Mới đây, khi tung ra dòng sản phẩm mới, lấy ý tưởng về văn hoá Việt cùng slogan “Tự hào về miền Trung: hoa trong đá”, một thương hiệu giày trong nước khá nổi tiếng đã ngay lập tức bị "tố" là dùng vải, với hoạ tiết Trung Quốc để sản xuất.
Được biết, bài post là từ Facebooker La Quốc Bảo - một người nghiên cứu, khá am hiểu về cổ vật trong nước, hiện thông tin đang được nhiều tín đồ thời trang quan tâm.
Nguyên văn bài đăng cùng phân tích, so sánh hoạ tiết sản phẩm:
“Tự hào về miền Trung: hoa trong đá” hay “Tự hào về miền Trung Hoa trong đá”?
Được biết ***** gần đây có nhiều chiến dịch quảng bá văn hoá Việt Nam lên giày một cách bài bản đầu tư - là hành động tôn vinh bản sắc rất đáng trân trọng, được biết mỗi đơn hàng giày này sẽ được trích ra 100.000 cho quỹ Tài năng trẻ miền Trung.
Tuy nhiên, cái sai cũng cần phải được nêu ra để sửa chữa, đây tôi xin nói về BST mới của ***** là blooming central hợp tác cùng Việt Max.
Giữa nhiều đánh giá về thiết kế khiên cưỡng, gồng gánh quá nhiều yếu tố không mấy hoà hợp thì ***** lại phạm thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa.
Đó là tuyên truyền “Cảm hứng miền Trung” và “Được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu và tốn nhiều công sức sản xuất” thì lại sử dụng loại gấm rẻ tiền có sẵn của Trung Quốc, mà ở đây là gấm sợi nylon “hải thuỷ giang nhai 海水江崖” Hàng Châu rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp, và bán nhiều nhất trên những trang mua bán nước ngoài.
Loại gấm này vốn là thiết kế “mì ăn liền”, dệt máy jacquard với chất lượng trung bình và độ bền thấp. Giá thành cao nhất khoảng 90k/m hoặc mua sỉ là 30-50k/m nhưng độ nhận diện rất cao, chỉ cần nhìn vào đã biết ngay hàng Tung Của.
Hình dáng mây, thủy ba cột thủy (hoa văn sóng nước) lẫn cách phối màu hoàn toàn không có nét nào liên quan đến mỹ thuật cung đình Việt Nam, mà nếu xét về miền Trung, chính là nhà Nguyễn.
Việc thiết kế lòng hộp giày là con Long Mã nhà Nguyễn cũng đã ngụ ý ***** cho rằng hoa văn trên gấm này là “bản sắc Việt Nam”? Nếu vậy, tôi cho rằng ***** đã phạm “cultural appropriation” hay “đánh cắp văn hoá”.
Dẫu có là thiết kế mới gần đây đi nữa, vẫn là sáng tạo của người Trung Quốc, được lấy cảm hứng từ bào phục triều Thanh nước họ...
Việt Nam có rất nhiều cơ sở sản xuất lụa và gấm trải dài từ Bắc và Nam, ***** hoàn toàn có thể hợp tác với họ cho ra những thước vải “nội địa” và tự tin dõng dạc “đầu tư sáng tạo”, chứ không phải dùng gấm đại trà Tung Của về rồi dán mác “cảm hứng miền Trung” bán cho người Việt thế này.
Tôi hi vọng đội ngũ thương hiệu sẽ đọc được và có một lời giải thích thoả đáng cũng như khắc phục cho những lần collab tiếp theo. T
hương hiệu cũng như các nhãn hàng thời trang nên nhớ rằng, làm kinh doanh từ văn hoá nên đi từ nội dung và chiều sâu, chứ không phải từ bề nổi hình thức".
Trao đổi với Lâm Á Luân - một nhà minh hoạ thời trang, thiết kế hoạ tiết cho nhiều NTK Việt hiện tại, anh cho hay:
"Tôi không trả lời trong câu chuyện hiện tại, ai đúng hay sai mà cái tôi nghĩ là khi làm một thiết kế với câu chuyện về Việt Nam, hoạ tiết mang âm hưởng dân tộc thì ngay từ đầu, thương hiệu nên tìm đến những làng nghề dệt, thêu truyền thống để đặt hàng, thiết kế hoa văn cho riêng mình.
Việc này vừa kích cầu kinh tế, vừa chắc chắn được chất liệu của mình đến từ đâu, đồng thời tạo ra hình ảnh riêng, câu chuyện thương hiệu cá nhân, không bị lẫn lộn với nhiều sản phẩm khác bên ngoài đang dùng kiểu hoa văn tương tự".