Bà Phạm Lan Dung, trưởng khoa luật quốc tế Học viện Ngoại giao của Việt Nam (bìa trái), tại hội thảo về Biển Đông tổ chức ở CSIS ngày 21/7. Ảnh cắt từ màn hình. |
Diễn đàn toàn cầu Tương lai Trung Quốc lần thứ 6 vừa kết thúc ngày 21/7 tại Singapore.
Tại sự kiện quy tụ hơn 60 chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về Trung Quốc này, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long hy vọng Singapore sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – Trung Quốc để bảo đảm sự ổn định và hòa bình cho khu vực.
Singapore mong ổn định
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà nước này sẽ làm khi tiếp nhận vai trò điều phối ASEAN – Trung Quốc từ Thái Lan vào tháng tới chính là giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Chúng tôi hy vọng tìm được tiếng nói chung trong số các quốc gia thành viên của ASEAN và tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN và Trung Quốc thảo luận các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong buổi đối thoại diễn ra trưa 21/7.
Ông cho biết Singapore hy vọng sẽ dàn xếp các lợi ích khác nhau trong ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực và giáo dục.
Thủ tướng Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và hợp tác trong nội bộ ASEAN, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chuẩn bị ra đời cuối năm nay.
“Singapore đang theo dõi sát sao các diễn biến của những nước láng giềng, bởi chúng tôi có những mối quan hệ thân tình với họ đến mức mà nếu họ ốm, chúng tôi cũng sẽ ốm”, Thủ tướng Lý nói.
Cần tòa quốc tế
Cũng tại Diễn đàn toàn cầu Tương lai Trung Quốc, tờ Liên Hợp Buổi Sáng (Lianhe Zaobao) – nhật báo tiếng Trung lớn nhất Singapore – dẫn lời ông Tommy Koh, đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao nước này, cho biết Trung Quốc nên xem xét lại lập trường của mình trong việc chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.
“Tôi thật sự mong muốn Trung Quốc hãy xem xét lại lập trường không để cơ quan quốc tế phán quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nếu nhìn vào kinh nghiệm các nước khác ở châu Á trong việc giải quyết các tranh chấp kiểu như vậy, sẽ có thể thấy rằng điều này là khả thi”, đại sứ Tommy Koh trả lời một câu hỏi chất vấn từ cử tọa.
Ông Tommy Koh dẫn các ví dụ Ấn Độ và Bangladesh cũng như Singapore và Malaysia chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Đại sứ Tommy Koh cho rằng Trung Quốc phải tuân theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế và nên sử dụng phương thức tương tự để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vì nếu làm như vậy Trung Quốc mới khiến các nước khác tin phục.
Tại Hội thảo Biển Đông lần 5 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington kết thúc sáng 22/7 (giờ Việt Nam), các diễn giả cũng đề cập đến phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc.
Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong vụ kiện này nhưng nhấn mạnh phán quyết của tòa án mang tính ràng buộc và yêu cầu các bên phải tuân theo dù thích hay không thích.
“Chúng tôi tìm kiếm cam kết giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và ngoại giao. Những gì chúng tôi phản đối chính là sự cưỡng ép của các bên tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi quan tâm đến quyền lợi của những nước tìm kiếm giải pháp (hòa bình) để giải quyết tranh chấp hoặc tìm kiếm công lý thông qua luật pháp quốc tế”, ông Russel nói.
Tại phiên thảo luận thứ hai của hội thảo chuyên về các vấn đề pháp lý, trả lời câu hỏi của tiến sĩ Ian Storey từ Singapore là liệu chính quyền kế nhiệm Tổng thống Aquino sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này không, học giả Jay Batongbacal đến từ Philippines cho rằng nhiều khả năng chính quyền kế nhiệm sẽ tiếp tục kiện Trung Quốc ra tòa án.
Cũng tại phiên thảo luận này, bà Phạm Lan Dung, trưởng khoa luật quốc tế Học viện Ngoại giao (Việt Nam), cho biết Việt Nam và Trung Quốc đã có 7 vòng làm việc chung về phân định biên giới nhưng không có nhiều tiến bộ.
Trung Quốc không nên lập ADIZ ở Biển Đông
Trong phần hỏi và trả lời sau phiên thảo luận thứ nhất ở hội thảo tại CSIS, có một ý kiến hỏi diễn giả Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) từ Trung Quốc rằng điều gì mà Trung Quốc không nên làm ở Biển Đông. Học giả họ Ngô nói Trung Quốc không nên đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết chỉ trong vòng một năm qua, hoạt động cải tạo đất, bồi đắp đảo của Trung Quốc có quy mô lớn gấp 20 lần Việt Nam, Malaysia, Philippines thực hiện trong nhiều thập niên.
Ông Russel khẳng định tình hình Biển Đông hiện tại không phù hợp với khuôn khổ hợp tác Mỹ – Trung. Ông kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phải tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng bằng cách cam kết dừng các hoạt động xây dựng mới và ngừng quân sự hóa.
Ông Russel nói thêm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đẩy nhanh tiến trình này khi gặp Trung Quốc và các đối tác ASEAN tại Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 8 năm nay.