Đêm qua, khoảng thời gian các khán giả được mãn nhãn với loạt show diễn tại ngày thứ 2 của tuần lễ thời trang VIFW 2017. Nếu như các bộ sưu tập trước, giới mộ điệu đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ lãng mạn, ngọt ngào đến hồi hộp, phấn khởi thì chắc chắn show diễn “Mộng Mị” sẽ khiến khán giả sợ hãi và choáng váng đến tột đồ thông qua sự “ma mị” của âm nhạc, thần thái người mẫu và chắc chắn không thể thiếu các thiết kế đậm nét truyền thống Việt Nam mang linh hồn của Thủy Nguyễn.
Dàn người mẫu lên đồng tại show diễn “Mộng Mị”
Mọi người có bao giờ tham gia vào các nghi lễ dân gian tín ngưỡng của đất nước Việt Nam, hay đôi lúc nhìn thấy đâu đó trên các trang mạng xã hội? Nếu chưa một lần được chứng kiến những điều đó thì show diễn “Mộng mị” của NTK Thủy Nguyễn chính là câu trả lời chuẩn xác nhất. Nhưng trước khi tìm hiểu sâu về các thiết kế, giới mộ điệu có mặt tại đêm thứ 2 VIFW Xuân Hè 2017 chắc chắn vẫn không nào thể nào xóa khỏi tâm trí hình ảnh cô nàng người mẫu Chà Mi mở màn với khuôn mặt đầy vẻ vô hồn sải những bước đi một cách không định hướng như trong buổi chầu đồng đầy “ma mị”.
Chính sự vô hồn đầy độc đáo như thế đã khiến show diễn càng trở nên “ma mị” hơn bao giờ hết. Chưa dừng lại ở đó, những người mẫu tiếp theo xuất hiện trên sân khấu đều thể hiện đúng chất “Mộng mị” thông qua trang phục và thần thái trên khuôn mặt cùng lối trang điểm như những phụ nữ ngày xưa, khi đến tham dự các lễ hội cổ truyền dân gian: chân mày lá liễu, đôi mắt màu sắc và đôi môi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đây vẫn chưa là gì cho đến khi Hương Ly xuất hiện trên nền nhạc chầu văn như một “bà thầy cúng” chuẩn bị giờ lên đồng. Điều khiến khán giả nổi da gà chính là việc cô nàng đã thay thế những bước catwalk bằng điệu múa khá điêu luyện đưa người xem đến với khung cảnh nghi lễ dân gian tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam.
Toàn cảnh màn trình “lên đồng” của người mẫu Hương Ly trong show diễn Thủy Nguyễn.
Giải mã bộ sưu tập mang tên “Mộng Mị”
“Mộng mị” tên gọi bộ sưu tập Xuân Hè 2017 lần này của Thủy Nguyễn.
Chắc chắn mọi người đang thắc mắc lý do vì sao Thủy Nguyễn lại đặt tên bộ sưu tập của mình là “Mộng Mị” mà không phải là một tên khác nghe đậm vẻ Việt Nam hơn, thì ý nghĩa ở đây chính là sự giải thích về một điều gì đó không thực, tựa như trong những giấc chiêm bao mà hằng ngày mỗi người đều phải trải qua. Nguyên nhân vì đâu mà nữ thiết kế lại lấy sự huyền ảo thế này vào bộ sưu tập của mình, câu trả lời chính xác đến từ sự mê hoặc bởi các nghi lễ dân gian của tín ngưỡng thờ Mẫu, tràn đầy xúc cảm cùng những điệu múa và hát chầu văn ấn tượng.
Giải thích kỹ thêm về việc thờ Mẫu tại Việt Nam, đây là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm hình tượng với quyền năng sinh sôi và che chở cho con người, mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ. Đây còn là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.
Cận cảnh một buổi hầu đồng ngày xưa.
Bộ sưu tập sẽ dẫn đắt người xem đến chuyến hành trình quay về một buổi hầu đồng cùng mỗi câu chuyện được kể bằng các sắc màu đại diện cho bốn ngôi Mẫu quan trọng nhất trong Đạo Mẫu Tứ Phủ bao gồm: đỏ, xanh lá cây, trắng và không thể thiếu gam vàng đất. Chưa dừng lại ở đó, nhà thiết kế đã tạo ấn tượng bằng việc sáng tạo kiểu dáng và chất liệu trên những bức tranh ảnh và âm nhạc thời xưa cùng sự tôn kính các buổi lễ tín ngưỡng truyền tải thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn còn vô cùng tinh tế hơn khi giản lược đi một số yếu tố trên trang phục như kiểu dáng áo, váy và quần suông giúp các cô nàng không cảm thấy rườm rà và dễ dàng kết hợp trang phục dù xuất hiện bất cứ đâu. Không chỉ thế, chi tiết thêu thùa với hình ảnh những áng mây, cây cối, sóng nước và đất đai cũng được tái hiện tỉ mỉ trên nhiều chất liệu khác nhau như vải bố, gấm, organza hay vải phi bóng cùng cách xử lý như viền đăng ten, đính kết bằng tay và dập ly thể hiện sự giao thoa giữa cổ truyền và hiện đại tạo nên một không gian đầy màu sắc văn hóa dân gian.
Đâu là “đặc sản” mang tên “Mộng mị”?
Nếu chỉ nói đến trang phục và góc nhìn của Thủy Nguyễn về những người phụ nữ Việt Nam thì quả thật là một điều vô cùng thiếu sót, trong BST “Mộng mị” lần này còn nhiều điều thú vị mang đậm âm hưởng bản sắc riêng đến từ những đôi giày, mũ và hoa tai. Tất cả đều được truyền cảm hứng từ nhiều vật dụng thường xuất hiện trong các buổi chầu văn, cúng lễ nhưng đều được biến tấu để phù hợp với bối cảnh sử dụng và trang phục hiện đại. Đặc biệt hơn hết chính là việc kết hợp những điều này lại với nhau nhưng vẫn rành mạch và xuyên suốt theo một chuỗi câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ riêng của nghệ thuật và văn hóa cổ truyền.
Nếu được tận mắt chứng kiến, giới mộ điệu sẽ còn vô cùng thích thú vì thông điệp về người phụ nữ được nhà thiết kế tường thuật bằng câu chuyện hiện đại đan xen với nét đẹp đậm vẻ cổ truyền. Bằng chứng đến từ màn kết show một cách vô cùng mãn nhãn thông qua hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên diện một mẫu áo dài yếm cưới gam màu đỏ cùng chiếc mấn mang đầy vẻ hoài niệm. Thủy Nguyễn đã làm rất tốt trong việc trở thành một người trung gian xâu chuỗi và gắn kết các bạn trẻ lại gần hơn với tinh thần truyền thống, các cô gái có thể chọn bất kì xu hướng hay phong cách nào nhưng một khi đã là người Việt thì nên một lần diện trang phục truyền thống để biết quay trở về cội nguồn là như thế nào. Bộ sưu tập hoàn toàn xứng đáng nhận được sự tán dương, nếu có điểm nào để chê thì chỉ có thể trách việc nhà thiết kế đã khiến mọi người “nổi da gà” với không gian đầy vẻ “Mộng mị” trong tuần lễ thời trang Xuân Hè 2017.
Vô cùng biết ơn người phụ nữ mang tên Thủy Nguyễn, vì cô đã giúp tất cả các bạn trẻ có những nhìn nhận mới, cũng như thay đổi hoàn toàn tư duy về ngành thời trang mang tính cổ truyền. Cám ơn vì tất cả mọi thứ mà cô mang lại cho ngành công nghiệp “không khói bụi” này bằng chính niềm yêu thương dành cho quê hương đất nước.