Semeru, ngọn núi cao nhất ở Java, hôm 4/12 đã phun trào tạo ra khói và tro núi lửa bốc cao, bao trùm các ngôi làng gần đó ở tỉnh Đông Java. Video do Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) chia sẻ cho thấy, các cư dân chạy trốn trong hoảng loạn.
Các nhà chức trách cho biết vụ phun trào đã phá hủy các tòa nhà và cắt đứt một cây cầu chính nối hai khu vực ở huyện Lumajang với thành phố Malang gần đó.
Trong cuộc họp báo cuối ngày 5/12, một quan chức của BNPB thông tin 14 người đã thiệt mạng, 9 người trong đó đã xác định được danh tính, và 56 người khác bị thương, đa phần do bỏng.
Khoảng 1.300 người đã được sơ tán, trong khi 9 người vẫn chưa được xác định tung tích.
Taufiq Ismail Marzuqi, một cư dân ở huyện Lumajang, cho biết nỗ lực cứu hộ "gặp muôn vàn khó khăn" vì cây cầu bị cắt đứt, trong khi các tình nguyện viên còn thiếu kinh nghiệm.
Trong một đoạn video mà anh ta ghi lại, cảnh sát và quan chức quân đội đã cố gắng tìm các thi thể bằng tay không.
Hãng thông tấn nhà nước Antara đưa tin, lực lượng cứu hộ ở làng Curah Kobokan, cũng thuộc huyện Lumajang, đã tìm thấy thi thể hai mẹ con đang ôm nhau.
Một nhân chứng của Reuters tại khu vực Sumberwuluh cho biết nhà cửa và xe cộ gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi lớp tro dày, xám xịt, cây đổ chắn ngang đường.
Hosniya, một cư dân địa phương 31 tuổi đang cùng gia đình sơ tán, cho biết, núi lửa phun trào đột ngột. "Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một quả bom nổ ... đột nhiên tất cả tối đen, giống như sắp hủy diệt cả trái đất", cô chia sẻ.
Hosniya và gia đình cô đã bỏ trốn, không thể mang theo bất cứ thứ gì ngoài giấy tờ tùy thân.
Nỗ lực cứu hộ
Một quan chức cơ quan khí tượng cho biết sẽ có mưa lớn trong 3 ngày tới, yếu tố làm ảnh hưởng tới nỗ lực cứu hộ và sơ tán. Những mảnh vụn đá và trầm tích núi lửa nóng đã hạn chế sự di chuyển, theo lực lượng cứu hộ địa phương.
BNPB cho biết 10 người bị mắc kẹt trong các mỏ cát do vụ phun trào đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Theo các chuyên gia về núi lửa, Semeru bắt đầu quá trình phun trào từ năm 2014, đang phát ra những đám mây nóng và dung nham đỏ rực thời gian gần đây khiến chính quyền hôm 1/12 đưa ra cảnh báo người dân không nên tới gần.
Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết vụ phun trào không gây ra bất kỳ gián đoạn nào cho các chuyến bay, mặc dù các phi công đã được cảnh báo để đề phòng tro bụi rơi xuống.
Semeru, cao hơn 3.600 mét (12.000 feet), là một trong gần 130 núi lửa đang hoạt động của Indonesia.
Indonesia nằm giữa "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một khu vực hoạt động địa chấn mạnh, nơi các mảng khác nhau trên vỏ trái đất gặp nhau và tạo ra một số lượng lớn các trận động đất và núi lửa.
Trong khi nhiều núi lửa ở Indonesia vẫn tiếp tục hoạt động, các đợt phun trào có thể diễn ra cách nhau nhiều năm. Năm 2010, một vụ phun trào núi lửa Merapi trên đảo Java đã giết chết hơn 350 người và 400.000 người phải di dời.