hồi sinh bé trai và hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ. Tuy nhiên, đứa trẻ vẫn bất tỉnh nên gia đình lập tức gọi cấp cứu.
Sau khoảng thời gian dài kiên trì hô hấp nhân tạo, cuối cùng bé trai đã thở được trở lại và tỉnh dậy.
Chia sẻ với truyền thông, Nannalin cho biết: "Tôi nghe thấy tiếng hét của con không bình thường. Chỉ 3 phút sau, người bé trở nên cứng đờ, mặt tái xanh, mắt trợn ngược như lên cơn động kinh. Hình ảnh đấy khiến tôi có chút hoảng sợ, nhưng nhanh chóng tập trung hô hấp nhân tạo để cứu sống con".
Chia sẻ cảm xúc của mình, người mẹ nghẹn ngào cho biết sự việc khiến cô rất sốc và cô không muốn điều này xảy ra thêm lần nào nữa.
Đứa trẻ được cho là đã phải chịu đựng một cơn khóc lặng, trong thời gian đó trẻ sẽ ngừng thở và đôi khi bất tỉnh. Những cơn khóc lặng thường do những cảm xúc như tức giận, bực tức hoặc sợ hãi gây ra.
Một tuần sau khi xảy ra sự việc, Nannalin nhẹ nhõm chia sẻ rằng con trai hiện đã an toàn và vui vẻ như thường ngày. Các bác sĩ đã kiểm tra và không tìm thấy bất kỳ hiện tượng nào gây ra vấn đề về hô hấp.
Được biết, khóc lặng còn được gọi là cơn khóc nín thở (breath-holding spells). Đây là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em, gặp ở giai đoạn trẻ từ 6 tháng – 4 tuổi, tuy nhiên gặp nhiều nhất là từ 6 tháng tới 18 tháng.
Có 2 dạng khóc lặng thường thấy, đó là:
Cơn khóc lặng xanh tím: Do trẻ thay đổi kiểu thở, thường xuất hiện khi con tức giận và cáu gắt, và đây được xem là dạng hay gặp nhất. Khi con khóc hoặc đang nổi nóng, bé sẽ hít vào một hơi rồi nín thở, mặt mày da dẻ của con nhanh chóng trở nên xanh tím, đặc biệt là vùng quanh miệng.
Cơn khóc lặng nhợt nhạt: Ít hay gặp hơn, do nhịp tim chậm lại và thường xuất hiện khi con gặp phải đau đớn, chấn thương. Biểu hiện thường gặp là trẻ hít vào rồi nín thở, nhịp tim trở nên chậm hơn, da nhợt nhạt, mồ hôi đổ ra nhiều và con cảm thấy rất mệt mỏi khi dứt cơn. Những bé này khi lớn lên sẽ thường dễ bị ngất xỉu trong nhiều trường hợp.
Xem thêm: Clip 'Tôn Ngộ Không' bị các em nhỏ đút đồ ăn đến mức không kịp thở gây sốt MXH