Từng sợ hãi âm nhạc vì quá đam mê!
Bùi Công Nam năm nay 23 tuổi, là một người khá trầm tính và lặng lẽ. Có lẽ bởi vậy mà âm nhạc của Nam cũng nhẹ nhàng và đầy tự sự như chính con người anh. Nhưng ai có dịp ngồi nghe Công Nam kể về âm nhạc, chắc chắn sẽ cảm nhận được ngọn lửa đam mê lúc nào cũng hừng hực trong Nam.
Công Nam sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Mê Thuột. 18 tuổi, Nam 1 mình “khăn gói” vào Sài Gòn học tập ngành Điện tử của trường Đại học Công Nghiệp. Đó là mong muốn của ba mẹ, còn anh thì muốn theo đuổi nghệ thuật. Nam vẫn còn chút buồn khi nhắc lại quãng thời gian đó, ba mẹ bảo “Học nghệ thuật thì tương lai sau này sẽ rất mong manh. Cứ học (ngành điện tử) đi, rồi tính tiếp”. Nam nghe lời ba mẹ, cứ học đã…
Năm đầu tiên vào Sài Gòn, một cuộc sống hoàn toàn mới mở ra. Trường học, bạn bè, cả nhịp sống nhộn nhịp nơi phố thị… dù ở đâu Nam vẫn tìm một không gian âm nhạc cho riêng mình. Hồi ấy mê hát, thấy mấy bạn trong trường chơi guitar, Nam cũng xin tham gia cùng vì Nam cũng có khiếu chơi đàn. Dần dần Nam cũng lập một nhóm nhạc acoustic, xin hát ở mấy quán café…
Nam tự nhận mình không có ngoại hình, lại là “lính mới” trong thị trường âm nhạc nên việc đi xin hát sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nên việc có một nhóm nhạc thế này thì việc đi hát sẽ thuận lợi hơn. Năm đầu tiên đi hát, Nam nghĩ đơn giản chỉ hát cho vui, và cũng để cải thiện khả năng ca hát và sáng tác của mình. Còn kiếm tiền nhờ ca hát thì không. Và cứ như thế, Sài Gòn có quán café âm nhạc nào, nhóm nhạc của Nam lại xin “được hát” ở đó…
Năm 2, rồi năm 3 Đại học, lịch học chuyên ngành Điện tử bên trường ngày càng dày đặc. Sáng sớm đi học, khuya về hát, rồi bài vở trên trường khiến Nam trở nên bận rộn và cảm thấy mệt mỏi. Không còn thời gian đi hát và nghĩ đến âm nhạc. Thời gian đó Nam có cảm giác như bị tự kỷ với chính bản thân mình. Nam sợ âm nhạc, Nam chỉ ước hồi nhỏ ba mẹ sinh ra không đam mê ca hát để giờ phải khó xử như vậy!
Bùi Công Nam biểu diễn Ông bà anh.
Tình thôi xót xa - Bùi Công Nam
…và ca khúc Chuyện chàng cô đơn.
Cuối cùng, Nam nghĩ không có gì thỏa mãn được anh bằng cách sống theo đam mê của mình. Anh lựa chọn dừng lại và bảo lưu ngành học tại trường Đại học Công nghiệp. Nam tập trung ôn thi một lần nữa và anh đỗ vào trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Chỉ đến khi đậu vào trường Quân đội, Nam mới dám gọi về cho mẹ thông báo đã nghỉ học trường Công nghiệp và đậu trường Nghệ thuật rồi. Mẹ khóc. Nam biết là vì mẹ thương Nam, nên Nam đang cố gắng học và làm việc thật tốt để không phụ lòng ba mẹ và gia đình.
Nam viết “Nghe này ai ơi” cho một chàng trai…
Nam chia sẻ rằng anh không có duyên với các cuộc thi âm nhạc nhưng với Sing My Song thì khác. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một chương trình dành cho những người muốn hát lên sáng tác của mình. Nam nghĩ về thời cấp 3 hí hoáy tập tành sáng tác, Nam nghĩ về những đêm đi hát trở về nhà viết lên những giai điệu, tâm tư… những ca khúc ấy sẽ được được chính mình thể hiện trên một sân khấu lớn. Và Sing My Song mang đến cho anh một trải nghiệm mới trên con đường âm nhạc.
Bùi Công Nam trình diễn Nghe này ai ơi trên sân khấu Sing My Song.
Trong số rất nhiều bài hát của mình, Nam chọn Nghe này ai ơi để đem lên sân khấu của Sing my song. Nam viết ngay ca khúc này sau khi xem một bộ phim Hàn Quốc nói về tình yêu của một chàng trai nhưng bị sự ngăn cấm từ gia đình người yêu. Bài hát là những tâm tư nhớ thương của một chàng trai bị bỏ rơi gửi đển người mình yêu, và những lời gửi gắm của chàng trai chuyển đến người sẽ chung sống với người mình yêu sau này. “Hãy dành sự yêu thương cho cô ấy” - đó là lời nhắn nhủ của anh.
“Ai ơi nghe này. Khi ai bên cạnh người…” - Chữ “ai” ấy vang lên từ câu đầu tiên của bài vô cùng thân thương nhưng cũng rất đàn ông. Bằng cảm xúc từ sâu đáy lòng, chàng trai đã gửi lại sự trân trọng và yêu thương của mình cho một người khác…
Trước Nghe này ai ơi, Nam từng có ý định mang Tỏ tình, một bài hát có giai điệu vui tươi và cao trào hơn của Nam đến với khán giả Sing My Song nhưng anh quyết định chọn “bài hát hay nhất” với bản thân mình là Nghe này ai ơi vì nó giống với con người mình nhất: Gần gũi, nhẹ nhàng.
Chính điều ấy đã khiến nhận được sự đồng cảm từ nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong khi chọn Nam về đội của mình: “Em phải nhớ cú gạt cần này và sẽ làm 3 HLV kia phải hối hận”. Câu nói ấy đã truyền động lực rất nhiều cho Nam.
“…May mắn nhất chính là được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong”
Trong câu chuyện, Công Nam cũng nói nhiều về Nguyễn Hải Phong. Nam từng nghĩ mình nếu có cơ hội sẽ lựa chọn về đội anh Đức Trí bởi dòng nhạc của anh Trí thì lãng mạn hợp với Nam, còn nhạc anh Phong thì sôi động và pha điện tử… Nhưng rồi, ở thời điểm hiện tại lại chính anh Phong lại hoàn toàn thuyết phục Công Nam.
Từng tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong trong một chương trình âm nhạc, ấn tượng ban đầu của Nam về anh Hải Phong là sự nghiêm túc trong công việc. Nhưng sau đó, anh lại là một người bạn, làm cho Nam cảm thấy thoải mái bởi những câu nói hóm hỉnh của anh Phong trước giờ diễn. Nam cảm thấy trên con đường định hướng âm nhạc của mình, may mắn nhất chính là được gặp nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Nhạc sĩ của ca khúc Ba kể con nghe đã “kể” cho anh và những thí sinh trong đội câu chuyện âm nhạc của mình, truyền cảm hứng và dạy cho các bạn những kiến thức âm nhạc vô cùng giá trị. Nguyễn Hải Phong luôn nghiêm túc và anh mong mọi người tâm huyết với công việc làm nghệ thuật của mình.
Công Nam thấy mình học được nhiều điều mà trước giờ không hề hay biết, để cảm thấy nếu có phải ra về tại sân chơi Sing My Song thì cũng không hề thấy buồn vì đã may mắn học được kiến thức âm nhạc từ “thầy giáo” Nguyễn Hải Phong.