Giải Trí

Truyền hình thực tế học cách kiếm tiền từ Taylor Swift, tại sao không?

Thu Phương
Chia sẻ

Sẽ thế nào nếu ý tưởng làm giàu độc đáo của Taylor Swift được các nhà sản xuất truyền hình thực tế vận dụng vào cuộc chơi trên sân nhà của họ.

Từ câu chuyện làm giàu của nữ hoàng chiêu trò Taylor Swift

Không phải ngẫu nhiên mà Taylor Swift được gọi là cỗ máy kiếm tiền của làng nhạc thế giới. Trong khi các ca sĩ khác hầu như chỉ làm giàu nhờ bán album và concert tour thì Taylor đã tự mình tìm ra nhiều cách thức độc đáo để mở hầu bao khán giả. Một trong những “chiêu trò” mà chỉ cô nàng mới nghĩ ra đó là việc đăng kí bản quyền cho tựa đề và những câu hát trong ca khúc.

Mới đây, single mở đường Look What You Made Me Do trình làng và gây tiếng vang lớn. Nhưng chưa kịp ăn mừng thì người ta đã thấy Taylor tất tưởi đi đăng kí bản quyền tựa đề. Ngay cả câu hát The old Taylor can't come to the phone right now” gây sốt cũng không bị bỏ sót. Trước đó, vào thời điểm phát hành album 1989, Taylor cũng khiến không ít người choáng váng khi đăng ký bản quyền cho một loạt ca từ mà mình sáng tạo từ “Blank Space”, “Nice To Meet Ya, Where Ya Been?“… (lời trong bài Blank Space) đến Party like it's 1989″, “Cause We Never Go Out of Style” (lời bài hát Style).Việc làm này không chỉ để ngăn ngừa đạo nhái mà quan trọng hơn đó là những mỏ vàng giúp Taylor Swift thu về lợi nhuận tối đa mỗi lần phát hành album.

Theo TMZ, nữ ca sĩ sẽ sử dụng những ca từ do chính mình sáng tác và độc quyền sở hữu để in lên các vật dụng như áo phông, trang sức, sổ tay, túi xách, móng gảy đàn guitar hoặc bất cứ đồ vật gì có thể phục vụ cho nhu cầu của các fan. Ước tính món đồ đắt nhất mà Taylor bán ra là chiếc áo nỉ đen giá 75 USD có in câu hát của cô và món rẻ nhất là chiếc giá đỡ điện thoại giá 15 USD. Ở thời điểm hiện tại, các sản phẩm ăn theo album Reputation như áo phông, áo nỉ, mũ lưỡi trai và nhẫn hình con rắn (biểu tượng trong bài hát Look what you make me do) có mức giá trung bình dao động từ 45 - 60 USD.

Thực tế, việc đăng kí bản quyền để kinh doanh những món hàng “ăn theo” sản phẩm chính đã đem đến nguồn thu khổng lồ cho Taylor Swift. Theo thống kê của Toprichest, những nguồn thu chính của cô ca sĩ lắm chiêu đến từ công việc diễn xuất, bán nhạc, concert tour, Youtube, bất động sản và tiền bản quyền. Trong đó, tiền từ việc đăng kí bản quyền (118 triệu USD) là nguồn thu nhập lớn thứ hai chỉ sau concert tour (gần 420 triệu USD). Có khi tất cả các mảng miếng khác cộng lại cũng chỉ bằng số tiền bán sản phẩm ăn theo mà Taylor cá kiếm được.

Truyền hình thực tế cũng là một mỏ vàng nếu các NSX biết cách tận dụng

Phương thức kiếm tiền của Taylor Swift là chủ động tạo ra những sản phẩm “đánh trúng” tâm lý khán giả, có sức viral mạnh mẽ trên mạng xã hội, từ đó biến chúng thành những nguồn lợi nhuận độc quyền. Nếu Taylor Swift sử dụng gene trội về nghệ thuật và kinh doanh của mình để trở thành một nhà sản xuất chương trình thực tế thì chắc hẳn cô cũng sẽ thành công không thua kém gì khi làm ca sĩ.

Taylor chỉ bằng những tựa đề, câu từ trong ca khúc của mình mà có thể kiếm tiền thì cớ sao truyền hình thực tế và các lĩnh vực khác lại không thể? Với độ nổi tiếng và sức hút của chương trình, các nhà sản xuất The Face Thailand đã sớm nhận ra đây sẽ là một nguồn thu tiềm năng. Từ in áo Tshirt đến việc tạo ra các buổi fanmeeting cho các HLV và thí sinh hay tổ chức đêm chung kết như một concert âm nhạc để fan được thỏa sức cổ vũ thần tượng, tất cả đều là những chiêu thức giúp nhà sản xuất hái ra tiền.

Trung bình một chiếc áo phông có in tên từng HLV The Face có giá 350 baht (tầm 240 ngàn VND). Đây là mức giá dễ chịu, vừa vặn với túi tiền của tầng lớp học sinh, sinh viên, vốn là lực lượng khán giả chính của chương trình. Không chỉ thế, họ còn liên kết với các trang mua hàng trực tuyến nổi tiếng như Lazada, Pradith để giúp phân phối sản phấm hiệu quả hơn. Cách thức quảng bá chủ yếu thông qua mạng xã hội như facebook, instagram, Line. Các HLV và thí sinh được mời trở thành người mẫu luôn cho sản phẩm. Đây vừa là cách quảng bá chương trình thông minh vừa mở ra phương thức kiếm tiền mới bên cạnh những nguồn thu truyền thống từ quảng cáo hay sự tài trợ của nhãn hàng.

Lượng người đến xem chung kết The Face không thua kém gì lượng khán giả của concert các ca sĩ nổi tiếng.

Các fan dĩ nhiên rất hào hứng mở hầu bao để mua áo nhằm bày tỏ tình yêu với thần tượng

Sau màn mở đường thành công của The Face, The Face Men cũng học tập “đàn chị” phương thức kinh doanh đơn giản mà hiệu quả này. Những chiếc áo phông bán cho fan có thêm các hashtag như #Iamafighter (Tôi là một chiến binh), #Callmedaddy (Gọi tôi là bố yêu), #Itsnotmyproblem (Đây không phải là việc của tôi), #YouareTheFace (Bạn là The Face). Những cụm từ bắt tai này có thể coi là tuyên ngôn về cá tính của các vị HLV.

Cũng với chi tiết này, người ta có thể thấy NSX chương trình tinh ý cỡ nào trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả. Bởi lẽ các các chàng trai, cô gái tuổi teen không chỉ mua áo để bày tỏ tình yêu với thần tượng mà cũng cần phải thấy mình thật ngầu khi mặc nữa. Các sản phẩm ăn theo The Face Men như áo phông, mũ, túi xách được bán với mức giá dao động từ 250 - 450 bath. Hình ảnh những chàng trai ngực trần khoe body quảng cáo cho sản phẩm cũng là được coi là một “chiêu trò” để kích tích các “thượng đế” mở hầu bao.

Ở Việt Nam, The Face cũng là một mỏ vàng truyền thông với những nhân vật hot, những tình tiết có sức viral khủng. Nếu mùa đầu tiên, chương trình có cơn bão Mai Ngô với hình ảnh “không lông mày” thì mùa thứ hai lại xuất hiện biểu tượng truyền thông Hoàng Thùy với hashtag “Chè đậu đen”, Lan Khuê “tắc kè hoa” hay Minh Tú “mắt nâu môi trầm”. Đi cùng với các nhân vật vốn đã nóng 1000 độ là vô số câu chuyện kịch tính từ hậu trường lên sóng truyền hình làm bệ phóng giúp họ “tỏa nhiệt”. Lượng fan tăng chóng mặt, truyền thông tích cực săn đón, các nhãn hàng to nhỏ chào mới… Đó là các yếu tố bảo chứng cho thành công của một show thực tế và cũng chứng minh nó có còn có rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Hậu The Face, Hoàng Thùy có thể coi người tận dụng tốt nhất các hiệu ứng mà chương trình mang lại. Ngay khi cơn sốt “Chè đậu đen” bùng nổ trên mạng xã hội, fanclub của nàng mẫu Thanh Hóa đã kịp tung ra ngay “áo đồng phục” với biểu tượng là… một thìa chè đậu. Các câu ca dao, tục ngữ mà Hoàng Thùy nói trên sóng The Face cũng được tận dụng triệt để làm điểm nhấn cho sản phẩm ăn theo này. Bây giờ, nói đến Hoàng Thùy, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai biểu tượng độc đáo này, đó chính là thành công của cô. Tuy nhiên nhìn lại đây mới đây là hoạt động nâng tầm nhận diện cho nghệ sĩ chứ chưa hẳn là một phần của câu chuyện mà chúng ta đang bàn.

Kết

Nhìn xu thế phát triển của ngành giải trí Việt, có một điều không thể phủ nhận đó là truyền hình thực tế đang lên ngôi và dần “chiếm sóng” của nhiều loại hình khác. Truyền hình thực tế có các ngôi sao, có cỗ máy vận hành, quảng bá truyền thông, có những chất liệu thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhà sản xuất chỉ cần xây dựng chiến lược rõ ràng để biến những yếu tố trời cho đó thành nguồn tài nguyên kinh doanh màu mỡ. Nhưng có lẽ trước khi bàn đến chuyện đó, chúng ta vẫn phải làm tốt chuyện đang làm trước, nghĩa là tạo ra những chương trình chất lượng, có hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Cũng giống như Taylor Swift, trước khi “phát minh” đủ mọi chiêu thức kiếm tiền từ âm nhạc thì âm nhạc của cô cũng phải đáng nghe trước đã!

Chia sẻ

Bài viết

Thu Phương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất