Đây là nội dung trong báo cáo mới do một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế công bố hôm 26/4.
"Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến hạn hán ở vùng Sừng châu Phi có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 100 lần", bản tóm tắt báo cáo của tổ chức Phân bổ thời tiết thế giới (WWA) cho biết. "Hạn hán tàn khốc sẽ không xảy ra nếu không có tác động của khí thải nhà kính".
Kể từ cuối năm 2020, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm. Hạn hán kéo dài đã khiến hàng triệu con gia súc chết và mùa màng bị tàn phá.
Nghiên cứu của WWA tập trung vào ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán là miền Nam Ethiopia, Somalia và miền Đông Kenya.
Theo 19 nhà khoa học tham gia báo cáo của WWA, mặc dù biến đổi khí hậu ít ảnh hưởng đến tổng lượng mưa hàng năm trong khu vực nhưng "nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất khô cằn hơn".
"Nếu không có tác động trên, khu vực này sẽ không trải qua hạn hán nông nghiệp, khi cây trồng và đồng cỏ bị ảnh hưởng bởi điều kiện khô hạn trong hai năm qua", bản báo cáo cho biết thêm. "Thay vào đó, tình trạng mất mùa trên diện rộng và gia súc chết hàng loạt đã khiến hơn 20 triệu người có nguy cơ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng".
WWA cho biết, để phân tích nhanh, các nhà khoa học đã xem xét những thay đổi về lượng mưa vào năm 2021 và 2022 ở khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm phía Nam Ethiopia, miền Nam Somalia và khu vực Đông Kenya. Họ phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các giai đoạn mưa theo những cách ngược lại.
Những cơn mưa kéo dài đang trở nên khô hơn, với lượng mưa có khả năng thấp gấp hai lần, trong khi những cơn mưa ngắn đang trở nên ẩm ướt hơn do biến đổi khí hậu. Xu hướng ẩm ướt trong những cơn mưa ngắn ngày gần đây đã bị che lấp bởi hình thái thời tiết La Nina, làm giảm lượng mưa trong những cơn mưa ngắn.
Joyce Kimutai, nhà khí hậu học Kenya, người đã đóng góp cho báo cáo, nói với AFP: "Đã đến lúc chúng ta hành động và tham gia theo cách khác. Trọng tâm của quá trình này là chuyển đổi và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống của chúng ta.
Chúng ta cần đổi mới xuyên suốt các hệ thống thực phẩm, cải thiện sự hợp tác, thu hút sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương, tận dụng tốt nhất dữ liệu và thông tin, cũng như kết hợp các công nghệ mới và kiến thức truyền thống".