Trước đó không lâu, một người thân của bệnh nhân nữ trên vừa tử vong vì COVID-19. Lo lắng cho sức khỏe của mình, cô quyết định đến một bệnh viện ở Iran để thăm khám. Thông thường, bác sĩ sẽ không đồng ý chụp CT cho những trường hợp trên, song cô là ngoại lệ.
Chỉ hai ngày sau, người phụ nữ phải nhập viện để điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Trong ảnh chụp CT, lá phổi của cô lộ rõ dấu hiệu của “tổn thương kính mờ”, tức hiện tượng dịch tiết chiếm chỗ của không khí trong phế nang, thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Từ khi ca COVID-19 đầu tiên được công bố ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, các chuyên gia vẫn không ngừng tổng hợp và phân tích ảnh chụp CT của các bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới. Quá trình này giúp họ tìm hiểu sâu hơn về những triệu chứng điển hình và tổn thương mà virus SARS-CoV-2 gây ra cho lá phổi người, từ đó đưa ra phương pháp chẩn đoán và ngăn ngừa nhiễm virus nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bác sĩ Bahman Rasuli ở Tehran (Iran) là người chia sẻ kết quả CT của bệnh nhân nữ với trang web Radiopaedia.org tại Australia. “Bệnh nhân nhất quyết muốn chụp CT vì quá lo lắng”, ông nói. “Nếu ở Australia, có thể bác sĩ sẽ không đồng ý làm vậy, nhưng chúng tôi nhận ra bệnh nhân rất sợ bị nhiễm bệnh nên đành chụp CT để trấn an cô ấy”.
Theo bác sĩ Jeremy Jones tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia ở Edinburgh (Anh), có nhiều ca COVID-19 vô tình được phát hiện trong lúc chụp CT để phục vụ cho mục đích khác. “Một số bệnh nhân đến tìm chúng tôi vì bị đau bụng, nhưng kết quả CT bụng lại cho thấy dưới đáy phổi họ xuất hiện tổn thương do COVID-19”, ông nói.
Ngày 25/12, một người đàn ông 44 tuổi làm việc tại chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc), nơi được cho là nguồn gốc phát tán virus, đã đến bệnh viện khám vì có triệu chứng sốt cao và ho suốt gần hai tuần. Kết quả chụp CT và quét phổi chứng tỏ ông đã nhiễm loại virus nguy hiểm này, đáng sợ hơn là tổn thương ngày một lan rộng. Chỉ một tuần sau khi được chẩn đoán mắc viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp tính, người đàn ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Ảnh chụp CT phổi của một người phụ nữ 54 tuổi từng đến Vũ Hán cũng thể hiện những mảng trắng do nhiễm virus. Càng về sau, phổi của bà càng lộ rõ dấu hiệu bất thường, bệnh tình cũng ngày một trầm trọng. Bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng sốt hơn một tuần, ho khan, mệt mỏi và tức ngực. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà nhiễm COVID-19 nặng, buộc phải điều trị bằng oxy và kháng sinh.
Một người phụ nữ 45 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng mắc phải căn bệnh này sau khi trở về từ Nhật Bản với các triệu chứng sốt, ho và đau tức ngực. Khi scan phổi nữ bệnh nhân, bác sĩ phát hiện nhiều mảng trắng và dấu hào quang đảo ngược ở thùy trên của lá phổi bên trái.
Tạp chí Radiology vừa công bố kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 1.000 bệnh nhân, theo đó, chụp CT phần ngực hiệu quả hơn làm xét nghiệm trong việc phát hiện COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu. Qua đó, các nhà nghiên cứu kiến nghị cơ quan y tế nên dùng chụp CT làm phương pháp chủ yếu để sàng lọc bệnh nhân nhiễm virus.
Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York (Mỹ) là những nhân viên y tế đầu tiên ở nước này phân tích kết quả CT của các bệnh nhân COVID-19. Từ tháng trước, họ đã nghiên cứu và xác định dấu hiệu tổn thương trong phổi diễn biến theo từng giai đoạn thông qua kết quả CT của hàng loạt bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở Trung Quốc trong thời gian đại dịch lên đến đỉnh điểm.
Theo thời gian, tổn thương kính mờ trên phổi người nhiễm COVID-19 ngày càng rõ rệt và lan rộng, tương tự như các bệnh nhân mắc SARS hoặc MERS. Bác sĩ đã phát hiện dấu hiệu trên từ 25 bệnh nhân đã chụp CT trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.