Ống hút nhựa có phải là kẻ thù thật sự của hành tinh này?

Quốc Anh
Chia sẻ

Người người nhà nhà cùng nhau tham gia phong trào tẩy chay nhựa để trả lại môi trường trong sạch cho hành tinh, hàng loạt sản phẩm thay thế được đưa vào sử dụng. Sau tất cả, hành tinh của chúng ta có được cứu rỗi?

Sống xanh giảm nhựa đang trở thành xu hướng mới trên toàn cầu. Ai cũng muốn mình dẫn đầu xu thế, hoặc ít nhất là không bị lỗi thời khi mọi người xung quanh ai cũng hưởng ứng phong trào. Đâu đâu, người ta cũng giương cao những tấm biển kêu gọi trả lại sự sạch đẹp của Trái Đất.

Để biến từ hô hào thành hành động, người ta nhắm thẳng đến nhựa là thứ cần triệt bỏ trước tiên trong cuộc vận động này. Những nhà hàng, quán cà phê bắt đầu chiều lòng các thượng đế bằng cách tìm ra sản phẩm thay thế ống hút nhựa, đảm bảo làm sao vẫn giữ được nguyên trải nghiệm nhưng vẫn cứu rỗi được hành tinh.

Tại sao nhựa mà rõ hơn ở đây là ống hút nhựa, cốc nhựa, đồ dùng nhựa lại bị đem lên “đoạn đầu đài”? Nhựa, trước tiên là một loại vật liệu cực kỳ khó phân hủy khiến thế giới ngày càng ngập ngụa trong đống rác chất chồng qua từng ngày; tiếp đó, ống hút nhựa là sản phẩm tiện dụng được dùng hàng triệu lần mỗi ngày, và đó cũng là số lần chúng được ném ra tự nhiên sau vài phút ngắn ngủi của cuộc đời.

Nhưng có thật sự chúng ta sẽ làm vui lòng mẹ thiên nhiên khi ngừng sử dụng ống hút nhựa mà thay vào đó là những chiếc ống hút giấy?

Ống hút nhựa thật sự gây hại…

Thủ đô Washington D.C. của Mỹ không chỉ là nơi đầu tiên ống hút được cấp bằng sở hữu trí tuệ, từ đó lan rộng phát minh này ra cả thế giới, mà còn là nơi thứ hai tại Hoa Kỳ cấm sử dụng ống hút nhựa vì lo ngại tác động tiêu cực đến môi trường.

Rõ ràng, người ta chỉ sử dụng ống hút nhựa trong khoảng thời gian trung bình là 3 phút, rồi lại vứt chúng đi và để chúng sống tự do trong môi trường đến hàng chục hay thậm chí là hàng trăm năm. Ước tính có khoảng 5 triệu ống hút được vứt bỏ mỗi ngày chỉ tính riêng tại Mỹ và hơn một nửa trong số chúng chỉ được sử dụng một lần trong vài phút.

Ấn Độ tạo ra hơn 2,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi ngày nhưng phần lớn chúng không được thu gom và tái chế. Ảnh: Reuters.

Liên Hiệp Quốc cũng thực hiện một cuộc điều tra trên quy mô lớn và công bố những con số rùng mình: 500 tỷ túi nhựa được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới, 33 tỷ tấn nhựa mới sản xuất sẽ xuất hiện trên hành tinh này trong 30 năm tiếp theo.

Theo dự đoán trong báo cáo năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tính đến năm 2050 rác thải nhựa sẽ còn nhiều hơn cả cá bơi trong đại dương. Cũng theo một nghiên cứu khác, tổng cộng đã có 275 triệu tấn rác thải nhựa được đổ xuống biển từ trước đến nay, tức là khoảng 8 triệu tấn mỗi năm, tương đương với việc cứ một phút lại có một xe chở rác đổ chất thải xuống biển.

Hai cha con đang chèo ghe qua một con sông được phủ đầy bề mặt bởi rác thải, họ đồng thời cũng đang làm công việc thường ngày của mình đó chính là thu lượm số rác thải này và bán lại cho các cơ sở tái chế trong vùng. Ảnh: Noah Cellis/Stringer.

Những con số biết nói khiến chính quyền tại các thành phố lớn trên nhiều quốc gia trên thế giới ngay lập tức ra lệnh cấm sản phẩm nhựa dùng một lần, từ Canada, Anh Quốc đến Đài Loan hay Mỹ; nhiều nơi thậm chí không đợi doanh nghiệp tìm biện pháp thay thế mà áp ngay lệnh cấm.

Starbucks, McDonald’s và nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng bắt đầu tính đến chuyện sống xanh cùng cộng đồng. Các hãng F&B này cho biết sẽ sớm chấm dứt sử dụng ống hút nhựa trên toàn bộ chuỗi cửa hàng của mình, sớm nhất là vào năm 2020.

McDonald's, Starbucks và nhiều thương hiệu lớn trong ngành ăn uống cho biết sẽ chấm dứt sử dụng ống hút nhựa trong năm sau. Ảnh: The Australian.

Đó là những điều có lẽ ai trong chúng ta cũng rõ được, nhưng có một vài điều khác mà không phải ai cũng biết. Thực tế, ống hút nhựa chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng số rác thải nhựa được đổ ra biển. “Ống hút nhựa chỉ là phần nhỏ của một vấn đề rất lớn”, Jim Leape, đồng giám đốc tại Trung tâm Giải pháp Đại dương Stanford cho biết.

…nhưng ống hút giấy không chắc chắn tốt hơn

Ống hút giấy ra đời vào cuối những năm 1980 với mục đích thay thế ống hút cỏ rơm được sử dụng trước đó. Bên trong những chiếc ống hút giấy đầu tiên, người ta tráng một lớp nhựa Axit Polylatic (PLA) để đảm bảo tính chống thấm nước cho nó. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là những chiếc ống hút nhựa được sử dụng đại trà ngày nay chính là bản nâng cấp của ống hút giấy tráng PLA dạo đó.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, nhựa trở thành vật liệu được ưa dùng, người ta chế tạo mọi thứ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày từ nhựa và ống hút cũng thế. Ống hút nhựa được sản xuất với số lượng lớn khiến giá thành hạ thấp và tạo nên một chuỗi cung ứng không thể phá bỏ trong ngày một ngày hai.

Một quán đồ uống phục vụ ống hút giấy cho khách hàng sử dụng. Ảnh: Justin Sullvian/Reuters.

Phần lớn ống nhựa không được tái chế mà được ném thẳng xuống biển, nhưng vẫn còn một phần nhỏ chúng được đưa vào nhà máy xử lý và tiếp tục được sống thêm một lần nữa. Trong khi đó, ống hút giấy không thể phân hủy sinh học cũng không thể tái chế.

Khác với ống nhựa, những chiếc ống giấy sau khi tiếp xúc với thức uống sẽ hấp thụ thành phần có trong đồ uống vào bên trong cấu tạo của chúng, bột giấy sẽ lẫn với các phân tử thực phẩm và trở nên không thể tái chế được, buộc lòng phải đem đến khu vực riêng để xử lý và tiêu hủy.

Minh họa quảng cáo cho ống hút giấy vào năm 1889.

“Trong thực tế, ống hút giấy rất khó để tái chế. Khi nhúng vào thực phẩm, chúng sẽ hòa thành một hợp chất chỉ có thể tách rời ở cấp độ phân tử. Điều này khiến ống hút giấy không thể tái chế như cách người ta vẫn làm với ống hút nhựa, buộc lòng phải đem đi đốt để tiêu hủy”, John Cumbers, cây bút chuyên viết về môi trường cho tờ Forbes, cho biết.

Tương tự đối với ly giấy, ống hút giấy cũng khiến trải nghiệm của người dùng khi thưởng thức các món nước bị giảm đi, bởi lẽ chỉ trong một thời gian ngắn từ khi ghim vào nước, chúng sẽ bị rã và làm thay đổi mùi vị của món đồ uống. Bột giấy cũng bị rã thành bã và hòa vào ngụm nước trong miệng của người uống.

McDonald's vừa triển khai thay đổi ống hút nhựa thành giấy trong một thời gian thử nghiệm, nhưng nhận được phần lớn là phản hồi tiêu cực vì trải nghiệm người dùng không được bảo đảm. Ảnh: Yahoo AU.

Ngoài ra, ống hút giấy hiện tại chỉ là một sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với ống hút nhựa, vì thế để một chiếc ống hút giấy đến được tay người sử dụng ở thời điểm này là cả một chặng đường dài và tốn kém gấp nhiều lần so với ống hút nhựa.

“Để tạo ra ống hút giấy, chúng ta cần trồng cây để lấy gỗ làm giấy, tiếp đến là quá trình vận chuyển vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thậm chí nhiều nơi bọc ống hút giấy trong một túi nhựa. Vì quy mô sản xuất chưa đủ lớn, một chiếc ống giấy hiện tại tốn ít nhất là 5 lần chi phí để sản xuất ra so với ống nhựa”, ông John Cumbers cho biết thêm.

Những sản phẩm thay thế ống hút nhựa

Không phải ngẫu nhiên mà ống hút nhựa được sử dụng phổ biến trong suốt 130 năm qua. Với quy mô sản xuất khổng lồ trên toàn cầu, những chiếc ống hút nhựa được tạo ra với chi phí siêu thấp, giúp người tiêu dùng có thể sở hữu được chúng với giá thành siêu rẻ.

Ống hút nhựa cũng đảm bảo được tính vệ sinh khi không bị thấm và hòa tan thực phẩm, ai cũng có thể dùng riêng từng ống nên không sợ nguy cơ bị lây bệnh qua tuyến nước bọt. Cuối cùng đó là tính tiện dụng bởi chúng không chỉ nhỏ gọn mà còn giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc ăn uống.

Ống hút giấy là nhân tố sáng nhất trong những vật liệu có thể thay thế được ống hút nhựa. Ảnh: QZ.

Để thay thế được ống hút nhựa, các ứng cử viên không chỉ không gây ô nhiễm môi trường, mà còn phải phát huy được tính rẻ-sạch-tiện của ống hút nhựa. Ngoài ống giấy, chúng ta còn có ống hút kim loại, ống hút tre hay rơm, cỏ.

Ống hút kim loại sạch - điều dĩ nhiên ai cũng thấy nhưng nó không tiện và cũng không rẻ. Nếu xem xét kỹ, ống hút kim loại có thể gây hại cho trẻ nhỏ vì chúng quá cứng, loại ống này cũng sẽ không sạch nếu không được vệ sinh kỹ. Tại các hàng quán, khó có thể đảm bảo được nhân viên sẽ lau chùi ống hút inox kỹ khi nó có kích thước nhỏ và khó lau chùi.

Ống hút kim loại dù có nhiều điểm sáng có thể thay thế được ống hút nhựa, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều bất tiện. Ảnh: DHgate.

Tiếp theo, ống hút tre là một ứng viên khác được nhiều người đề cử, nhưng không khó để thấy chúng không sạch vì gỗ tre thấm hút nước, khó hong khô và gây bốc mùi khi bị ẩm ướt. Mặt tích cực duy nhất chính là chúng được làm từ nguyên liệu tự nhiên, dễ dàng phân hủy sinh học.

Ống hút thủy tinh thì dễ vỡ, không những không đem lại tiện lợi mà còn tiềm tàng nguy hiểm cho người sử dụng. Ống hút cỏ có thể nhẹ, gọn, tiện, rẻ nhưng quá khó khăn để làm sạch khi loại vật liệu này được lấy từ mặt đất, nơi tiềm tàng nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Câu chuyện kinh doanh từ những sản phẩm gắn mác xanh

Khi người người nhà nhà cùng nhau từ chối sử dụng ống hút nhựa, thì đây cũng là một chiêu giúp thúc đẩy việc kinh doanh hiệu quả. Nhiều thương hiệu nắm bắt được xu hướng của người dùng, đã tung ra các chương trình khuyến mãi nhắm vào thói quen sống xanh giảm nhựa này.

Phần lớn người dùng quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của các chương trình khuyến mãi, trong khi doanh nghiệp thì chú tâm nhiều hơn đến các con số tăng trưởng sau mỗi chiến dịch được tung ra. Sau tất cả, ống hút nhựa chưa chiếm đến 1% tổng lượng rác thải, việc thay ống nhựa bằng ống giấy suy cho cùng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến vấn đề to lớn ở ngoài kia.

Vậy ống giấy, ống inox, ống tre, ống gạo hay ống cỏ mới là biện pháp thật sự hữu hiệu để cải thiện tình hình? Dù không chứa nhựa, bất cứ hoạt động sản xuất để tạo ra ống hút bằng bất kỳ vật liệu nào cũng đã tác động đến môi trường, những chương trình kích cầu mua hàng như thế chẳng khác nào cấp phép cho người dùng tàn phá môi trường bằng một cách hợp tình hợp lý hơn.

Để trả lời cho câu hỏi bên trên, cách tốt nhất đó chính là không sử dụng ống hút dù là loại nào khi không cần thiết. Vốn dĩ ống hút nhựa sinh ra là để giúp cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, chúng không phải là kẻ thù duy nhất của Trái Đất này mà chính thói quen sai trái của chúng ta mới khiến nó trở nên ác độc như thế.

Chia sẻ

Bài viết

Quốc Anh

Tin mới nhất