Sahar Dofdaa được một tháng tuổi và nặng chưa đến 2kg, đôi mắt lõm xuống và xương gò má nhô lên. Hình ảnh da bọc xương của cô gái bé bỏng khiến bao người xót xa. Em bé bị suy dinh dưỡng là vì người mẹ không có sữa cho con bú.
Sahar được đưa đến và điều trị tại thị trấn Hamouria (Ghouta) tuy nhiên bé qua đời tối 23/10 vì kiệt sức.
Những bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội ngày 24/10 đã phần nào phản ánh được tình trạng khủng hoảng lương thực đang bủa vây Syria. Cô bé được phát hiện ở vùng ngoại ô Damascus, khu vực đang bị phe đối lập kiểm soát.
Một nhân viên cứu trợ cho biết: “Nguồn cung cấp thực phẩm ở đây rất khan hiếm. Nếu còn tiếp tục kéo dài, sẽ có nhiều trẻ em chết đói”.
Những nạn nhân của suy dinh dưỡng sẽ tử vong nhanh chóng bởi hệ miễn dịch suy yếu, từ đó cơ thể không đủ sức chống lại bệnh tật.
Bác sĩ Yahya Abu Yahya nói với Agence France-Presse: “Trong số 9.700 trẻ em được kiểm tra trong những tháng gần đây, 80 trẻ đang bị suy dinh dưỡng nặng, 200 trẻ bị suy dinh dưỡng cấp vừa phải và 4.000 trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng”.
Bác sĩ cũng như các nhà hoạt động xã hội cho biết, tình trạng thiếu lương thực đang đẩy nhanh số người mắc suy dinh dưỡng. Các bà mẹ không thể cho con bú sữa bởi chính họ cũng đang thiếu ăn. Các sản phẩm như sữa trẻ em thì gần như không có.
Cần sự giúp đỡ
Hàng chục nghìn dân thường ở Ghouta đang sống trong khu vực phong tỏa do lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát.
Ông Mohamad Katoub, một bác sĩ thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho biết: Đã có 68 ca suy dinh dưỡng nặng ở các bệnh viện trong khu vực. Con số thực lẽ ra còn cao hơn, nhưng bác sĩ gặp khó khăn trong việc tổng hợp số liệu khi nhiều cơ sở y tế bị tàn phá do chiến sự.
Sự nổi dậy của lực lượng địa phương trước tình trạng nhiều thương gia đang tích lũy thực phẩm đã khiến các cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhà hoạt động xã hội, ông Raed Srewel cho hay: “Lúc này người dân miền đông Ghouta đang phải sống trong điều kiện cực kỳ tồi tệ. Hàng nghìn trẻ em đang gặp nguy hiểm và nếu không có các chương trình từ thiện quốc tế hoặc Liên Hợp Quốc giúp đỡ, vấn đề này sẽ còn nguy hiểm hơn”.