Thị trấn nhỏ nằm dọc bờ sông Beas, phía bắc Ấn Độ là nơi tụ hợp của gần 8.000 tín đồ “đại sư” Gurinder Singh Dhillon, người đứng đầu giáo phái Radha Soami Satsang Beas. Tổ chức của Gurinder Singh Dhillon là một tổ chức tôn giáo độc lập, thu hút hơn 4 triệu tín đồ trên khắp thế giới, nhiều người còn coi vị “đại sư” này như là hiện thân của Chúa.
Gurinder kế thừa vị trí thủ lĩnh giáo phái Radha Soami Satsang Beas từ tay ông ngoại của mình, “giáo chủ” Gurinder cũng khá nổi tiếng ở bang Punjab. Có lần, nhiều nhà báo chứng kiến hơn 500.000 người tụ tập tại trụ sở của giáo phái để nghe Gurinder thuyết giảng về thiền, ăn chay cũng như lối sống đạo đức. Gurinder khẳng định những thói quen như trên sẽ giúp con người thoát khỏi vòng luân hồi và được tái sinh sau khi chết.
Thế nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau cái mác “giáo chủ” thì Dhillon chính là nguyên nhân chính dẫn đến một trong những cuộc sụp đổ lớn nhất trong lịch sử của nền kinh tế Ấn Độ, đó chính là việc lụi tàn của đế chế tài chính và y tế của hai anh em Malvinder (45 tuổi) và Shivinder Singh (43 tuổi), những người từng sở hữu khối tài sản khổng lồ được ước tính lên đến hơn 2 tỷ USD.
Anh em nhà Singh là những người thừa kế Ranbaxy Laboratories, vốn là công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ, do ông nội Bhai Mohan Singh sáng lập và được cha của hai anh em, tiến sĩ Parvinder Singh, người đã qua đời năm 1999 kế thừa và phát triển.
Trong một vài năm qua, công ty cổ phần của hai anh em Singh đã cho gia đình Dhillon và các doanh nghiệp của họ vay khoảng 25 tỷ rupee (362,7 triệu USD). Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tập đoàn của hai anh em ngày càng lún sâu vào “tử thần”.
Những khoản nợ kết xù, những khối tiền khổng lồ biến mất “không một dấu vết”, các cáo buộc gian lận,…tất cả đã và đang đẩy tập đoàn của anh em nhà Singh ngày một lụi tàn. Thậm chí cả hai anh em Malvinder và Shivinder Singh còn đánh mất đi cả dinh thự của gia đình, một trong những ngôi nhà được xem là sang trọng bậc nhất tại đất nước Ấn Độ.
“Giáo chủ” Dhillon là anh họ của mẹ hai anh em nhà Singh, chính vì thế nên cả hai đều xem ông như cha nuôi của mình sau khi người cha ruột đã qua đời. Cũng kể từ lúc đó, những tài sản của hai anh em cũng bắt đầu được “rót” cho Dhillon thông qua các khoản vay từ các công ty “ma” và những công cụ tài chính phức tạp.
Cả hai anh em Malvinder và Shivinder Singh không thừa nhận bất cứ cáo buộc nào liên quan đến việc Dhillon là nguyên nhân chính tạo ra những bê bối tài chính trong khoảng thời gian vừa qua. Họ chỉ xác nhận có mối quan hệ làm ăn với “giáo chủ” Dhillon và đang giải quyết với gia đình Dhillon về số tiền đã cho vay.
Với những bê bối liên quan đến tập đoàn, chuyển đổi giữa các công ty cộng với khoản vay “kếch xù”, rất khó để biết được con số chính xác mà “giáo chủ” Dhillon đã nợ con người “con nuôi” của mình.
Câu chuyện về sự tàn lụi của công ty Ranbaxy Laboratories và sự thất bại của hai anh em Malvinder và Shivinder Singh cho thấy mối quan hệ tình cảm và cá nhân của hai anh em nhà Singh đã khiến họ đưa ra các quyết định kinh doanh tệ hại, dẫn đến sự diệt vong của một trong những đế chế thành công nhất tại thương trường Ấn Độ.