Với doanh số 3,5 tỷ liều, vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cùng phát triển là một thành công lớn. Theo ước tính, doanh thu từ loại vaccine này sẽ còn có thể gấp đôi trong năm 2022.
Thế nhưng, việc các nước mua vaccine Pfizer đã và đang được thực hiện đằng sau một lớp màn bí mật. Sự bí mật ấy khiến công chúng ít có khả năng soi xét quyền lực ngày một lớn trong tay hãng dược khổng lồ của Mỹ, Washington Post viết.
Ngày 19/10, Public Citizen - một nhóm hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng có trụ sở tại Washington, D.C. - công bố bản báo cáo được hoàn thành dựa trên những hợp đồng bị rò rỉ mà chính phủ các nước ký với Pfizer.
Báo cáo này đã làm sáng tỏ cách Pfizer dùng quyền lực trong tay để “đùn đẩy rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận”, theo Public Citizen.
“Những bản hợp đồng ấy liên tục đặt lợi ích của Pfizer lên trước vấn đề y tế công cộng cấp bách”, Zain Rizvi, nhà nghiên cứu viết bản báo cáo trên, nhận định.
Những bản hợp đồng bí mật
Tới nay, Pfizer đã ký kết chính thức 73 thỏa thuận bán vaccine ngừa Covid-19 của hãng. Nhưng chỉ 5 hợp đồng trong số đó được chính phủ các nước công khai sau khi đã bị “cắt xén đáng kể”, theo Minh Bạch Quốc tế - tổ chức chống tham nhũng.
“Hành động không công bố hợp đồng ra trước công chúng hoặc công bố văn bản bị cắt bỏ nhiều chỗ có nghĩa là chúng ta không biết thời điểm hoặc cách thức vaccine được chuyển đến, chuyện gì sẽ xảy ra nếu có vấn đề, cũng như rủi ro tài chính mà bên mua phải chịu”, Tom Wright, quản lý nghiên cứu tại chương trình y tế của Minh Bạch Quốc tế, nói.
Phần lớn những điều đã biết về hợp đồng của Pfizer chỉ xuất hiện qua các vụ rò rỉ, thường là từ báo chí địa phương hoặc tổ chức tin tức quốc tế.
Public Citizen đã phân tích một bản thảo hợp đồng không qua chỉnh sửa giữa Pfizer và Albania, cũng như hợp đồng chính thức từ Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominica, Peru và Ủy ban châu Âu. Những văn bản do Chile, Mỹ và Anh công bố sau kiểm duyệt cũng cung cấp thêm thông tin nền nhưng thiếu các chi tiết then chốt.
Ví dụ, hợp đồng Pfizer ký với Brazil cấm nước này “đưa ra bất cứ thông báo công khai nào về sự tồn tại, chủ đề hoặc điều khoản của thỏa thuận”, cũng như cấm đưa ra bình luận về mối quan hệ với Pfizer mà chưa được đồng ý bằng văn bản.
Sharon Castillo, một phát ngôn viên của Pfizer, cho rằng các điều khoản bảo mật “là điều phổ biến trong các hợp đồng thương mại” và “nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, cũng như để bảo vệ bí mật thương mại xuất hiện trong quá trình đàm phán hay trong bản hợp đồng chính thức”.
“Một số yêu cầu trong hợp đồng khá cực đoan”
Sau khi ký kết hợp đồng, Pfizer vẫn giữ quyền kiểm soát nguồn cung vaccine, theo Public Citizen.
Chẳng hạn, chính phủ Brazil bị hạn chế nhận hoặc mua lại vaccine Pfizer từ các nước khác khi chưa được hãng này đồng ý, theo Public Citizen. Brazil cũng bị hạn chế tặng, phân phối, xuất khẩu hoặc chuyển vaccine Pfizer ra ngoài đất nước khi chưa được hãng cho phép.
Hậu quả khi làm trái hợp đồng có thể rất nghiêm trọng. Nếu Brazil nhận vaccine viện trợ khi chưa được phép, đây sẽ bị coi là “hành vi xâm phạm không thể cứu vãn” và Pfizer có thể lập tức chấm dứt hợp đồng. Khi đó, Brazil sẽ phải trả đầy đủ tiền cho số vaccine đã đặt mua.
Trong hợp đồng với Albania, Brazil và Colombia, Pfizer còn đưa vào các điều khoản cho phép hãng này đơn phương thay đổi lịch trình vận chuyển vaccine trong tình trạng thiếu hụt.
Sau khi xem xét hợp đồng giữa Pfizer với chính phủ các nước, các chuyên gia nhận định rằng một số yêu cầu trong đó khá cực đoan, theo Washington Post.
Trong luật pháp quốc tế, các quốc gia trong một số trường hợp sẽ được hưởng quyền miễn trừ quốc gia, tức là nước đó không thể bị các công ty cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài (bao gồm việc bị buộc phải bồi thường tài sản).
Nhưng trong hợp đồng ký với Pfizer, chính phủ Brazil, Chile, Colombia và CH Dominica đều từ bỏ “quyền miễn trừ khỏi bị thu giữ bất cứ tài sản nào [của các nước này] với mục đích phòng ngừa”.
“Chuyện này gần giống như việc Pfizer yêu cầu Mỹ đem hẻm núi Grand Canyon ra làm vật thế chấp vậy”, giáo sư luật y tế công cộng Lawrence Gostin thuộc Đại học George nhận định.
Phía Pfizer bác bỏ logic trên. “Pfizer chưa và tuyệt đối không có ý định can thiệp vào bất cứ tài sản nào có ý nghĩa về mặt ngoại giao, quân sự, hoặc văn hóa của bất cứ nước nào”, bà Castillo nói. “Mọi phát ngôn đi ngược lại điều đó là vô trách nhiệm và sai sự thật”.
Pfizer dường như "nắm đằng chuôi"
Các khía cạnh như trong những bản hợp đồng nói trên không phải điều hiếm thấy, bao gồm việc sử dụng tòa trọng tài và các điều khoản bảo vệ pháp lý.
“Các công ty dược phẩm có một số lo ngại”, Julia Barnes-Weise, Giám đốc viện chính sách Xúc tiến Liên minh Đổi mới Chăm sóc y tế Toàn cầu (GHIAA), nhận định. “Một trong số đó là việc họ có thể phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ thương tích nào dường như bắt nguồn từ vaccine của họ, đặc biệt là khi loại vaccine đó chưa được phê duyệt”.
Những điều khoản hợp đồng liên quan tới quyền miễn trừ quốc gia có thể là cách để Pfizer cố giảm rủi ro trong các hoạt động mà hãng này ít có khả năng kiểm soát, như việc giám sát công tác bảo quản và phân phối vaccine ở các nước, bà Barnes-Weise nói.
Cũng theo bà Barnes-Weise, Pfizer còn có thể lo lắng về rủi ro bị thừa cơ khởi kiện ở những quốc gia hãng này chưa xin cấp bằng sáng chế.
Một số nước, bao gồm Mỹ, có quy định pháp lý để bảo vệ các nhà sản xuất vaccine trước nghĩa vụ bồi thường, nhưng đa số quốc gia không có dạng quy định này, theo Washington Post.
Dù vậy, Minh bạch Quốc tế cho rằng ít nhất 4 hợp đồng hoặc bản thảo hợp đồng của Pfizer đi “xa hơn nhiều” so với các nhà phát triển vaccine khác, với “phần nhiều rủi ro được đẩy cho phía chính phủ các nước… kể cả khi sai sót thuộc về phía nhà phát triển vaccine hoặc đối tác trong chuỗi cung ứng”.
Suerie Moon, đồng Giám đốc trung tâm y tế toàn cầu thuộc Viện Cao học Nghiên cứu Phát triển và Quốc tế tại Geneva, cũng cho rằng quy định giới hạn viện trợ vaccine thật “tồi tệ” và “đi ngược lại mục tiêu đưa vaccine tới tay người cần càng sớm càng tốt”.
Bà Castillo cho biết Pfizer hiện không khởi kiện chính quyền bất cứ nước nào về vấn đề liên quan tới vaccine ngừa Covid-19 của hãng này.
Mỹ có năng lực thay đổi cục diện
Một vài yêu cầu trong hợp đồng của Pfizer dường như đã làm chậm tiến độ triển khai tiêm chủng tại một số quốc gia. Ít nhất hai quốc gia đã công khai chỉ trích yêu cầu của hãng này sau khi rời bàn đàm phán. Nhưng sau đó, cả hai đều đạt thỏa thuận với Pfizer.
Tháng một, Brazil công khai tuyên bố rằng Pfizer kiên quyết giữ các điều khoản hợp đồng “bất công và khó chấp nhận”.
Chỉ vài tháng sau, Brazil ký hợp đồng trị giá một tỷ USD với gã khổng lồ ngành dược để mua 100 triệu liều. Bản hợp đồng bị rò rỉ giữa hai bên có chứa nhiều điều khoản Brazil từng phản đối, theo Public Citizen.
Argentina cũng từ chối quá trình đàm phán ban đầu với Pfizer. Cựu bộ trưởng Y tế của nước này từng nhận xét rằng hãng này “cư xử rất tệ” và đưa ra các yêu cầu không phù hợp luật pháp Argentina.
Một thời gian sau, Argentina đồng ý mua 20 triệu liều vaccine Pfizer. Nội dung giao kết giữa hai bên chưa được công bố.
Cơ chế chia sẻ vaccine COVAX đến nay mới mua được 40 triệu liều vaccine trực tiếp từ Pfizer, trong lúc có một số thông tin cho biết giữa hai bên đã có mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Sau đó, COVAX đạt thỏa thuận với Mỹ. Theo thỏa thuận này, Washington sẽ mua và phân phối 500 triệu liều vaccine Pfizer tới các nước thu nhập thấp thông qua COVAX.
Trong bản báo cáo ngày 19/10, Public Citizen kêu gọi chính phủ Mỹ dùng sức ảnh hưởng của mình để buộc Pfizer có cách tiếp cận khác, bao gồm việc yêu cầu hãng này chia sẻ công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ để các bên khác cũng có khả năng sản xuất vaccine.
“Cộng đồng quốc tế không thể cho phép các tập đoàn dược phẩm tiếp tục nắm quyền quyết định”, Rizvi, tác giả bản báo cáo, nói. “Chính quyền Biden có thể có hành động để cân bằng cán cân ấy”.