Công ty tư vấn Bain & Company cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng xa xỉ bất chấp các hạn chế đi lại vì đại dịch.
Theo báo cáo của Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân ở Trung Quốc đã tăng 36%, tương đương 471 tỷ nhân dân tệ (73,59 tỷ USD) vào năm 2021 so với năm 2020. Con số này cao hơn gấp đôi so với 234 tỷ nhân dân tệ chi tiêu cho hàng xa xỉ ở đại lục vào năm 2019 (trước đại dịch).
Trên thực tế, doanh số bán lẻ các mặt hàng nói chung ở Trung Quốc đều sụt giảm kể khi đại dịch bùng nổ vào năm 2020, chỉ riêng doanh số bán hàng xa xỉ là tăng trưởng mạnh mẽ. Dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc là điểm đến yêu thích của các thương hiệu hàng hóa quốc tế.
Theo Bain, thị phần của Trung Quốc trong thị trường hàng hóa xa xỉ toàn cầu đã tăng lên khoảng 21% vào năm 2021, tăng khoảng 20% vào năm 2020. Báo cáo cho biết: “Chúng tôi dự đoán đà tăng trưởng sẽ tiếp tục đi lên, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025. Mô hình du lịch quốc tế trong tương lai có thay đổi thế nào cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển này”.
Theo báo cáo, doanh số bán hàng da tăng khoảng 60% và là danh mục tăng trưởng nhanh nhất, theo sau là ngành hàng thời trang và phong cách sống tăng trưởng khoảng 40%.
Các nhà phân tích của Bain nói thêm: “Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu dùng tốt nhất trên thế giới. Tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo hơn. Mức tăng trung bình của thu nhập khả dụng vẫn cao hơn lạm phát".