Cùng với nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm tại làng Bàu Trúc thì dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại làng Mỹ Nghiệp là nơi lưu giữ bao nét nghệ thuật đặc sắc cho đến ngày nay.
Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và tồn tại, nghề dệt bằng hình thức thủ công vẫn được giữ gìn trọn vẹn và được nối truyền qua bao nhiêu thế hệ. Điều đặc biệt, đây không chỉ là một nghề truyền thống dân tộc mà còn là nghề chứa đựng bao tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm nói chung.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm tại vùng đất xứ Panduranga (Phan Rang) đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, thổ cẩm lúc bấy giờ được dệt rất đơn giản chứ chưa có hoa văn, kết cấu đa dạng như bây giờ. Ngoài những bộ trang phục thổ cẩm của vua chúa, quan lại, quý tộc và các giới nhà giàu được đính kèm với trang sức, thổ cẩm trong nhân dân vẫn được đan dệt rất thô sơ.
Đến thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất xứ Pandunaga và nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải. Chính vì thế, bà đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng thời xưa (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay). Dần dần dần sau đó, nghề dệt được những phụ nữ Chăm học tập, thêu dệt và phát triển rộng rãi.
Từ đó trở đi, với cách sáng tạo và kết hợp từ màu sắc trên nền vải được truyền dạy từ nghệ nhân xưa - tổ nghề Ponagar. Thổ cẩm của người Chăm làng Mỹ Nghiệp đã trở thành một nghề chủ chốt trong cuộc sống kinh tế và tinh thần của người dân.
Trước đây, nghề dệt thổ cẩm, vải tơ lụa của người Chăm rất phát triển và họ tạo ra những sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật thiết kế trang trí hoa văn trên vải. Vải Chăm sợi mịn, nhiều màu sắc, kiểu dáng, hoa văn trang trí rất đẹp. Hầu hết phụ nữ Chăm đều biết dệt. Nhưng ngày nay, người Chăm không sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm mà chủ yếu là các sản phẩm từ sợi bông.
Người Chăm sử dụng những kỹ thuật nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Màu đều làm từ khoáng vật, thực vật ở địa phương như: màu xanh (chàm), màu đen (quả muông), màu vàng (cây mưng), màu đỏ (lõi cây pan) và kết hợp các màu đó để tạo ra nhiều gam màu khác nhau.
Hoa văn trên vải rất phong phú và đa dạng, nó phản ánh địa vị xã hội của người mặc. Địa vị xã hội càng cao thì quần áo của họ càng nhiều loại hoa văn. Hoa văn Chăm có 40 loại và chia làm 4 nhóm: hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn chỉ đồ vật và các loại hoa văn khác. Hoa văn trên tấm vải được bố trí theo chiều dọc nhưng không trang trí trên diện tích rộng.
Người Chăm cũng sử dụng hoa văn cách điệu, hoa lá, núi non, chúng được cách điệu bằng đường nét hình khối, riêng các cánh hoa dù được cách điệu hay chân phương đều được bố trí thành những dải xen kẽ trong toàn bộ mảnh vải.
Sau quá trình chọn nguyên liệu để làm tạo những màu sắc cho tấm thổ cẩm. Việc sáng tạo ra những hoa văn tinh xảo phải được vận dụng tỉ mỉ, chu đáo từ hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… của người nghệ nhân là cực kỳ quan trọng.
Điều này được quý như một người họa sỹ thực thụ vẽ lên một bức tranh đầy đam mê, nhiệt huyết và tinh thần vào từng đường nét thổ cẩm. Có như vậy mới tạo nên sự hài hòa, cân đối cho tấm vải.
Không chỉ vải, trong quá trình dập vải, việc thực hiện nhịp điệu đều tay cũng rất quan trọng. Nếu không có sự nhịp nhàng thì vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn.
Ngoài ra, trong quá trình đan dệt người nghệ nhân cũng phải có một tinh thần thoải mái, vui tươi thì những sợi chỉ nhỏ li ti mới dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo.
Trước kia, nhiều gia đình người Chăm nguồn sống chính là dựa vào dệt. Nhưng nay, dệt chỉ còn là một nghề phụ bên cạnh các ngành sản xuất khác. Việc nâng cao đời sống đồng bào Chăm tại Châu Đốc bằng cách khôi phục và phát huy nghề dệt cổ truyền là một thuận lợi.
Nghề dệt truyền thống người Chăm vừa là sản phẩm văn hóa vật chất, vừa là sản phẩm văn hóa tinh thần, đồng thời cũng vừa là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc được cấu thành trong hệ thống văn hóa đầy màu sắc của nền văn hóa Việt Nam.
Nét độc đáo của nghề thổ cẩm là người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống trong việc tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt.
Những sản phẩm được làm ra, ngoài giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ, những hoa văn được trình bày trên vải còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Chăm nói chung, nó làm cho sản phẩm dệt truyền thống người Chăm mang những nét đặc trưng, tiêu biểu.
Có thể nói sản phẩm thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp đã được nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt và mẫu mã đa dạng. Vì thế mà nghề dệt truyền thống làng Mỹ Nghiệp đã được truyền bá rộng rãi từ các làng Hữu Đức, Chung Mỹ, Văn Lâm… ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận.
Tuy nhiên, nghề dệt truyền thống ở làng Mỹ Nghiệp có sự khác biệt là việc thêu dệt chính là thanh niên, còn con gái ngồi khung kéo sợi, khung cửi còn con trai cắt, may thành sản phẩm.
Nếu có dịp đến Ninh Thuận, bạn không nên bỏ qua một chuyến viếng thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, để có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm thổ cẩm kỳ công, được tận mắt, tận tay trải nghiệm quá trình dệt nên những bộ quần áo, những chiếc khăn thổ cẩm xinh đẹp, để thêm yêu con người nơi đây.
Nét độc đáo của làng nghề cổ này chính là việc người dân dệt thổ cẩm theo phương pháp thủ công, lưu giữ dấu ấn văn hóa Chăm còn mãi với thời gian.