Trang phục sau khi ly hôn của người nổi tiếng luôn là chủ đề nóng trên các mặt báo. Giờ đây, ly dị đã trở thành một xu hướng thời trang phổ biến trong cộng đồng nữ giới nói chung.
Trong dịp trọng đại, chắc hẳn tất cả các cô dâu chú rể đều không ngại dành hết thời gian và tiền bạc để tạo ra một buổi lễ đáng nhớ. Nói đến thời trang ngày cưới, chiếc váy cưới chính là điểm nhấn quan trọng nhất, được quan tâm nhất. Ngành công nghiệp sản xuất trang phục cô dâu được ước tính trị giá 73 tỷ USD, rõ ràng những chiếc váy lộng lẫy này có sức ảnh hưởng rất lớn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, hầu hết các mẫu váy cưới đều không đủ sức truyền cảm hứng cho thời trang ngoài lĩnh vực dành cho cô dâu vì chúng đều nói về cùng một thông điệp là sự cam kết trong hôn nhân. Mặt khác, trang phục, trang sức của một người vừa ly hôn lại có nhiều điểm thú vị hơn để mổ xẻ. Đó là lý do tại sao thị trường thời trang ly dị đang ngày càng phát triển và nhận được sự ưu ái lớn từ các thương hiệu cao cấp.
Trước khi có “Đạo luật Nguyên nhân hôn nhân của Anh” năm 1857, chỉ những người đàn ông cực kỳ giàu có mới có thể nộp đơn ly hôn. Các cặp đôi chỉ được chính thức chia tay khi nhận được giấy xác nhận do Quốc hội cấp. Tất nhiên, thủ tục chia tay cực kỳ tốn kém và chỉ dành cho nam giới. Quy định mới cho phép phụ nữ chủ động ly hôn nếu chứng minh được chồng của họ ngoại tình, hành hạ, loạn luân, cưỡng bức.
Nếu là một fan hâm mộ của “The Crown”, bạn có thể nhận ra bộ quy tắc này ở đoạn phim Eileen Parker tìm cách ly dị người chồng ngoại tình Mike Parker của cô. Chi tiết đó gây ra khá nhiều chấn động cả trong chương trình và ngoài đời thực, bởi vì lúc đó ông Parker là thư ký riêng của Hoàng tử Phillip, Công tước xứ Edinburgh. Về mặt thời trang, điểm đáng chú ý là Chloe Pirrie (diễn viên đóng vai Eileen) hầu như chỉ mặc quần trong tập phim cô vật lộn với cuộc chiến ly dị. Nhà thiết kế trang phục Amy Roberts cố ý lựa chọn như vậy để thể hiện thái độ kiên quyết, độc lập của Parker. Trong phân cảnh đó, các nhân vật nữ khác đều được mặc váy để càng làm nổi bật hơn sự mạnh mẽ của cô. Những chiếc quần còn mang ý nghĩa cô là phụ nữ nhưng phải đóng vai trò như một người đàn ông trong nhà. Cô phải nuôi dạy con cái, chăm nom nhà cửa, làm việc vất vả trong khi người chồng lại vui vẻ cặp kè với những tình nhân ở London và nước ngoài.
Năm 1969, “Đạo luật Cải cách Ly hôn” của Vương quốc Anh được thông qua, cho phép phụ nữ được quyền ly hôn vì những lý do ngoài lạm dụng thể chất, mất trí hoặc không chung thủy với người bạn đời của họ. Với luật mới, các cặp vợ chồng có thể chia tay một cách hợp pháp sau khi ly thân hai năm hoặc năm năm dù chỉ một bên đồng ý. Cũng trong năm đó, Thống đốc Ronald Reagan ký “Đạo luật Gia đình năm 1969” biến California trở thành tiểu bang có luật “ly hôn không lỗi lầm” đầu tiên ở Hoa Kỳ. Nói một cách đơn giản, bộ luật này cho phép các cặp đôi chia tay mà không cần phải chứng minh, biện minh cho bất cứ lỗi lầm hay sự thay đổi nào trong mối quan hệ của họ.
Vụ ly hôn huyền thoại của Thái tử Charles với Công nương Diana xảy ra theo tiền lệ này vào năm 1992. Họ trải qua nhiều năm sống xa nhau, lướt qua nhau trong cung điện như những người lạ. Cuộc hôn nhân của họ nổi tiếng là không hạnh phúc nhưng Công nương Diana vẫn không có ý định ly hôn với chồng. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì họ vẫn phải chia tay. Công nương đã mặc một chiếc váy đen hở vai, ngắn trên đầu gối cực kỳ táo bạo so với quy định hoàng gia sau khi chính thức ly hôn. Nó chính là "chiếc váy báo thù" trứ danh trong văn hóa đại chúng.
Trên thực tế, chiếc váy không nổi tiếng vì thiết kế hở hang mà vì thời điểm xuất hiện của nó. Tháng 6 năm 1994, Diana xuất hiện trước công chúng tại một bữa tiệc do Vanity Fair tổ chức, cùng lúc đó thì bộ phim tài liệu về những lời kể của Thái tử Charles được công chiếu trên truyền hình khắp đất nước. Nhờ bộ phim tài liệu này mà người dân thông cảm hơn cho tình cảnh của Thái tử Charles. Nhưng thật không may, bộ phim đã phản tác dụng hoàn toàn khi Charles được hỏi liệu ông có “trung thành và danh dự” với người vợ lúc đó của mình là Diana hay không trong một bài phỏng vấn. Lúc đầu, ông trả lời "có", nhưng lại tiếp tục nói "cho đến khi nó bị phá vỡ không thể cứu vãn được, cả hai chúng tôi đều đã cố gắng". Lời thú nhận tuyệt vời này là tất cả những gì công chúng cần để tiếp tục khinh thường Thái tử.
Vào năm 1996, vụ “White v. White” mang tính bước ngoặt đã thiết lập một tiền lệ mới về việc phân chia tài sản gia đình. Người nội trợ (tức phụ nữ) phải được công nhận là người đóng góp bình đẳng và được phân chia tài chính công bằng trong mối quan hệ vợ chồng. Điều này xảy ra không lâu sau vụ ly hôn khét tiếng của Marilyn Monroe với cầu thủ Joe DiMaggio (của Yankees). Họ chia tay khi mới kết hôn được 247 ngày vì Monroe buộc tội chồng khiến sức khỏe tinh thần của cô rệu rã và kiệt quệ. Những gì Monroe mặc vào ngày hôm đó - một chiếc váy đen bó sát, một chiếc áo khoác satin đen quyến rũ, kết hợp với ngọc trai và găng tay lụa trắng - thu hút nhiều sự chú ý hơn chính cuộc điều trần. Chiếc váy nhỏ màu đen của cô có phần trước là khóa kéo dài, được cho là quá táo bạo và là một vụ bê bối lớn vào thời điểm đó (vì chỉ cần kéo một đường khóa là lộ hết cơ thể). Nữ diễn viên chọn chiếc váy này vì muốn gửi thông điệp "tôi đã độc thân và sẵn sàng hòa nhập" với thế giới tự do ngoài kia. Năm 2019, chiếc váy được bán đấu giá với giá khởi điểm 20.000 USD, kết thúc với 100.000 USD.
Năm ngoái, Mary-Kate Olsen tuyên bố ly hôn với chủ ngân hàng người Pháp Olivier Sarkozy vì lý do tương tự như Monroe. Ảnh chụp màn hình của phiên điều trần bị rò rỉ từ các phóng viên tòa án khiến cư dân mạng đứng ngồi không yên. Trong đó, Olsen mặc một chiếc áo cổ lọ màu đen phản ánh gu thẩm mỹ trang nhã và tinh giản giống với nhãn hiệu thời trang của mình. Khuôn miệng của Olsen lúc nào cũng như đang cười, còn mái tóc lòa xòa xơ xác của cô thì rõ ràng là của một người đang chán nản, hai hình ảnh đối lập này được đặt cạnh nhau đã tạo điều kiện cho hàng loạt meme ra đời. Cư dân mạng cho rằng Olsen cười hạnh phúc vì cuối cùng cũng ly hôn thành công.
Những người theo dõi mối quan hệ Kardashian-West đều biết Kanye West chính là nhà tạo mẫu của Kim. Từ khi ly hôn vào tháng 2 năm 2021, Kim Kardashian đã tự mình “chặt đẹp” các sự kiện thảm đỏ và những lần xuất hiện trên đường phố. Cuộc sống độc thân đã tác động rất nhiều lên gu thời trang của Kim. Giờ cô thích thử nghiệm với màu sắc rực rỡ, thích các món phụ kiện độc đáo, thích khoác lên mình những mảnh thời trang khác lạ để thể hiện triệt để cái tôi cá nhân.
Sau khi ly hôn, phụ nữ có xu hướng tự trao thưởng cho cuộc sống tự do bằng những món trang sức mới, những chiếc váy mới. Jean-Christophe Babin, CEO của Bulgari cho biết: “So với 20 năm trước thì bây giờ người ta ít kết hôn hơn. Thị trường đồ cưới không phải là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành trang sức. Những mất mát này sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng ngày càng phổ biến của các cuộc ly hôn và tái hôn”. Thời trang ly dị không mang ý nghĩa phản ánh sự đau buồn mà là lời tuyên ngôn về sự tự do, tính độc lập, sự lột xác của người phụ nữ. Gaia Repossi, giám đốc sáng tạo và nghệ thuật của hãng trang sức Ý Repossi, cho rằng các thương hiệu trang sức và thời trang nên điều chỉnh lại định vị và thực hiện chiến lược rộng lớn hơn để thu hút những vị khách tự mua sắm cho bản thân.
Xem thêm: Lan Ngọc - Từng lạc lối trong mặc cảm tự ti về chính mình.