Hiện nay, khi nói đến bậc giáo dục phổ thông, điều mà các bậc phụ huynh quan tâm nhất có lẽ là chất lượng giáo viên, kết quả giảng dạy, phương pháp giáo dục …Tuy nhiên, các nhà khoa học trong nghiên cứu mới đây đã chứng minh được rằng “bộ mặt” của trường học, ví dụ như kiến trúc, cách bài trí lớp học, không gian tập thể… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hứng thú học tập, từ đó đóng phần lớn trong kết quả học của các em. Vì vậy, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) đã thành lập nên một tổ chức đặc biệt mang tên Ủy ban Kiến trúc giáo dục nhằm nghiên cứu và chia sẻ những mẫu kiến trúc sẽ mang lại hiệu quả học tập đặc biệt sẽ được áp dụng trong tương lai gần.
Màu sắc là yếu tố quan trọng
Màu sắc là yếu tố vô cùng quan trọng với bậc giáo dục tiểu học vì nó khơi gợi cho học sinh sự sáng tạo, hứng thú tìm hiểu. Ở một số nước, kể cả Mỹ, các cấp quản lý có phần dè dặt trong việc đổi mới các kiến trúc vì muốn giữ sự nghiêm túc, tập trung trong việc dạy học, đặc biệt là ở các ngôi trường công lập. Họ cho rằng màu sắc quá tươi sáng, rực rỡ sẽ khiến trẻ em mất tập trung và có phần hiếu động thái quá.
Nhưng ở các nước châu Âu và một số quốc gia châu Á, trường học được trang trí với các gam màu sắc rất nổi bật. Các kiến trúc sư cùng chuyên gia giáo dục đang tổ chức nhiều nghiên cứu để tìm hiểu sự liên quan giữa màu sắc của môi trường với sự phát triển tư duy của học sinh.
Không gian học tập ngày càng mở rộng
Hiện nay, chương trình giáo dục mẫu giáo và tiểu học của nhiều nước đang phân định rạch ròi chuyện “học trên lớp” và “hoạt động ngoại khóa”. Điều này khiến học sinh nhận biết rõ ràng khi nào cần học tập hết sức, khi nào cần rèn luyện các kĩ năng sống. Nhưng trong tương lai, chuyện học hành sẽ được mở rộng hơn, các em sẽ được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm ngay trong cuộc sống, nghĩa là ranh giới lớp học không chỉ đóng khung trong bốn bức tường mà cần được mở rộng hơn nữa.
Nhật Bản đang là quốc gia đi tiên phong cho phương pháp giáo dục này. Họ tạo nên một không gian giáo dục mở cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, lớp học được mở rộng, cây cối được trồng ngay trong lớp, và học sinh có thể đi lại trong lớp mà như đang đi dạo trong vườn trường. Nhờ vậy, các em sẽ được học thêm vô số kiến thức mới mẻ, hứng thú và bổ ích.
Hình dáng lớp học không giống nhau
Với suy luận mỗi học sinh có cách tiếp thu kiến thức khác nhau, các nhà quản lý giáo dục ở Mỹ đã quyết định sẽ không áp đặt kiến trúc, cách bài trí trong mỗi lớp học. Học sinh có thể đề xuất cách thay đổi lớp học sao cho thật sự phù hợp với nhu cầu, hứng thú của cả lớp.
Ở Bronx, nhà trường nhận thấy sân trường khá nhỏ nên đã quyết định cho xây dựng một khu vườn thẳng đứng, ngoài việc tạo cảnh quan mới lạ, đây còn là cách hữu hiệu để học sinh tìm hiểu các bài học về cách sinh tồn, phát triển của thực vật trong những điều kiện ngặt nghèo.
Kết nối với cộng đồng
Trùng với ý tưởng mở rộng không gian lớp học, nhưng việc kết nối cộng đồng chủ yếu hướng tới các đối tượng học sinh phổ thông trung học. Điều này giúp các em tránh khỏi tình trạng biến mình thành “mọt sách”, chỉ bó hẹp không gian trong những bức tường của lớp học. Trường học nên là một trung tâm kết nối các em với cộng đồng, hoặc là một cộng đồng thu nhỏ.
Việc các trường học tích hợp cả canteen, nhà hàng ăn uống, phòng tập gym, bể bơi… là điều không còn lạ, và Ủy ban Kiến trúc giáo dục mong điều này sẽ được mở rộng ở quy mô lớn tại nhiều quốc gia.
Hiện đại hóa môi trường học tập
Tại nhiều quốc gia, mô hình kiến trúc trường lớp vẫn còn giữ nguyên mẫu từ thế kỷ 19 với những dãy lớp học, sân trường nhỏ trồng cây… Sau hơn 2 thế kỷ, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự đổi mới hàng ngày trong tư duy, có lẽ các nhà quản lý giáo dục nên nghĩ đến việc hiện đại hóa các mô hình lớp học, từ đó kích thích sự sáng tạo và nâng cao khả năng phát triển trí tuệ của học sinh, sinh viên.
Cùng ngắm nhìn thêm một số kiến trúc trường học ấn tượng nhất, hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng mới trong các trường học trên toàn thế giới trong tương lai gần.