Giải Trí

Asia's Next Top Model - 'Ao làng' hay chương trình tầm cỡ chuộng kết cục bất ngờ?

Ngọc Tâm
Chia sẻ

Thành công là thế, liệu Asia's Next Top Model có đáng bị đánh giá là một cuộc thi ao làng?

Ngoại trừ kết quả chung cuộc với việc cô gái luôn bị đánh giá thấp lại bỗng nhiên bước lên ngôi vị cao nhất thì Asia's Next Top Model 2017 vẫn được xem là mùa giải chất lượng khi có được những thành công nhất định về danh tiếng, độ phủ sóng và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Asia's Next Top Model chỉ là một cuộc thi “ao làng”, không xứng đáng nhận được sự tung hô, và tin tưởng của khán giả. Nhìn lại 5 mùa giải đã qua, liệu Asia's Next Top Model có phải là một sân chơi “ao làng”?

Nadya Hutagalung, Georgina Wilson và Cindy Bishop thay nhau trở thành “chủ nhà” quyền lực trong 5 mùa của Asia's Next Top Model.

Luôn cố gắng chào mừng tất cả các ứng cử viên 

Asia's Next Top Model đã trải chặng đường 5 năm từ khi lên sóng tập đầu tiên vào tháng 11 năm 2012. Luôn bị mỉa mai bằng tên gọi “Singapore's Next Top Model” bởi có đến 4/5 mùa tổ chức tại đảo quốc Sư tử cũng như việc Singapore không có phiên bản Next Top Model cho riêng mình. Tuy nhiên, việc casting và chọn các thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho các quốc gia từ khắp các khu vực Đông Á, Băc Á, Đông Nam Á thậm chí là Nam Á có lẽ cũng phần nào đáp ứng đủ tầm cỡ “Asia” và thương hiệu mang tính quốc tế mà cuộc thi hướng đến.

Không chỉ quy tụ các đại diện đến từ những quốc gia phát triển về thời trang và nghề người mẫu như Philipines, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan,…

… AsNTM còn có sự xuất hiện của các thí sinh đến từ những “'làng mẫu” xa lạ như Nepal, Myanma, Ấn Độ hay Mông Cổ.

Hơn nữa, mặc kệ quyền lợi là nước chủ nhà, các thí sinh Singapore đôi khi vẫn sở hữu thành tích “nhạt toẹt” ở AsNTM chứ không hề được thiên vị, ưu tiên theo kiểu một cuộc thi “ao làng”. Nếu Aimee Cheng “quẫy đạp” hết mình cũng chỉ giành được giải 3 ở mùa 3 thì ở mùa 5 Angie Watkins lọt vào Top 5 mùa 4, đại diện Kyla Tan bị loại ngay tập 1 mùa 1. Ngay trong mùa 5 vừa qua, Layla Ong “nghỉ chơi” ở Top 11 còn cô nàng Nametha dù về nhì tuần vẫn bị loại thẳng tay vì vi phạm hợp đồng.

Nước chủ nhà vẫn có những đại diện đem về thành tích nhạt nhòa. Thậm chí, Nametha còn bị loại thẳng tay vì… dùng wifi.

Quy tụ nhiều tên tuổi chuyên môn cùng đồng hành

Qua 5 mùa giải, hàng ghế giám khảo của “ao làng” Asia's Next Top Model đã quy tụ hàng loạt ngôi sao, tên tuổi lớn trong làng thời trang châu Á. Ngoài 3 ngôi sao Nadya Hutagalung, Georgina WilsonCindy Bishop thay nhau trở thành “chủ nhà” quyền lực, AsNTM còn có sự góp mặt của “bố già làng thời trang Singapore” Daniel Boey, nhà thiết kế lừng danh Alex Perry, mentor Kelly Tandiono, Cara G. McIlroy cùng sự xuất hiện nhiều ngôi sao châu Á khác như nhóm nhạc Icona Pop, hoa hậu hoàn vũ Pia Wurtzbach, “chị đại” Lukkade Mentinee,… ở hàng ghế giám khảo khách mời.

Chưa kể, “lò luyện” AsNTM còn “chiêu mộ” được cả “thánh catwalk” Adam Williams của Australia’s Next Top Model, “hung thần” làng nhiếp ảnh Yu Tsai và cả “mẹ đẻ” Tyra Banks đến từ America's Next Top Model để đào tạo và đánh giá các thí sinh. Liệu có nên gọi AsNTM là “ao làng” khi rõ ràng “rường cột” làm nên chương trình đều là những ngôi sao tầm cỡ của “đại dương” thời trang quốc tế?

Siêu mẫu Tyra Banks từng xuất hiện trên ghế nóng AsNTM mùa 1.

Có tiếng có cả “miếng” 

Nói đến tính chất đẳng cấp hay “ao làng” của một cuộc thi chắc chắn phải bàn đến giải thưởng như một cơ hội tỏa sáng, một bàn đạp thăng tiến trong sự nghiệp dành cho người chiến thắng. Bên cạnh giải thưởng tiền mặt, quán quân AsNTM sẽ được ký tên vào bản hợp đồng cùng công ty quản lý người mẫu hàng đầu châu Âu - Storm Model, xuất hiện trên trang bìa Happer Bazaar/Nylon, trở thành gương mặt đại diện thương hiệu cho Canon/TRESemé, chưa kể vô số hợp đồng đại diện cho các nhãn hàng trong suốt mùa giải. Với bấy nhiêu giải thưởng giá trị và cơ hội “béo bở”, liệu AsNTM có đáng bị gắn mác “ao làng”?

4 quán quân “ao làng” đường hoàng trên trang bìa Happer Bazaar.

STORM Model là công ty quản lý người mẫu hàng đầu châu Âu có trụ sở tại London và được thành lập từ năm 1987.

Không chỉ là “lò đào tạo” hàng loạt người mẫu danh giá,…

… và là công ty chủ quản làm nên thành công của cả Emma Watson, Liu Wen, Michael Bublé lẫn siêu mẫu hàng đầu thế giới Kate Moss.

Từ “bàn đạp” vững chắc Asia's Next Top Model, đã có rất nhiều người mẫu đã và đang tỏa sáng trong thị trường thời trang quốc tế. Ngoài thành công vượt trội của 2 quán quân Sheena Liam (mùa 2), Ayu Gani (mùa 3) thì Stephanie Retuya (á quân mùa 1), Kim Sang In (á quân mùa 4), hay Barbara Katsuki (Top 4 mùa 3), Jessica Lam (Top 9 mùa 4) đều có bước tiến dài trong sự nghiệp sau AsNTM.

Thành công của các quán quân AsNTM là điều không cần bàn cãi.

Bên cạnh nền tảng về kỹ năng và kinh nghiệm, AsNTM tất nhiên còn giúp các thí sinh có được danh tiếng để thu hút chú ý từ các nhà thiết kế, nhà sản xuất, nhãn hàng, tạp chí cũng như lượng fan “khủng” trên mạng xã hội từ khắp các quốc gia. Với tất cả cơ hội được mở ra để đưa các người mẫu tiềm năng bước lên tầm siêu mẫu như thế, công chúng còn đòi hỏi gì ở Asia's Next Top Model nữa đây?

Những “kẻ thua cuộc” như Thùy Trang, Barbara Katsuki, Stephanie Retuya, Kim Sang In đều có bước tiến dài trong sự nghiệp.

Việc đăng quang đầy bất ngờ của Maureen…

… đã từng xảy ra với Tawan ở mùa 4.

Đâu chỉ riêng Maureen mà cả Tawan và quán quân mùa 2 Sheena Liam cũng từng là thí sinh “bét bảng” trước thềm chung kết đấy thôi!

Và một mùa thứ 5 đáng nhớ với khán giả Việt 

“Sân chơi” Asia's Next Top Model 5 mùa qua cũng đã chào đón 5 thí sinh đến từ Việt Nam. Thùy Trang và Celine Dương đầy tiềm năng nhưng thiếu may mắn và cơ hội để thể hiện bản thân. Trong khi Phan Như Thảo xinh đẹp nhưng nhạt nhòa thì Mai Ngô lại quá cá tính dẫn đến bị loại vì thái độ “chưa phù hợp”. Có lẽ “ao làng” AsNTM đã “làm khó” những ứng cử viên tiềm năng của chúng ta dù trước và sau cuộc thi, sự nghiệp người mẫu của họ vẫn có nhiều điểm nhấn.

Không thể tiến xa nhưng chính AsNTM là “bệ phóng” cho tên tuổi và sự nghiệp của cả Thùy Trang, Mai Ngô, Celine Dương và Phan Như Thảo.

Chỉ riêng Minh Tú, dù là “Thánh xỉu”, “Thánh SCO” nhưng lại đem lại niềm cảm hứng, sự kỳ vọng cho khán giả hâm mộ Việt Nam. AsNTM đã bồi đắp cho Minh Tú biết bao bài học quý giá: biết lắng nghe, kiên trì, can đảm trải nghiệm và thậm chí là kiểm soát sự quyến rũ “thương hiệu” của mình. Nhìn cách Minh Tú “múa ballet” tung váy khi bị treo lơ lửng, catwalk trên tòa nhà cao thẳng đứng, trình diễn “phong cách áo dài” với trang phục của Daniel Boey hay cách Minh Tú chăm sóc Cindy, quan tâm Layla, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào khả năng và bản lĩnh của cô tại sân chơi mới - The Face - Gương mặt thương hiệu.

Vị trí Á quân của Minh Tú là thành quả của một quá trình dài nỗ lực bất chấp mọi khó khăn…

… và tất nhiên, vô cùng đáng tự hào.

Tất nhiên, Asia's Next Top Model vẫn luôn có những điều đáng “bàn cãi” để đôi khi lại bị gắn mác “ao làng” như “dìm hàng” nhiều tài năng, lựa chọn ảnh đánh giá thiếu thuyết phục, chú trọng vào tính thương mại hơn thời trang cao cấp. Thế nhưng, AsNTM vẫn là một trong những phiên bản Next Top Model nổi bật nhất, vẫn hoàn thành mục tiêu đào tạo và mang đến vô số cơ hội tỏa sáng cho các người mẫu trẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Tâm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất