Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi số lượng lớn người trong cộng đồng có đủ khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật, làm cho virus khó lây lan. Đối với Covid-19, miễn dịch cộng đồng có thể đạt được thông qua tiêm chủng trên diện rộng hoặc miễn dịch tự nhiên.
Quá trình nhiễm Covid-19 cũng giúp cơ thể hình thành các kháng thể chống lại virus. Khi một số lượng lớn người mắc bệnh và bình phục, trong quá trình lây lan, họ sẽ phát triển các kháng thể ngăn ngừa khả năng tái nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng miễn dịch tự nhiên có thể không hiệu quả bằng vaccine.
Trong thời gian gần đây, các biến thể mới xuất hiện, đặc biệt là biến thể Delta, đã trở thành vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới. Theo CDC Mỹ, loại biến thể này có khả năng lây lan cao “gấp hơn 2 lần so với các biến thể trước đó”. Như vậy, biến thể Delta có thể giúp thúc đẩy quá trình miễn dịch tự nhiên do tỷ lệ lây truyền cao và khả năng né tránh tác dụng của vaccine. Song, theo các chuyên gia, việc đạt được miễn dịch cộng đồng gần như là không thể.
Vào thời điểm mà miễn dịch cộng đồng là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch, việc tiêm chủng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, về sau này, các trường hợp nhiễm trùng đột phá ngày càng trở nên phổ biến và gây ra nhiều lo ngại trên toàn cầu. Những người được tiêm chủng đầy đủ cũng nhiễm virus, chứng tỏ nó đang tiến hóa và đột biến, ngày càng kháng vaccine mạnh hơn.
Các nghiên cứu hiện có cho thấy khả năng miễn dịch có được từ việc nhiễm bệnh sẽ suy giảm theo thời gian, tạo thêm nguy hiểm cho loài người và cản trở con đường đạt được miễn dịch cộng đồng. Khả năng miễn dịch nhờ vaccine cũng không duy trì vĩnh viễn, khiến nhu cầu tiêm mũi bổ sung càng thêm tăng.