Carlos Mariotti hiện là công nhân tại nhà máy Zettapack. Khi đang điều khiển máy sản xuất thép cuộn thì bất ngờ tay trái của ông bị cuốn vào chiếc máy đang hoạt động. Lúc đó Carlos chỉ có một mình, lăn lộn trên sàn nhà và kêu gào trong đau đớn. Khi các đồng nghiệp chạy đến thì cũng quá hoảng loạn nên không biết làm cách nào để giúp ông. Cuối cùng người đàn ông xấu số đã quyết định giật mạnh bàn tay ra khỏi chiếc máy “tử thần”. Mọi người đã nhanh chóng giúp ông băng bó để cầm máu và đưa đến bệnh viện ở Santa Otilia.
Bác sĩ Chấn thương và Chỉnh hình Boris Brandao, người thực hiện các ca phẫu thuật hiếm có, cho biết: “Bệnh nhân bị chấn thương tróc da, chỉ còn lại một ít da trong lòng bàn tay và trên mu bàn tay, xương và dây chằng bên trong đều lộ ra ngoài. Đây là một chấn thương rất lớn và phức tạp. Nơi duy nhất phù hợp để chứa toàn bộ bàn tay là trong ổ bụng. Nếu không có liệu pháp này, nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao và các mô và gân sẽ thối đi.'
Để giữ cho bàn tay bị thương “còn sống”, các bác sỹ đã phẫu thuật mở ổ bụng và đặt bàn tay vào một túi mô mềm bên trong khoang bụng. Bàn tay tội nghiệp sẽ được “nuôi” trong khoảng 42 ngày để phát triển mô mới và gân cho đến khi có khả năng ghép da mới.
Để cố định bàn tay trong túi mô mềm, các bác sỹ đã dùng băng quấn thật dày quanh bụng. Bệnh nhân được khuyến cáo vẫn phải di chuyển các ngón tay một cách nhẹ nhàng để các khớp tay không bị cứng. Carlos chia sẻ cảm giác kỳ lạ khi cố gắng lúc lắc các ngón tay bên trong cơ thể của chính mình.
Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe hàng tuần để theo dõi diễn tiến điều trị cũng như xem xét khả năng phục hồi của bàn tay xấu số kia. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng đã cảnh báo rằng ông Carlos sẽ bị suy giảm chức năng vì không thể cử động toàn bộ bàn tay của mình.
Dù sao đi nữa ông Carlos vẫn có cơ hội giữ lại đôi tay để có thể thực hiện các động tác co gập đơn giản nhẹ nhàng, còn hơn là mất đi một bàn tay.
Đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ cấy ghép hoặc gắn bộ phận cơ thể ở những vị trí kỳ lạ như vậy. Hồi năm 2008, tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Maryland, Mỹ, các bác sỹ đã thành công trong việc “trồng” tai của Sherrie Walter trên cánh tay của cô sau khi bệnh nhân phát triển ung thư biểu bì mô tế bào.
Tại Trung Quốc năm 2010, các bác sĩ cũng đã “trồng” tay cô bé 9 tuổi Ming Li vào chân phải sau khi bị thương nghiêm trọng vì một chiếc máy kéo cán qua. Ba tháng sau đó bàn tay của cô bé đã được gắn lại thành công.
undefined