“Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Đông Nhi mà dạy được ai?”
Kể từ khi công bố bộ tứ quyền lực The Voice - Giọng hát Việt 2017, câu nói được nghe nhiều nhất có lẽ là: “Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Đông Nhi mà dạy được ai?”. Ai không biết cứ tưởng Noo, Nhi, Tiên là những người ất ơ ở đâu trong làng giải trí, vừa mới vào nghề hôm qua mà hôm nay đã được giao cho trọng trách nặng nề không kham nổi. Cứ như họ ngồi vào ghế The Voice là một điều gì trái với lẽ thường, ảnh hưởng đến hòa bình thế giới hay đảo lộn mọi giá trị quan của người xem. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta có cần cần phủ nhận quyết liệt và rạch ròi đến mức ấy mới được gọi là một khán giả công tâm?
Đành rằng, ba nghệ sĩ trẻ so về mặt kinh nghiệm hay khả năng chuyên môn đều chẳng thể bằng “chị Đại” Thu Minh. So với các HLV mùa trước như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Phương, Hồng Nhung, họ dĩ nhiên vẫn còn non nớt. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải từ chối mọi cơ hội để trau dồi bản thân, để thử sức và phát triển mình lên. Có câu nói rằng: ”Nếu không trao cơ hội cho những người trẻ, bạn mãi mãi sẽ không biết họ có thể làm được gì, làm được đến đâu”. The Voice chính là một cơ hội được trao đi như thế…
Từ trước tới nay, những tranh cãi trái chiều từ phía người xem là một chuyện quá đỗi bình thường. Tuy nhiên, ranh giới giữa nêu quan điểm một cách công tâm và buông lời mạt sát đôi khi lại mỏng manh đến nỗi nhiều người chẳng thể nhìn ra. Chẳng ở đâu xa xôi, ngay như khi Miley Cyrus được chọn là HLV The Voice, cả nước Mỹ đã nháo nhào lên đòi truất ngôi ngôi cô nàng. Thậm chí Miley còn bị gọi là rác rưởi vì đã dám đứng ngang hàng với những tên tuổi kì cựu khác.
Mặc chỉ trích, Miley vẫn tự tin thể hiện cá tính.
Hay lùi về quá khứ một chút, Demi Lovato cũng là một trường hợp bị “tẩy chay” trước cả khi được ngồi ghế nóng X-Factor. Người ta chỉ trích Demi vì cô vốn xuất thân là một ca sĩ tuổi teen lại có quá khứ không mấy trong sáng. Ngay cả chuyện Demi từng phải đi điều trị tâm lý, thừa nhận mình sử dụng chất gây nghiện cũng bị đào xới lại: “Đúng là một quyết định sai lầm. Mỗi khi tôi nhìn thấy Demi, tôi chỉ mong cô ta đủ tỉnh táo là may lắm rồi”; “Cô ta sẽ đưa ra lời khuyên gì? Kể lể quãng thời gian đen tối à?”. Và rất nhiều những lời nói “có dao có kiếm” khác chỉ chực chờ moi móc những sai lầm đầu đời của một cô gái 19 tuổi.
Nhưng vậy thì đã sao, cô gái ấy vẫn “tỏa sáng” trên ghế nóng Xfactor những hai mùa liền.
Ở Việt Nam, một số cư dân mạng cũng đem chuyện Đông Nhi “trật từ vòng gửi xe” ở một cuộc thi hát xưa lắc, xưa lơ nào đó để mỉa mai cô. Tại sao chúng ta cứ phải chăm chăm nhìn vào cú ngã của người khác mà không xem họ đã học cách đứng dậy như thế nào, đi được bao xa? Đông Nhi của hiện tại sở dĩ thành công là vì cô không chấp nhận việc sống mãi với quá khứ. Nếu muốn đánh giá một người, xin hãy nhìn thẳng vào họ của hiện tại thay vì phán xét những chuyện xưa như cổ tích mà chẳng ai còn nhớ.
Chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm hay sức ảnh hưởng từ những người trẻ nhưng chúng ta có quyền đánh giá tinh thần cầu thị, sự nỗ lực của họ.
“Ai muốn đeo vương miện, hãy chịu được sức nặng của nó”.
Thực tế, đằng sau những phút giây tưởng như thành thơi trên ghế nóng, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên đã phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” để chứng tỏ mình xứng đáng với “chiếc vương miện” được trao. The Voice chỉ mới khởi động chặng đầu tiên nhưng có thể thấy, các HLV trẻ đã tỏ ra rất chuyên nghiệp và sáng tạo trong đường hướng chiến lược phát triển và quảng bá team mình. Từ những buổi chụp hình nhóm, chụp hình giới thiệu từng thí sinh đến các buổi livestream giới thiệu thành viên mới sau mỗi tập lên sóng đều được thực hiện rất bài bản.
Là một HLV trẻ nhưng Tóc Tiên đã có những chiến lược thông minh khi mượn sức mạnh từ các kênh truyền thông để đưa hình ảnh team mình đến gần với công chúng hơn.
Bên cạnh đó, còn là những câu chuyện nhỏ về lòng nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm. Như ngày 8/3 vừa qua, Noo Phước Thịnh lặng lẽ dành thời gian trong lịch trình bận rộn đến thăm người mẹ bị ung thư của thí sinh Ngọc Ny. Hay Tóc Tiên, người bấy lâu vẫn theo đuổi dòng nhạc dance đã dũng cảm thử sức với ballad vì muốn làm gương cho các học trò, rằng đừng bao giờ ngại vượt qua giới hạn của sự an toàn để khai phá bản thân. Chỉ những điều tưởng chừng đơn giản như vậy thôi là đủ để tôi, một khán giả, dành sự tôn trọng và đặt niềm tin ở họ.
Hành động của Noo Phước Thịnh tuy giản dị nhưng chạm đến trái tim của rất nhiều người.
Nhà sản xuất Mark Burnett của The Voice (Mỹ) từng nêu quan điểm, người mà ông muốn mời làm giám khảo trong chương trình của mình là những ngôi sao trẻ nhưng phải đáng tin cậy. Đó cũng là một cách nói khác về việc chúng ta cần trao đi những cơ hội nhưng vẫn phải nhìn ra ai xứng đáng có được cơ hội đó. Tôi tin Giọng hát Việt - The Voice năm nay liều lĩnh nhưng đã đi đúng hướng.
“The Voice ồn ào như cái chợ, chẳng có gì đáng xem”
The Voice ồn ào như cái chợ…
Có lẽ, khi nghĩ đến việc trẻ hóa dàn HLV, dụng ý của nhà sản xuất là nhằm mang đến một không khí tươi mới, thư giãn và tràn đầy sinh lực cho một chương trình đã trải qua ba mùa lên sóng. Về bản chất, The Voice vẫn là một show truyền hình thực tế nên bên cạnh yếu tố chuyên môn, chương trình phải đảm bảo tính giải trí, rating, sức hút đối với người xem… Ngoài ra, đặc sản của vòng Giấu mặt là những màn tranh giành thí sinh nên ồn ào cũng là điều ”tất lẽ dĩ ngẫu”.
The Voice năm nay vui nhưng chưa tới. Những “màn tung hứng” của bốn HLV The Voice còn hơi khớp. Cảm giác gượng gạo vẫn thấp thoáng ở đâu đó trong một vài khoảnh khắc. Những khoảng chênh về thế hệ, về kinh nghiệm cũng như truyền thống “trên kính dưới nhường” cũng là lí do khiến các HLV chưa thể “chiến” đến cùng.
Nhưng điều quan trọng nhất là vì họ e ngại trước những lời chỉ trích vô tội vạ của cư dân mạng. Tôi còn nhớ có một tình huống khá buồn cười trong vòng thi Giấu mặt, khi bốn chiếc ghế quay lại và nhìn thấy giọng ca phi giới tính Tùng Anh. Đông Nhi, Tóc Tiên nói vui là “nhường” cho chị Thu Minh, chỉ có chị mới đủ sức cầm cương một nhân tố khủng thế này. Trong khi đó Noo Phước Thinh kiên quyết tranh giành đến cùng vì cơ hội vẫn đang chia đều cho tất cả. Chuyện chỉ có vậy nhưng đến khi lên sóng thì cả Noo, Nhi, Tiên đều “dính đạn”. Nhi và Tiên bị buộc tội không làm tròn trách nhiệm của mình hay ghê gớm hơn là nghĩ mình là ai mà dám “nhường” Thu Minh. Ngược lại, Noo bị chỉ trích vì vô lễ với tiền bối, vì không biết lượng sức mình. Thế mới thấy, định kiến là một thứ đáng sợ vô cùng.
Chỉ một màn “khẩu chiến” vui vẻ và hóm hỉnh của các HLV cũng bị đem ra mổ xẻ, bàn tán theo chiều hướng tiêu cực. Vì sao vậy?
Nói các HLV ồn ào, nhưng ồn ào hay không thì còn tùy vào cách nhìn của người xem. Tùy xem chúng ta cho đó là một thứ gia vị để cuộc chơi thêm phần náo nhiệt hay là sự phiền phức, nhiễu nhương không đáng có…
Riêng tôi thì nghĩ rằng, sau một tuần làm việc căng thẳng, liệu ai còn muốn xem một chương trình âm nhạc mà các HLV và thí sinh đều cứng đơ như tượng gỗ, chỉ biết nói chuyện mô phạm, HLV nhận xét xong, thí sinh gục gặc đầu đi xuống. Cứ thế mà hết chương trình… Nếu bạn muốn xem một chương trình nghiêm túc, đúng chuẩn giáo dục, có lẽ bạn nên cầm chiếc remote và mở kênh VTV2!
Xin mượn câu nói của HLV Tóc Tiên để nói lời kết cho câu chuyện vốn không hồi kết này: “Hiền lành thì bảo giả tạo. Tăng động thì bảo lố lăng. Đơn giản thành ra nhạt nhòa. Khôn khéo lại kêu thâm hiểm”. Con người sở dĩ tiến bộ và trưởng thành lên là nhờ những lời động viên, góp ý chân thành chứ chẳng ai ưa những chỉ trích, châm chọc mà mượn danh nghĩa của sự thẳng thắn. Đây không chỉ là chuyện ở một show thực tế, mà trên đời này, phàm chuyện gì cũng vậy, đều cần lắm sự công tâm, vị tha, khoan hoà. Cần lắm những lời “roi vọt” văn minh chứ đừng là những “lời cay đắng”, đắng đó nhưng chỉ là hời hợt chót lưỡi đầu môi.
The Voice chẳng có gì đáng xem…
Có một số ý kiến cho rằng, cùng với việc thay đổi dàn HLV, The Voice đang bị thương mại hóa, đang mất dần đi tính nhân văn, khiến nó trở thành “cái thùng rỗng” chẳng chứa giá trị gì nhiều nhặn bên trong. Điều đó liệu có đúng?
Thế nhưng bạn ơi, bạn đã xem trọn những phần thi năm nay? Bạn đã xem phần trình diễn của hai cha con người Ê Đê? Người cha chỉ biết làm nương rẫy, chỉ biết cúi mình giữa những cánh đồng nắng cháy, nhưng vì giấc mơ ca hát của tuổi trẻ, vì đam mê của con gái, đã cùng nắm tay con bước lên hát khúc hát về núi rừng quê hương, bằng thứ tiếng của chính quê hương mình. Bạn đã xem phần thi của cô gái hát tặng cho người mẹ đang nằm liệt trên giường bệnh vì căn bệnh ung thư quái ác? Rồi câu chuyện về chàng trai hát rong nghèo lần đầu dũng cảm bước lên sân khấu lớn. Câu chuyện về cô gái và nỗ lực giảm cân phi thường để theo đuổi giấc mơ làm ca sĩ… Vô vàn những câu chuyện nhỏ khác, về những con người bình thường trở nên phi thường khi họ được sống với đam mê của chính họ. Nếu đó không phải là ý nghĩa thực sự của The Voice - Giọng hát Việt, nếu đó không là những điều đẹp đẽ xứng đáng để chúng ta trân trọng và cảm nhận. Thì nó sẽ là gì? Theo bạn…
Có thể Ngọc Ny sẽ rất nhớ những khoảnh khắc ấm áp này dù kết quả tại cuộc thi có ra sao
Phần trình diễn về mẹ đầy cảm động của Ngọc Ny chẳng lẽ chưa đủ sức rung động trái tim bạn?
Lời kết:
Đã trải qua ba mùa nên The Voice năm nay chắc chắn sẽ không thể “bùng nổ” bằng mùa đầu tiên. Và có lẽ vẫn còn đâu đó những điều chưa trọn vẹn. Về sự thay đổi những gương mặt trên ghế nóng, thiết nghĩ là cần thiết nhưng nên đặt để nó ở một mức độ vừa phải, dễ chấp nhận hơn với khán giả. Có lẽ chỉ cần một hoặc hai gương mặt trẻ để cân xứng với những tên tuổi kì cựu về tuổi đời, tuổi nghề. Và thế là chúng ta có một mùa The Voice vừa mới mẻ, vừa đảm bảo tính chuyên môn mà vẫn không quá chênh phô, khập khiễng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng The Voice năm nay không phải là một cuộc “đổi ngôi” thế hệ gì cao xa mà đơn giản chỉ là sự thử nghiệm. Không thử nghiệm sao biết cái gì sẽ hay, cái gì sẽ dở, ai phù hợp, ai thì không. Nếu thấy năm nay không hay bạn vẫn hoàn toàn có thể hi vọng mùa tiếp theo The Voice sẽ quay lại với style cũ gồm những cái tên quyền lực trong làng nhạc như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Thu Phương, Hồng Nhung. Nhưng trong một diễn biến khác, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần nếu như năm sau, Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên sẽ đồng hành cùng nhau trên ghế nóng. Không gì là không thể xảy ra trong các show thực tế. Và thế cho nên sự thay đổi mới là thứ luôn khiến chúng ta phải tò mò…