Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

10 bức ảnh khiến hàng triệu người phải 'câm nín' vì sức lan tỏa không tưởng

Đôi khi một hình ảnh có thể đem đến sức lan tỏa mạnh mẽ hơn hàng vạn câu chữ. Và những hình ảnh dưới đây đã chạm đến trái tim của hàng triệu người, tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn.

1. Con kền kền và bé gái

Ảnh: rarehistoricalphotos

Gục xuống đất giữa ban ngày, cô bé không còn đủ sức để đứng dậy. Bé gái chỉ là một trong nhiều người đang chết dần vì đói ở Nam Sudan. Một con kền kền đậu gần đó và chỉ chờ đợi nạn nhân gục ngã. Nó không dám tiến gần hơn vì phóng viên ảnh ở gần đó và bé gái vẫn còn thoi thóp.

Cô bé có thể đã đến được một trung tâm chăm sóc gần đó. Tuy nhiên bức ảnh cũng trở thành một ẩn dụ về “nỗi tuyệt vọng của châu Phi”. Mọi người đều biết người dân Sudan đang chịu cảnh đói khát, nhưng chỉ đến khi bức ảnh xuất hiện trên tờ New York Times năm 1993, nhiều người mới thực sự chú ý.

Hàng trăm người tự hỏi: Tại sao phóng viên ảnh Kevin Carter không giúp đứa trẻ? Ông ấy đuổi con kền kền đi nhưng cũng để đứa trẻ tự bò trong đau đớn. Không ai nhận ra rằng các phóng viên ảnh được nhắc nhở không tiếp xúc với các nạn nhân chết đói vì có thể lây lan bệnh tật ra cộng đồng. Một làn sóng buộc tội nhằm vào Carter. Nhưng hãy thử nghĩ xem, đó có phải nhiệm vụ của phóng viên ảnh hay không? Một năm sau khi chụp bức hình đầy ám ảnh, Carter tự tử.

2. Em bé Syria gục chết trên bờ biển

Ảnh: Nilufer Demir

Khi Nilufer Demir, người chụp bức ảnh, đi ngang qua chỗ Alan, em bé Syria, gục chết trên bờ biển, nó chỉ như thể cậu bé đang nằm ngủ vậy. Demir chụp những bức hình vì đó là cách duy nhất cô có thể làm để “diễn tả tiếng hét trong sợ hãi của thi thể lạnh ngắt”.

Alan là một cậu bé tị nạn Syria, nạn nhân của cuộc nội chiến cướp sinh mạng hàng trăm nghìn thường dân vô tội. Hàng triệu người khác trốn chạy khỏi đất nước và câu chuyện của gia đình Alan không khác gì họ. Cơ hội để đến với một đất nước an toàn chưa bao giờ là dễ dàng với người tị nạn Syria. Một phần vì họ không có nhiều mối quan hệ và phần còn lại là vì không có nhiều tiền.

Không ít lần gia đình Alan bị từ chối. Quá tuyệt vọng, họ dồn hết số tiền mình có cho những kẻ buôn người để có một suất trên chiếc thuyền phao lênh đênh trên biển.

Chiếc thuyền phao với gấp đôi trọng lượng cho phép chỉ chịu được vài phút. Nó lật úp và nhiều người tử nạn. Các thi thể trôi dạt vào bờ biển trong đó có Alan.

Bức ảnh của Demir lập tức trở thành hiện tượng và được chia sẻ khắp thế giới chỉ trong vài ngày. Nó được cho là một trong những bức ảnh có tiếng nói nhất về một cuộc nội chiến đang diễn ra mà không được quan tâm.

3. Bà mẹ tị nạn

Ảnh: Library Of Congress

Cuộc Đại suy thoái khiến nhiều người ở Mỹ phải vạ vật ngoài đường phố như người mẹ trong ảnh và những đứa con của cô. Bức ảnh suýt chút nữa không được xuất hiện nếu người chụp nó, Dorothea Lange, không chú tâm tới những cảnh lầm than mà cô vừa đi qua. Lange cho biết rằng có thứ gì đó như nam châm kéo cô lại.

Cô quay lại khu trại của người nghèo. Mùa màng thất thu khiến hàng ngàn người không có thức ăn và việc làm. Lange lại gần một trong số các gia đình ở đó. Gia đình của cặp vợ chồng này có tới 7 đứa con. Florence Owens Thompson, bà mẹ 32 tuổi, phải bán những chiếc lốp xe để mua thức ăn cho cả nhà. Họ ăn cả thịt chim do những đứa trẻ bắt được.

Gương mặt của Florence, với sự tuyệt vọng và đói khát, hướng về phía xa xăm. Nó cũng thể hiện sự tuyệt vọng do cuộc Đại suy thoái gây ra. Ngay sau khi bức ảnh “Bà mẹ tị nạn” được công bố, 9.100 kg thức ăn được gửi đến trại tị nạn này.

4. “Cầu thang thoát hiểm sụp đổ”

Ảnh: BBC

Stanley Forman, người chụp ảnh, nghĩ rằng mình đang ghi lại những bức ảnh của một buổi cứu hộ cháy nhà như thường lệ. Diana Bryant cùng con gái 2 tuổi Tiare đang chạy tới cầu thang thoát hiểm nơi có một lính cứu hỏa cũng đang tiếp cận để trợ giúp. Giữa lúc ấy, cầu thang đổ sập. Phóng viên ảnh tiếp tục công việc của mình và đã ghi lại cú rơi kinh hoàng.

Hai mẹ con chới với giữa không trung và gương mặt biểu cảm của cô bé 2 tuổi lộ rõ vẻ thất kinh. Forman quay đi trước khi 2 nạn nhân tiếp đất vì không muốn chứng kiến cảnh chết chóc ấy. Diana tử vong tại chỗ nhưng trước khi chết bà mẹ ấy kịp bao bọc con, khiến lực va chạm giảm đi rất nhiều. Con gái cô may mắn sống sót.

Phóng viên ảnh nhận giải thưởng danh giá Pulitzer với bức ảnh “Cầu thang thoát hiểm sụp đổ”. Sau sự kiện đó, sự an toàn của cầu thang thoát hiểm trở thành đề tài tranh luận trên khắp nước Mỹ. Nó khiến nhiều thành phố phải thay đổi hệ thống cầu thang thoát hiểm của mình.

5. Sadie Pfeifer

Ảnh: Time

Lewis Hine là một nhà xã hội học không ưa những việc xấu xa. Ông muốn vạch trần thực thế ác mộng của luật lao động trẻ em và việc chúng bị bóc lột thậm tệ hàng ngày. Lewis đi từ bang Massachusetts tới Bắc Carolina, chụp ảnh lũ trẻ trong nhà máy và trên đường phố. Để giữ bí mật, Lewis không ngại giả dạng làm người bán Kinh thánh hay bảo hiểm. Ông thường xuyên bị hăm dọa bằng bạo lực và thậm chí là dọa giết. Nhưng nhà xã hội học này vẫn không chùn bước.

Ông nhớ lại nhiều trường hợp trẻ bị ngược đãi. Nhiều trẻ em không được học hành và bị phạt vì không làm đủ chỉ tiêu. Số tiền công chúng được trả không đáng là bao so với việc điều khiển máy móc hạng nặng.

Bé gái trong bức ảnh là Sadie Pfeifer. Cô bé phải quản lý cả một chiếc máy dệt bông khổng lồ. Một số chỗ điều khiển quá cao buộc Sadie phải trèo lên để với tới. Bức ảnh về một bé gái mảnh khảnh vây quanh bởi những chiếc máy móc lạnh lẽo cùng với các tác phẩm khác giúp Lewis đưa sự thật về tình trạng bóc lột lao động trẻ em ra ánh sáng. Các tác phẩm này góp phần châm ngòi cho cuộc tranh luận về luật lao động trẻ em.

6. Bé gái Iraq ở trạm kiểm soát

Ảnh: Taringa

Hình ảnh bé gái 5 tuổi Samar Hassan với gương mặt rớm máu tại một trạm kiểm soát ở Iraq phản ánh một câu chuyện đáng lưu tâm. Samar cùng bố mẹ và anh trai đang trên đường về nhà từ bệnh viện thì bất ngờ lính Mỹ xả súng. Họ lo sợ chiếc xe chở những kẻ đánh bom liều chết nên quyết định tiêu diệt. Nhưng khi lại gần kiểm tra, lính Mỹ mới nhận ra trong xe chỉ là một gia đình vô tội.

Những thương vong dân sự kiểu này khá phổ biến trong suốt cuộc chiến tranh Iraq vì các binh sĩ được trao quyền tiêu diệt mọi phương tiện khi cần thiết để tự vệ. Năm 2005, phóng viên ảnh Chris Hondros quyết định công bố một số bức ảnh chạm đến trái tim của hàng triệu người dù ông được lệnh phải giấu kín.

Gương mặt của Samar đại diện cho nỗi đau của thường dân trong suốt cuộc chiến tranh Iraq. Bức ảnh cũng làm dấy lên sự hoài nghi về việc lính Mỹ tới Iraq để giúp đỡ. Khi nó đến được Lầu Năm Góc, các chính sách và trạm kiểm soát được thay đổi.

7. Cậu bé Do Thái giơ tay đầu hàng ở Warsaw

Ảnh: emory.edu

Cậu bé vô danh sống trong một khu dành cho người Do Thái ở Warsaw, Ba Lan - nơi đầy chết chóc và đói khát. Những người sống ở đây ít có hy vọng được sống sót hoặc giải cứu. Ngày 19/4/1943, họ đứng lên nổi dậy. Phát xít Đức đáp trả bằng xe tăng và súng phun lửa.

Sau đó, 56.000 người sống sót đối mặt với án tử hình hoặc bị chuyển tới các trại tập trung. Cậu bé khoảng hơn 10 tuổi giơ tay đầu hàng để được đưa tới các trại tập trung. Hình ảnh cậu bé cũng đại diện cho 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng vì chiến tranh.

Bức ảnh do thiếu tướng phát xít Đức Jurgen Stroop chụp lại như một bằng chứng thành công trong việc xóa bỏ các khu Do Thái. Nhưng thật không ngờ, nó lại phản chủ. Trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh, các bức ảnh được sử dụng làm bằng chứng chống lại Stroop. Y sau đó bị treo cổ bên ngoài Warsaw.

8. Em bé Napalm

Ảnh: Nick Ut/NPR

Nick Ut là chủ nhân bức ảnh “Em bé Napalm”, một trong những bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất trong nhiếp ảnh chiến tranh. Phóng viên chiến trường này chụp bức ảnh sau khi máy bay ném bom Mỹ rải thảm bom napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam gây thương vong lớn cho người dân, trong đó nhiều trẻ em bị bỏng nặng.

Bé gái trong ảnh cùng nhiều trẻ em khác chạy về phía Nick Ut. Quần áo của em bị cháy rụi bởi bom napalm, trong khi da bị phồng rộp vì bỏng. Hình ảnh chân thực ấy khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Nó lột tả sự tàn khốc của chiến tranh.

9. Kịch tính của sự sống trước khi được sinh ra

Ảnh: flavorwire.com

Đó là lần đầu tiên người ta thấy một bào thai đang phát triển. Nhiều câu chuyện huyễn hoặc về việc mang thai đã bị xua tan. Và người ta chỉ quan tâm là bằng các nào chụp ảnh được thai nhi như vậy. Khoảng 8 triệu bản sao do tạp chí Life đã bán hết ngay tức khắc.

Lennart Nilsson, nhiếp ảnh gia, dành 12 năm để tìm hiểu và ghi lại sự phát triển của bào thai trong quá trình mang bầu. Việc chụp ảnh một bào thai trong bụng mẹ từng được cho là bất khả thi. Dù vậy, Nilsson đã chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, nhiếp ảnh gia này cũng không thể ngờ ông đã tạo ra một khoảnh khắc của lịch sử. Tác phẩm của ông trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng nhất được các nhà phản đối việc phá thai sử dụng để bàn về vấn đề quyền được sống và quyền lựa chọn.

10. Ngày thứ Bảy đẫm máu

Ảnh: militaryhistorynow.com

Bức ảnh được chụp sau khi các máy bay ném bom của phát xít Nhật tấn công Thượng Hải vào giữa trưa ngày 28/8/1937. Bom được thả xuống một nhà ga xe lửa nơi người tị nạn Nhật Bản tập trung đông đúc.

H.S. Wong, người chụp bức ảnh, nhớ lại cảnh kinh hoàng khi người sống và người chết chật cứng ở nhà ga. “Giày của tôi thấm đẫm máu”, Wong kể lại. Nhiếp ảnh gia Trung Quốc trông thấy một đứa trẻ ngồi khóc bên cạnh thi thể người mẹ. Sau khi chụp ảnh, Wong bế đứa trẻ đi tìm sự giúp đỡ. Cuối cùng, người cha đã tìm được đứa bé.

Bức ảnh được báo chí Trung Quốc công bố và nhanh chóng lan ra nước ngoài. “Ngày thứ Bảy đẫm máu” lập tức thu hút sự chú ý của công chúng. Nó thể hiện sự tàn phá, cái chết và nỗi đau khổ mà chiến tranh reo rắc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết listverse

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giá vàng hôm nay (8/1): Tăng vọt