Được gọi là anh cả làng thời trang Việt, sau hai mươi làm nghề, NTK Nguyễn Công Trí đã tự mình gầy dựng nên một đế chế cá nhân. Anh không chỉ là cái tên được các nghệ sĩ trong nước tìm đến mà các ngôi sao thế giới cũng nhiều lần khoác trên mình các sáng tạo của mình.
Sắp tới đây, NTK Công Trí quyết định tổ chức triển lãm “Cục in lặng” nhằm nói về con đường mình đã đi qua, cùng những chặng đường sáng tác. Đạo diễn Việt Tú đã có vài lời nói về Trí, cùng câu chuyện thời trang của anh.
“Tôi và Trí gặp nhau lần đầu tiên cách đây đã gần 20 năm (2002), khi đó Trí là một hiện tượng mới của làng mốt, còn tôi thì vừa thực hiện xong show Nhật Thực với ca sĩ Hà Trần. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Công Trí, là hắn ta khác mình, như Mặt trăng với Mặt trời. Trí ít chia sẻ, và thường không biểu lộ cảm xúc.
Sau đó lần đầu tiên hai đứa cộng tác là trong một show diễn thời trang. Ở đó Trí đương nhiên là vedette, còn tôi đương nhiên đóng vai kẻ nổi loạn. Sau đó hai đứa chơi với nhau, một cách dè dặt, cũng vì tôi và hắn không giống nhau. Trí quá im lặng, so với miệng núi lửa lúc nào cũng chực phun trong con người tôi thời điểm đó.
Một năm sau, hai đứa tiếp tục có cơ hội cộng tác, nhưng lần này là một tai hoạ, không phải với tôi, mà là với Trí. Hệ thống máy chiếu hoa văn lên các bộ váy trắng tinh của Trí không hoạt động, phá tan buổi ra mắt khán giả Hà Nội. Khán giả trung tính không ai để ý, nhưng Trí biết, tôi biết, dân nghề lờ mờ biết.
Tôi nghĩ Trí sẽ giận tôi lắm, sau buổi diễn đó khi những tung hô đã dứt, một tuần sau tôi nhắn tin cho Trí xin lỗi, như mọi lần hắn chỉ nhắn lại: không sao đâu Tú, rồi im lặng.
Rồi một ngày đẹp trời 2013 Trí điện thoại và nói muốn tôi làm show thời trang “Cảm ơn Sài Gòn” cho Trí, tôi thì nghĩ Trí không đùa, nhưng vẫn cẩn thận hỏi lại phải chăng Trí còn chưa sợ vụ 2006? Trí chỉ cười và nói rằng lần đó tôi nợ Trí, bây giờ nên trả nợ đàng hoàng.
Nhận lời với Trí, nhưng trong tôi là một áp lực, vì không muốn hại bạn lần nữa, nhưng bài toán bạn đưa ra quá khó, show diễn làm trong khách sạn, vốn chỉ dành cho event, trong bối cảnh năm đó vài show thời trang đầu tư khủng đã thực hiện trước đó.
Show của Trí không đầu tư quá nhiều vì Trí không muốn khác mình, tôi thì chẳng muốn bạn phải cố nên mắm môi mắm lợi vào làm. Suốt quá trình không ai nói với ai nhưng cả hai đều hiểu áp lực và thách thức là có thật, và không đứa nào mong 2006 lặp lại dưới một sự cố hay một thất bại nào đó.
Sau “Cảm ơn Sài Gòn”, hai đứa ít liên lạc, thảng hoặc một đôi khi gặp, hoặc theo dõi từ xa, vẫn như truyền thống, cả hai đều im lặng làm việc của mình. Tôi thì ấp ủ dự án của sự nghiệp là Thực cảnh, còn Trí đã kịp có một vị trí vững chắc trong lịch sử của thời trang Việt Nam: nhà thiết kế đầu tiên, chính danh bước vào thế giới phù hoa của làng mốt thế giới.
New York Fashion Week đã đường đường chính chính đóng dấu ấn Nguyễn Công Trí bởi tên tuổi các ngôi sao và chính trị gia quyền lực nhất thế giới: Từ Beyonce đến Michelle Obama…….Và Trí làm điều đó như truyền thống, bằng sự im lặng, trong im lặng, và khi thành việc cũng gần như im lặng.
Đầu 2019, Trí gọi tôi, rủ đi Hội An vào đúng lúc bận kinh khủng, vừa chiều bạn, vừa hiểu với bạn hẳn là có lí do, nhưng cũng không hỏi nhiều, bay vào tụ tập một ngày. Trí, như truyền thống, trong im lặng, rất lâu, với sự thận trọng: tớ muốn làm một cái gì đó, vào một dịp đặc biệt cho mình, nhưng đó không nhất thiết và không nên là một thứ thông thường.
Trong giây phút ấy tôi hiểu ra, bạn mình, người khi gặp chuyện, thay vì trông chờ vào người khác, sẽ lấy tay trái nắm lấy tay phải để vượt qua mọi thứ trong im lặng, đã đến thời điểm Trí cần có một cái gì đó để nhắc nhở bản thân mình rằng, cột mốc 20 năm sự nghiệp của mình đã sắp đến, và điều đó cần trở thành hiện thực.
Với tôi và những người bạn mà Trí gần gũi nhất, tin nhất, và cho rằng hiểu Trí nhất, những gì sắp diễn ra chỉ đơn giản là chính con người của cậu ấy. Con người chưa bao giờ vi phạm nguyên tắc sống, đã sống và chứng minh vẻ đẹp tinh khiết nhất của mọi thành công chính là sự im lặng, và sự im lặng chính là ánh sáng rực rỡ nhất của thành công, với một nguyên tắc bất di bất dịch trong suốt 20 năm qua: Im lặng.
Dành cho triển lãm Cục im lặng của Nguyễn Công Trí và 10 nghệ sĩ đương đại được truyền cảm hứng từ chính câu chuyện và triết lý của Trí”.