Gần 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Neil Armstrong ghi tên mình vào lịch sử với danh hiệu người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng trên chuyến tàu Apollo 11.
Tuy tên tuổi của phi hành gia người Mỹ đã quá quen thuộc với chúng ta, song dám chắc bạn còn nhiều điều chưa biết về sứ mệnh Apollo 11 của NASA.
Bài viết này sẽ dẫn lối bạn khám phá từng chút một, từ những chiếc túi hình dáng kỳ lạ trên tàu đến lời hứa chân thành của Armstrong với người bà ngày đêm lo cho cháu, cùng rất nhiều câu chuyện khác đằng sau chuyến bay lịch sử này.
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm cột mốc đáng nhớ này (20/07/1969), hãy cùng vén bức màn che phủ 11 sự thật thú vị về Apollo 11 và các phi hành gia nhé!
1. Chữ ký là… bảo hiểm
Khi quyết định bước chân lên tàu Apollo 11, Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins không thể đảm bảo mình còn sống sót trở về bởi nhiệm vụ này có độ rủi ro rất cao.
Thế nhưng, thay vì mua bảo hiểm nhân thọ (nếu có, họ sẽ phải trả một khoản tiền kếch xù đấy!), các phi hành gia đã khéo léo vận dụng “kế hoạch B” mà mình tự nghĩ ra.
Trước ngày lên Mặt trăng, cả ba người đã cùng nhau ký vào hàng trăm phong bì khác nhau. Số thư này sẽ được chuyển đến tay người thân của họ vào những dịp quan trọng.
Vì nhóm phi hành gia lúc ấy đã vang danh khắp thế giới, nên phong thư kèm chữ ký sẽ được một người bạn giúp bảo quản và trao tận tay người nhà họ để thay thế hợp đồng bảo hiểm, nếu chẳng may họ không thể trở về.
“Trong tình huống xấu nhất, gia đình của các phi hành gia có thể bán những phong thư ấy đi để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, trả tiền học phí cho bọn trẻ và xoay sở nhiều việc khác”, nhà sử học vũ trụ Robert Pearlman nói.
May mắn thay, số chữ ký kia không có cơ hội phát huy tác dụng vì cả ba người đều đã bình an quay lại Trái đất.
2. Đi vệ sinh nhờ bao cao su và mặc tã
Toilet trên Mặt trăng là thứ có tìm đỏ mắt cũng không ra.
Armstrong, Aldrin và Collins còn chẳng được trải nghiệm toilet “sang chảnh” trên tàu Apollo 11 khi nó đang trên đường quay về quỹ đạo từ Florida, trước cặp mắt quan sát của hàng triệu người trên Trái đất.
Suốt 8 ngày ở không gian, bộ ba phi hành gia phải đi tiểu vào một dụng cụ trông như ống bịt kín, gồm một ống cao su cực kỳ giống bao cao su được nối với túi chứa nước tiểu và túi bọc ngoài.
Với thiết kế này, họ phải thay ống mỗi ngày nếu muốn giữ vệ sinh. Quá trình “đi nặng” còn kinh khủng hơn thế.
Báo cáo của NASA cho biết các phi hành gia phải sử dụng cách nguyên thủy nhất - tức là đính túi nhựa vào mông để chứa chất thải.
Sau khi “giải quyết” xong, họ phải niêm phong túi, nhào nặn và ép sao cho chúng chiếm diện tích nhỏ nhất có thể và cất giữ để mang về Trái đất.
Vì điều kiện vệ sinh trên mặt trăng rất hạn hẹp nên các phi hành gia phải mặc quần lót chống thấm nước. Cơ bản mà nói thì đó chính là tã lót.
3. Trang phục của họ do chuyên gia áo lót thiết kế
Khi đặt chân lên Mặt trăng, Armstrong đã mặc một bộ trang phục phi hành được thiết kế riêng, giá trị ước tính 100.000 USD lúc bấy giờ.
Song, ít ai biết được rằng quần áo của ông được tạo nên bởi bàn tay của các chuyên gia áo lót.
Sau khi International Latex Corporation thành công giành được vị trí thiết kế trang phục cho chuyến bay lịch sử, các thợ may đồ lót Playtex đã được giao nhiệm vụ quan trọng này.
Với nhóm thiết kế 100% nữ giới, độ chính xác là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Họ không cho phép bất cứ một sai lầm nào xảy ra trên trang phục của phi hành đoàn, kể cả lỗi khâu dài chỉ… 1/32 inch trên một trong 21 lớp vải may áo.
4. Lời hứa của Armstrong với người bà thân yêu
Trước ngày lên tàu, Armstrong cố xoa dịu nỗi bất an trong lòng người bà hiền hậu của mình.
Bà Caroline Korspeter cho biết cháu trai đã hứa sẽ không bước ra khỏi tàu nếu hoàn cảnh trên Mặt trăng có vẻ nguy hiểm.
Cụ bà 82 tuổi chia sẻ: “Tôi nghĩ chuyến đi sẽ tràn ngập nguy cơ, nên đã bảo Neil quan sát xung quanh và tuyệt đối đừng bước ra nếu không thấy an toàn. Thằng bé đã đồng ý”.
May là Armstrong không khiến bà phải lo lắng.
Khi đặt chân lên Mặt trăng, ông đã cảm thán: “Đây chỉ là một bước chân nhỏ, nhưng đã mang lại ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của nhân loại”. Ít lâu sau, ông bình an quay về Trái đất.
Phi hành gia huyền thoại qua đời vào tháng 08/2012, hưởng thọ 82 tuổi.
5. Máy vi tính của Apollo hoạt động còn kém hơn máy tính cầm tay!
Máy tính hướng dẫn Apollo (AGC) đóng vai trò quan trọng trong chuyến đổ bộ mặt trăng của Apollo 11, cung cấp giao diện để chỉ dẫn, điều hướng và điều khiển tàu vũ trụ.
Cuối thập niên 60, đây đã là một phát minh tân tiến bậc nhất. Tuy nhiên, “người khổng lồ” 30 kg này thực chất còn hoạt động yếu hơn cả một chiếc máy tính cầm tay!
So với hai loại máy tính phổ biến được các học sinh chuyên toán và khoa học sử dụng trong kỳ thi, tốc độ xử lý của AGC chậm hơn từ 140 đến 350 lần.
Hai mẫu máy này cũng có dung lượng RAM nhiều hơn hẳn.
Nhưng mặc cho cấu hình chậm chạp, AGC lại xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ khi không mảy may hỏng hóc lần nào trong suốt chuyến đi.
6. Để lại “quà” cho Mặt trăng
Armstrong và Aldrin đã tặng một món quà nho nhỏ cho hành tinh này trước khi trở lại Trái đất.
Hộp quà có cả một mảnh sillicon nhỏ, ngang ngửa kích cỡ một đồng xu 50 cent. Điều đặc biệt là “đồng xu” sillicon này chứa thông điệp hòa bình từ 73 nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới, kể cả Nữ hoàng.
Thông điệp của Nữ hoàng đã viết: “Thay mặt người dân Anh, tôi xin tán dương tài năng và lòng can đảm của những người đổ bộ lên Mặt trăng. Mong rằng nỗ lực quên mình của các bạn sẽ giúp mở mang tri thức và thúc đẩy lợi ích của nhân loại”.
Những món quà còn lại gồm có lá cờ nước Mỹ, một cành olive nhỏ và tấm biển đề: “Tại đây, những người Trái đất đã lần đầu bước chân lên Mặt trăng. Tháng 07/1969, AD. Chúng tôi đến với mục đích hòa bình”.
7. Và mang về thứ khác!
Phi hành đoàn kết thúc chuyến thăm Mặt trăng với một ít bụi, đá và nhiều mẫu vật khác. Những vật thể này đã được các nhà khoa học trên khắp thế giới nghiên cứu.
Và dĩ nhiên, họ mang về cả túi chất thải nữa.
Sau khi hạ cánh, Armstrong, Aldrin và Collins - những người trực tiếp điều khiển module chỉ huy bay trên quỹ đạo - lập tức được chuyển vào phòng kiểm tra.
Các nhà khoa học phải tiến hành xét nghiệm đến khi kết luận được rằng họ không mang theo mầm mống gây ảnh hưởng xấu hay ô nhiễm cho trái đất.
8. Họ được cứu nhờ một chiếc bút dạ
Suýt chút nữa phi hành đoàn trên Apollo 11 đã không còn cơ hội quay về vì một cần gạt điều khiển chủ chốt bị hỏng. May mắn thay, trong khoảnh khắc nguy ngập, họ tìm được một chiếc bút dạ trên tàu.
Trong quyển sách Titanic: Minute By Minute của Jonathan Mayo đã đề cập đến chi tiết cần gạt điều khiển động cơ bay lên bị gãy khi phi hành đoàn còn chưa kịp quay về.
Giữa lúc nguy cấp, Aldrin đột nhiên nảy ra ý tưởng dùng bút dạ để thay thế. Phương pháp táo bạo của ông đã giúp cả đoàn sống sót quay về.
9. Có thể bị bỏ lại trên Mặt trăng
Nếu hành trình không diễn ra theo kế hoạch đã định, các phi hành gia sẽ bị bỏ lại trên mặt trăng vĩnh viễn.
Họ thậm chí còn chuẩn bị một bài phát biểu với tựa đề “Thảm họa mang tên đổ bộ mặt trăng” cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, tức Richard Nixon, để phòng khi phi hành đoàn thực sự gặp nạn.
Nếu khả năng khủng khiếp này trở thành sự thật, Mission Control sẽ ngắt liên lạc với cả ba người, còn Nixon sẽ loan tin đến các đồng minh và người dân.
Ông hẳn sẽ diễn thuyết: “Những người đàn ông quả cảm, Neil Armstrong và Edwin Aldrin, biết rõ họ không còn cơ hội quay về Trái đất. Nhưng họ hiểu rằng sự hy sinh của mình sẽ mở đường cho hy vọng của toàn nhân loại”.
Bài phát biểu được Bill Safire - chuyên viên soạn thảo diễn văn của Nhà Trắng - chắp bút ngày 18/07/1969. May mắn lại mỉm cười một lần nữa khi chúng ta không bao giờ phải sử dụng nó.
10. Mặt trăng có mùi như thuốc súng
Có lẽ Armstrong chẳng mấy quan tâm đến mùi hương của Mặt trăng, nhưng các đồng nghiệp của ông thì ngược lại.
Harrison 'Jack' Schmitt, thành viên phi hành đoàn Apollo 17, đã so sánh mùi hương trên Mặt trăng giống với mùi thuốc súng đã qua sử dụng.
Anh khẳng định: “Không phải mùi kim loại hay thứ gì đó hăng nồng. Mùi thuốc súng là thứ in đậm hơn cả trong ký ức của tôi”.
Mùi hương kỳ lạ này có thể xuất hiện do phản ứng của màng mũi của các phi hành gia với bụi tích điện trên Mặt trăng.
11. Nhiều người nghi ngờ tính xác thực của Apollo 11!
Đến tận bây giờ, có nhiều người vẫn lắc đầu quầy quậy khi được hỏi liệu sứ mệnh lịch sử Apollo 11 có thực sự diễn ra không.
Năm 1976, bảy năm sau chuyến bay đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhân loại, một người đàn ông Mỹ tên là Bill Kaysing đã xuất bản quyển sách “tố” NASA dàn dựng sự kiện Apollo 11 trong studio.
Với quyển sách mang tên We Never Went to the Moon: America’s Thirty Billion Dollar Swindle (Tạm dịch: Đổ bộ mặt trăng: Phi vụ lừa đảo 30 tỷ USD), ông đã châm ngòi cho loạt thuyết âm mưu sâu xa về chuyến tàu thế kỷ này.
Kaysing đã qua đời năm 2005 ở tuổi 82. Trước đó, ông từng “bóc mẽ” hình ảnh thiếu ngôi sao, lá cờ “vẫy” theo hướng kỳ lạ và cái bóng xuất hiện ở góc thiếu logic và dùng chúng làm cơ sở cho lập luận của mình.
Dù lý thuyết trên đã bị vô số người bác bỏ, song gần đây có 1/6 người dân Anh đã bất ngờ tỏ ra đồng tình với lập luận: “Apollo 11 là một vụ dàn xếp”.