Trang Global News đưa tin, một lỗ vành nhật hoa khổng lồ có kích thước lớn hơn gấp 20 lần trái đất đã xuất hiện trên mặt trời lần thứ 2. Lỗ vành nhật hoa này đang phóng ra bão mặt trời với tốc độ 2,9 triệu km/giờ, dự báo sẽ tác động đến trái đất trong ngày 31/3, có thể tạo ra cực quang ở Bắc Cực. Tuy nhiên, do một luồng gió mặt trời nhỏ đang hướng tới Trái đất nên cơn bão có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Trước đó, vào hôm 24/3 vừa qua, trái đất đã chứng kiến bão mặt trời tồi tệ nhất trong 6 năm, khi một sự kiện địa từ thắp sáng bầu trời Canada bằng cực quang, có thể nhìn thấy ở tận phía nam như bang New Mexico (Mỹ). Được biết, đây là cơn bão địa từ nghiêm trọng có thể làm gián đoạn hệ thống điện, Internet, định vị toàn cầu (GPS) và hoạt động của tàu vũ trụ.
Về cơn bão mặt trời vào ngày mai (31/3), đài quan sát Động lực học mặt trời của NASA cho biết thêm, đã phát hiện ra lỗ vành nhật hoa, một hiện tượng hoàn toàn bình thường, nhưng vị trí mới là điều khiến nó trở nên độc đáo.
"Lần này đặc biệt vì nó ở gần đường xích đạo của mặt trời. Vì mặt trời quay, nên một lỗ vành nhật hoa xích đạo có thể hướng về trái đất tại một thời điểm nào đó," theo ông Daniel Verscharen, phó giáo sư vật lý không gian và khí hậu tại Đại học College London.
NASA cho biết các lỗ vành nhật hoa thường vô hại nhưng có thể ảnh hưởng đến từ trường, công nghệ và các vệ tinh của trái đất. Ngoài ra, nó còn có khả năng làm quá tải hệ thống điện, ảnh hưởng đến các chuyến và gây mất điện.
Ông Verscharen tiết lộ, bão mặt trời từ lỗ vành nhật hoa đặc biệt này có thể sẽ đến trái đất vào khoảng tối thứ Sáu đến sáng thứ Bảy tuần này.