Trước vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát gây rúng động dư luận, lần gần nhất, một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật Bản bị bắn chết là cách đây 90 năm. Đó là thước đo để đánh giá mức độ bạo lực bằng súng đạn ở quốc gia này, nơi quyền sở hữu súng được kiểm soát chặt chẽ, là hiếm.
Vụ cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát hôm 8/7 bằng một khẩu súng ngắn tự chế, xảy ra khi ông đang vận động tranh cử thay mặt cho Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nara, một thành phố phía đông Osaka. Ông Abe đang có một bài phát biểu trước một nhà ga xe lửa trước cuộc bầu cử Thượng viện vào cuối tuần này. Cựu thủ tướng đã được đưa đến một bệnh viện địa phương sau khi bị trúng đạn, nhưng sau đó không qua khỏi. Ông Abe hưởng thọ 67 tuổi.
Yuki Ito, 42 tuổi, người đang mua sắm tại một hiệu thuốc gần đó cho biết: “Thật sốc, tôi chưa bao giờ nghĩ thảm họa như vậy lại xảy ra ở một thị trấn nông thôn. Nó xảy ra ở một nơi có văn phòng, ngân hàng và trung tâm mua sắm. Tôi đã sợ hãi khi biết rằng đó là một tội phạm sử dụng súng".
Các vụ xả súng là không phổ biến ở Nhật Bản, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Theo Cơ quan Chính sách Quốc gia, đã có 10 vụ nổ súng xảy ra vào năm ngoái, khiến một người chết và bốn người bị thương. Đối với dân thường, việc sở hữu vũ khí - chủ yếu là súng trường và súng ngắn để chơi thể thao hoặc săn bắn - đòi hỏi quá trình cấp phép và kiểm tra lý lịch chuyên sâu. Cảnh sát Nhật Bản thường được trang bị súng ngắn.
Nghi phạm đã bắn ông Abe được truyền thông Nhật Bản xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Anh ta ngay lập tức bị Cảnh sát An ninh của chính phủ bắt giữ, người có nhiệm vụ bảo vệ các chính trị gia và quan chức cấp cao. Là một cựu thủ tướng, ông Abe được an ninh bảo vệ và ít nhất một trong số họ có mang khiên chống đạn.
Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy một thứ dường như là súng được quấn với nhau bằng băng đen trên mặt đất, đây được cho là một vũ khí tự chế lắp ráp thô sơ. Daniel Foote, giáo sư tại Đại học Tokyo, chuyên về luật và xã hội, cho biết: “Điều này thực sự cho thấy mức độ mà luật pháp về súng của Nhật Bản đang phát huy tác dụng. Rất ít người có khả năng tạo ra một loại vũ khí như vậy".
Theo GunPolicy.org, tổng số súng ước tính mà dân thường nắm giữ ở Nhật Bản là 310.400 vào năm 2019, tương đương 0,25 trên 100 người, mức thấp nhất trong số các nước G-7, theo GunPolicy.org. Con số đó so với 393 triệu khẩu súng, tương đương 120 khẩu trên 100 người ở Mỹ và 3,2 triệu khẩu, tương đương 5 khẩu trên 100 khẩu ở Anh.
Tuy nhiên, William Cleary, giáo sư luật hình sự tại Đại học Hiroshima Shudo, cho biết: “Ở Nhật Bản, các vụ nổ súng kiểu này cực kỳ hiếm, nhưng điều đó lại là lý do lại khiến kẻ ám sát ra tay dễ dàng đến vậy. An ninh rõ ràng là quá lỏng lẻo và vụ ám sát chắc chắn sẽ khiến giới chức Nhật Bản siết chặt an ninh hơn nữa, đặc biệt đối với những buổi diễn thuyết ngoài trời do nước này đang trong mùa bầu cử".
Video quay cảnh hiện trường trước khi ông Abe bị bắn cho thấy đám đông lớn vây quanh cựu thủ tướng ở khoảng cách gần, trong khi đội cận vệ của ông gồm những thành viên lực lượng Cảnh sát An ninh, thuộc Sở Cảnh sát Tokyo, chỉ có vài người.
Tuy nhiên, họ không có bất cứ động thái nào để đảm bảo khoảng cách giữa ông Abe và đám đông. Nghi phạm đã trà trộn vào đám đông, tiếp cận ông Abe ở khoảng cách 5 m trước khi ra tay.
Video tại hiện trường cho thấy sau khi Yamagami nổ phát súng đầu tiên, các cận vệ xung quanh ông Abe hầu như không có phản ứng. Trong lúc họ đang tìm cách xác định điều gì đang diễn ra, nghi phạm đã nổ phát súng thứ hai, khiến ông Abe gục xuống.
Masazumi Nakajima, một cựu thám tử cảnh sát Nhật Bản, cho rằng: “Bất kỳ ai cũng có thể đã bắn trúng ông ấy từ khoảng cách đó. "Tôi cảm thấy mức độ bảo vệ quá yếu".
Grant Newsham, một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ và là cựu quan chức ngoại giao trong Ban Thảo luận về Nghiên cứu Chiến lược của Nhật Bản, cho biết ông tin tưởng an ninh bảo vệ các chính trị gia cao cấp ở Nhật Bản sẽ được thắt chặt an toàn hơn đáng kể sau vụ ám sát.
Robert Ward, một thành viên cấp cao về Nghiên cứu An toàn Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu, có trụ sở tại London, cũng đồng tình với nhận định trên nhưng bổ sung: “Sự gần gũi với cử tri là nét văn hoá chính trị phổ biến trong các chiến dịch vận động tranh cử của Nhật Bản. Tôi đã tham gia các cuộc vận động tranh cử và tiếp xúc rất gần với công chúng. Có lẽ điều này sẽ phải thay đổi. Song nếu vậy, sẽ thật đáng tiếc”.