34 trong số 44 bé gái sống tại trại tị nạn Seva Sankalp Samiti ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, đã bị cưỡng bức và hành hạ, Al Jazeera đưa tin. Nạn nhân lớn nhất 18 tuổi, trong khi em nhỏ nhất mới 7 tuổi. Nơi các em sống là một ngôi nhà tạm bợ dành cho những bé gái chạy trốn khỏi gia đình, hoặc được đưa về từ các nhà ga hay trên đường phố.
Các bé gái hôm 27/7 đưa ra lời khai tại phiên tòa đặc biệt liên quan tới Đạo luật Bảo vệ Trẻ em khỏi Tấn công Tình dục (POCSO) của Ấn Độ. Luật POCSO được sửa đổi hồi tháng 4, quy định những kẻ cưỡng bức trẻ em dưới 12 tuổi sẽ bị tử hình. Theo lời kể, các em bị lột quần áo, đánh bằng gậy và thắt lưng, thậm chí tiêm thuốc an thần để những kẻ cưỡng bức dễ hành động.
Sự việc được đưa ra ánh sáng nhờ một báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Tata công bố vào tháng 4, với sự đóng góp của 110 tổ chức phi chính phủ ở Bihar. Báo cáo đã phát hiện “các trường hợp bạo lực nghiêm trọng” tại trại tị nạn và đề nghị tiến hành điều tra khẩn cấp.
Trại tị nạn Seva Sankalp Samiti đã đóng cửa sau khi ít nhất 10 nghi phạm bị bắt, bao gồm Brajesh Thakur, người quản lý trại và được cho là chủ mưu vụ lạm dụng, nhưng ông phủ nhận các cáo buộc. Trong các nghi phạm thậm chí có một nhân viên bảo vệ trẻ em và một thành viên cơ quan phúc lợi xã hội của chính phủ, cảnh sát cho biết.
“Chúng tôi tự tin rằng có đủ bằng chứng để truy tố các tội phạm. Chúng tôi đã thu thập các báo cáo y tế chứng minh hành vi bạo lực tình dục và lời khai của các bé gái“, Harpreet Kaur, cảnh sát trưởng thành phố Muzaffarpur, nói. Nhóm bác sĩ từ Đại học Y tế Patna và bệnh viện thủ phủ bang xác nhận các bé gái bị lạm dụng sau khi kiểm tra y tế.
“Cấu trúc của ngôi nhà cho thấy có điều gì đó rất nghiêm trọng đang diễn ra tại đây“, Kaur đề cập tới tầng hai của trại tị nạn, nơi các bé gái sống, được thiết kế khá kín nhằm che giấu hành vi mờ ám. Cục Điều tra Trung ương, cơ quan điều tra hàng đầu của Ấn Độ, sẽ phụ trách trường hợp này.
Bị đánh, chuốc thuốc, cưỡng hiếp và dội nước sôi
Lời kể của những đứa trẻ tái hiện hoàn cảnh nghiệt ngã khi bị lạm dụng. Bé gái nhỏ nhất cho biết Thakur thường xuyên đánh em bằng roi. Một em khác, 10 tuổi, nói rằng khi thức dậy vào buổi sáng, em phải tìm quần áo của mình vương vãi trên sàn sau khi bị chuốc thuốc vào đêm hôm trước, đồng thời phản ánh về cơn đau giữa hai chân.
Nạn nhân khác chia sẻ em thường xuyên bị lột trần, đưa lên sân thượng và đánh bằng gậy. Có bé gái thậm chí bị kẻ lạm dụng dội nước sôi lên người để ép em uống loại thuốc gây buồn ngủ. Một nạn nhân từng cố kháng cự việc lạm dụng bị bỏ đói trong nhiều ngày, sau đó phải xin lỗi vì hành động của mình.
Hiện chưa rõ việc sự việc xảy ra khi nào và trong bao lâu, nhưng các bé gái nói rằng việc lạm dụng thường xuyên xảy ra suốt khoảng thời gian các em sống tại trại tị nạn, trong khi có em đã ở đây tới ba năm. Trong lúc quá tuyệt vọng, các bé gái đã tự rạch tay mình bằng mảnh kính.
Sĩ quan Kaur cho biết các em đang dần hồi phục và được chuyển tới những nhà chăm sóc khác nhau ở bang Bihar. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa tìm thấy gia đình của các em bởi một số tới từ Bihar, số khác lại tới từ bang Tây Bengal cách đó hơn 500 km.
“Tôi đã tới thăm các bé gái. Chúng bây giờ đều an toàn và không bị gục ngã về tinh thần”, Dilmani Mishra, chủ tịch ủy ban phụ nữ Bihar, cho biết. “Các em nói với tôi rằng chúng sẽ đi học, trở thành sĩ quan cấp cao và khiến những kẻ đó phải trả giá”.
Các nhà hoạt động cho biết tình trạng phạm tội ác với phụ nữ ở Ấn Độ ngày càng tăng, bất chấp những luật lệ nghiêm khắc được ban hành sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại một sinh viên ở New Delhi năm 2012, khiến dư luận quốc tế phẫn nộ.
“Những bé gái tưởng như tới được nơi an toàn, nhưng đó lại là nơi thiếu an toàn nhất. Không chỉ ở Bihar, có rất nhiều trại tị nạn là nơi hoành hành của nạn lạm dụng tình dục. Những đứa trẻ tại đây gần như bị giam lỏng và cưỡng bức bởi những người giám sát và tới thăm chúng, thậm chí có cả chính trị gia”, theo Ranjana Kumari, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội ở New Delhi.
Theo tổ chức phi chính phủ Quyền Trẻ em và Bạn, cứ 15 phút ở Ấn Độ lại có một đứa trẻ bị lạm dụng. Tội ác gây ra với trẻ vị thành niên đã tăng hơn 500% trong thập kỷ qua.
Năm 2016, cảnh sát Ấn Độ nhận được 38.947 báo cáo về hiếp dâm, cao hơn con số 35.000 vào năm 2015, theo số liệu của Cục Lưu trữ Tội phạm Quốc gia. Bộ Luật pháp và Công lý tuần trước tuyên bố đang hướng tới việc thành lập các tòa án khẩn cấp để đối phó với tình trạng cưỡng bức trẻ em.