Càn Long: Ông vua sống thọ nhất
Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (1711 - 1799), là Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Năm 1736, ông lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Càn Long. Ông còn được biết tới với tên gọi Thanh Cao Tông.
Trong lịch sử Trung Hoa, Càn Long nổi tiếng là một vị vua phong lưu, đa tình với nhiều thê thiếp. Trong khi đó, tục ngữ có câu: “Rượu là thuốc độc của gan, phong lưu, háo sắc là con dao sắc cắt gân, cưa xương con người”. Điều này muốn nói rằng, nếu một người quá phong lưu, háo sắc sẽ gây hại tới thể chất, làm giảm tuổi thọ.
Thế nhưng, Càn Long Đế lại sống thọ tới 88 tuổi, trở thành ông vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tuổi thọ như thế này trong lịch sử Trung Quốc rất hiếm, bởi chỉ có 3 vị vua có tuổi thọ vượt qua 80. Hai người còn lại, một là Nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc Võ Tắc Thiên (82 tuổi) và người còn lại là Lương Vũ Đế Tiêu Diễn của Nam Bắc triều thọ 86 tuổi.
Vị vua sống xa hoa nhất Thanh triều
Xét về độ xa hoa, nếu Càn Long đứng thứ hai thì trong các vị vua thời Thanh triều không ai dám đứng thứ nhất. Sự xa hoa của ông không chỉ thể hiện trong lối sống hằng ngày mà ngay cả trong những chuyến tuần du Giang Nam. Tuy nhiên, không giống với những vị hoàng đế khác là đi tuần du để thị sát dân tình thì chuyến đi của Càn Long chủ yếu là để tìm “hoa thơm cỏ lạ”.
Theo sử sách ghi lại, có một lần Càn Long Đế tuần du xuống phía nam, chỉ riêng thuyền to đã huy động hơn một nghìn chiếc. Suốt lộ trình, những nơi nhà vua đi qua đều cho xây dựng sân khấu để hát xướng. Chiếc thuyền mà nhà vua và hậu phi ngồi phải dùng sức kéo của rất nhiều dân phu. Riêng ngựa được huy động đến 6.000 con, lạc đà 600 con, phu dịch huy động gần một ngàn người…
Từ Hàng Châu đến Bắc Kinh, vua cho xây dựng 36 hành cung, cứ cách một đoạn ngắn lại có một nhà nghỉ. Đoạn đường Càn Long đi qua đều phải trải thảm, che nắng bằng lụa.
Trong những bữa tiệc mừng thọ, Càn Long Đế đều thể hiện mình là người xa hoa nhất. Điển hình là trong lễ mừng thọ năm 60 tuổi, Càn Long đã mời tất cả các quan lại trong nước và sứ thần nước ngoài tới dự. Khắp các con đường đều treo đèn, kết hoa, bên lề đường xây dựng các sân khấu biểu diễn cho gánh hát, dùng lụa màu làm núi giả, dùng những tấm thiếc trắng để làm giả sóng biển.
Lần mừng thọ 80 tuổi, vua Càn Long còn tổ chức một buổi yến tiệc cho 5.900 người tham sự. Ước tính chi phí cho hai lần mừng đại thọ tốn đến mười triệu lạng bạc thời bấy giờ.
Hoàng đế cai trị lâu nhất
Thực chất, thời kỳ trị vì của Càn Long Hoàng đế kéo dài 60 năm, vẫn kém Khang Hi Đại đế 1 năm. Tuy nhiên, khi Càn Long thoái vị truyền ngôi cho con không phải là do qua đời hay sức khỏe quá suy yếu mà chỉ là do ông không muốn vượt quá số năm trị vì của ông nội Khang Hi, người mà Càn Long Đế vô cùng kính trọng.
Sau khi truyền ngôi cho con là Gia Khánh lên làm thái thượng hoàng, Càn Long vẫn quyết định mọi chuyện quốc gia đại sự, trong cung đình vẫn dùng Càn Long niên hiệu. Vì vậy, lúc bấy giờ, triều Thanh tồn tại cùng lúc “hai vị hoàng đế”. Do đó, nếu nói Càn Long là vị Hoàng đế cai trị lâu nhất quả thực cũng không oan.