Cơ trưởng Mykola làm việc tại hãng hàng không Susi Air được cử đến để đánh giá tình hình thiệt hại tại khu vực Banten, thuộc tỉnh miền tây Java, Indonesia sau trận sóng thần tràn vào khu vực này hôm 22/12.
Núi lửa Anak Krakatau phun trào vài tiếng sau khi sóng thần xảy ra ở Indonesia. Video: Daily Mail
Cảnh quay từ buồng lái máy bay cho thấy núi lửa Anak Krakatau phun ra lớp lớp tro bụi và dung nham xuống biển, tạo thành các cột khói khổng lồ trên không.
Các nguồn tin từ chính phủ Indonesia cho biết, trận sóng thần - khiến ít nhất 281 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và gần 60 người mất tích - được gây ra bởi vụ lở đất dưới đại dương do hoạt động của núi lửa.
Nỗi ám ảnh với người dân Indonesia vẫn chưa nguôi khi giới chuyên môn cảnh báo sóng thần có thể tái diễn khi núi lửa Anak Krakatau vẫn chưa có dấu hiệu ngừng hoạt động.
“Cơ quan Khí tượng khuyến cáo người dân không nên tổ chức hoặc tham gia bất cứ hoạt động nào trên bãi biển”, Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia, cho biết.
Theo thống kê, núi lửa Anak Krakatau đã phun tro bụi và dung nham (không liên tục) kể từ tháng 6/2018. Nó chỉ là một trong 76 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia - quốc gia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương.